Năm 1954, Vũng Liêm phát động phong trào vận động phụ nữ xung phong lấy chồng thương binh, người có công hiến một phần xương máu cho kháng chiến thắng lợi. Nguyễn Thị Thu vừa tròn 19 tuổi, lúc bấy giờ là cán bộ Phụ nữ cứu quốc xã Quới An, là đảng viên cộng sản – một trong những người con gái đi đầu trong cuộc vận động ấy.

Anh Hà Thành Mậu, thương binh hạng 3/4 (mất 4 ngón tay), Nguyễn Thị Thu đã kết nghĩa châu trần. Ngày đám cưới của hai đồng chí không có xe hoa, pháo hồng, chỉ có vòng hoa chiến thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở địa phương. Hưởng hạnh phúc không đầy một tháng, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Nguyễn Thị Thu tiễn đưa chồng và người anh trai Nguyễn Việt Hồng xuống tàu đi tập kết mà nước mắt đầm đìa, hẹn với nhau chung thủy đợi chờ.

Sông Măng Thít có dòng nước xoáy

Rạch Vũng Liêm nước chảy vòng cung

Người đi xa cách nhớ nhung

Sống thì một dạ thủy chung đợi chờ.

Chị Nguyễn Thị Thu (Lệ Thu) còn có tên Nguyễn Thị Lệ Thu, tên thật là Dương Thị Thu (là con gái thứ năm trong gia đình có 9 anh em, có 3 liệt sĩ thời kỳ đánh Pháp và Mỹ). Lệ Thu sinh năm 1953, tại Trường Định, xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, cha mẹ là ông Nguyễn Văn Tuội (*) và bà Lê Thị Mười, ở đợ cho địa chủ, không đủ tiền đóng thuế thân, bỏ xứ tha phương cầu thực bên dòng sông Trường Định, xã Quới An, miền châu thổ sông Cửu Long.

Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng thực hiện chính sách ruộng đất cho nông dân. Cha mẹ của Lệ Thu được nhận phần đất do Cách mạng tháng Tám đem lại. Cả gia đình và bà con xóm ấp bám chặt ruộng vườn, tích cực tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp, đóng góp nuôi quân và đưa những người con lớn vào bộ đội, tham gia hoạt động trong chính quyền cách mạng.

Nguyễn Thị Thu sinh ra và lớn lên trong thời kỳ quê hương bị chiến tranh tàn phá nên phải chịu bao cảnh mất mát thiệt thòi. Anh thứ ba là Nguyễn Văn Hồng – tình nguyện quân Cao Nguyên – hy sinh năm 1948. Lệ Thu mới học lớp 5, phải bỏ học vì chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt. Trong gia đình tuy đông anh em nhưng Lệ Thu là người chịu thương chịu khó giúp cha mẹ để các anh chị lớn đi tham gia kháng chiến.

Cuộc sống của Lệ Thu đi lên cùng những chiến công của nhân dân ta giành được, nhưng cũng là lúc giặc Pháp đang mở rộng chiến tranh trong kế hoạch “bình định gấp rút và phản công quyết liệt”. Ở Vũng Liêm, xã Quới An là xã cuối cùng giặc Pháp trở lại chiếm đóng, chúng đã gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Lòng Lệ Thu quặn đau khi thấy bà con mình bị giặc Pháp bắn chết, nhà cửa bị đốt cháy, xóm làng xác xơ. Nhìn quân thù mà lòng Lệ Thu căm giận.

Nguyễn Thị Thu vào Hội Phụ nữ cứu quốc xã, tích cực xây dựng Hội, vận động phong trào nuôi quân và thanh niên tòng quân giết giặc xâm lược. Rồi Lệ Thu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với niềm vui chung cả nước Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Hòa bình lập lại, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ khắp xóm làng.

Mùa xuân 1954, Lệ Thu gạt lệ tiễn chồng ra đi tập kết, hẹn rằng chờ đợi (sau hai năm Tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà), gia đình đoàn tụ. Bao lưu luyến, nhớ nhung cố nén lại nhưng dòng lệ cứ tuôn trào như báo trước một cuộc chia ly còn phải trải bao thử thách khắc nghiệt mà mỗi người phải phấn đấu tích cực mới vượt qua.

Đầu năm 1956, Mỹ – Diệm bội ước Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp phong trào cách mạng miền Nam. Đảng chủ trương đưa cán bộ – đảng viên bị lộ chuyển vùng hoạt động để che mắt địch. Nguyễn Thị Thu (Năm Thu) được điều về làm Bí thư xã Tân An Luông. Để đảm bảo bí mật hoạt động, Lệ Thu đã cải trang lúc thì mua bán gà vịt, lúc thì quảy gánh đi bán giá đậu xanh, nghi trang thật khéo léo. Cứ như thế, chỉ một thời gian ngắn, Lệ Thu đã tổ chức nhiều cơ sở ở 8 ấp trong xã, kể cả trong lòng địch. Tổ chức các mẹ, chị em vào tổ đấu tranh chính trị, vận động quần chúng đấu tranh thi hành hiệp nghị, tổ chức biến tướng đoàn thể cách mạng thành hội đình, hội miễu, hội banh và các vạn vần đổi công, qua đó đưa đường lối chủ trương của Đảng vào quần chúng. Do đó, được cấp trên tín nhiệm, quần chúng yêu thương, đùm bọc. Qua bao lần giặc càn, vây bắt, Lệ Thu đều thoát khỏi.

Kẻ thù vô cùng bực tức, tìm mọi cách truy lùng bắt Lệ Thu, nhưng được nhân dân che chở. Các cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển.  

Trần Hữu Vị – Theo sách Những người con trung hiếu

——————————-

(*) Tên thật Dương Văn Tuôi, quê ở miền Trung, vì nghèo phải trốn xâu, lậu thuế, bỏ xứ ra đi tha phương cầu thực, phải thay tên đổi họ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *