Bên bờ hạnh phúc
Theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương là đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền địa phương.

Theo chương trình, tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ họp để nghe Bộ Nội vụ – cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương báo cáo; trên cơ sở đó, sẽ cho ý kiến về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nội dung cơ bản của dự án Luật này.

Đây là một dự Luật mới cả về nội dung, tinh thần và kỹ thuật lập pháp, khi được ban hành và có hiệu lực sẽ thay thế cho Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Hiến pháp năm 2013 chỉ mới quy định rất khái quát một số vấn đề có tính nguyên tắc rất cơ bản theo hướng mở để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề rất cơ bản về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương Hiến pháp phải để lại cho dự án Luật Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định.

Đây là cơ hội đồng thời là thách thức đặt ra cho việc nghiên cứu, soạn thảo đạo Luật có ý nghĩa rất quan trọng này đối với việc thúc đẩy cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản trị địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển, thịnh vượng chung của quốc gia.

Thách thức trước tiên là cần phải làm rõ để hiểu đúng và thống nhất về nội dung, tinh thần cũng như ý nghĩa của các quy định của Hiến pháp mới về địa phương, về chính quyền địa phương và các vấn đề có liên quan khác

Theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương là đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền địa phương trong việc quyết định các vấn đề của địa phương, đồng thời phải bảo đảm quản lý thống nhất của trung ương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia trong một nhà nước đơn nhất với vai trò lãnh đạo và chịu trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Một điểm quan trọng rất mới mà Hiến pháp đã quy định, tạo cơ sở định hướng cải cách cơ bản đối với chính quyền địa phương. Đó là phân biệt, không đồng nhất “đơn vị hành chính” với “cấp chính quyền địa phương”. Theo đó, cấp chính quyền địa phương bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt; chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính (Điều 111).

Theo tinh thần này, chính quyền địa phương có thể được hiểu một cách mềm dẻo theo 2 nghĩa đồng thời : (1) Chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; và (2) chính quyền địa phương chỉ có cơ quan hành chính là Ủy ban nhân dân, không có Hội đồng nhân dân.

Vấn đề đặt ra cho dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương là trên cơ sở kết quả tổng kết thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì cần tổ chức cấp chính quyền địa phương (bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) tại những loại đơn vị hành chính nào; và loại đơn vị hành chính nào sẽ tổ chức chính quyền địa phương mà không có Hội đồng nhân dân.   

Hiến pháp năm 2013 đã xác định những nguyên tắc cơ bản về phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, vừa bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phần nào tính tự quản của chính quyền địa phương, vừa bảo đảm sự quản lý thống nhất, thông suốt của trung ương và hoạt động của nền hành chính quốc gia. Trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến pháp, Luật tổ chức chính quyền địa phương sẽ phải quy định rõ những việc thuộc thẩm quyền của trung ương, do các cơ quan trung ương chịu trách nhiệm, những công việc hoàn toàn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương và những công việc thuộc thẩm quyền của cả trung ương và địa phương nhưng có cơ chế kiểm soát, phân định trách nhiệm rõ ràng theo hướng một việc chỉ do một cơ quan hoặc một cấp chính quyền chịu trách nhiệm chính.

Mặc dù không được Hiến pháp mới đề cập, nhưng để thể chế hóa quan điểm của Đảng, thì cần phải được quy định rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đó là phân định rõ trách nhiệm của tập thể Ủy ban nhân dân và trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, trên cơ sở đó phát huy và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý điều hành.

Với tinh thần pháp quyền được đề cao trong Hiến pháp mới, thì một yêu cầu quan trọng trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là đổi mới mối quan hệ giữa chính quyền với Nhân dân theo hướng tạo lập sự bình đẳng giữa cơ quan công quyền với công dân, tổ chức; nâng cao năng lực và tinh thần phục vụ Nhân dân, bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan công quyền và cán bộ, công chức nhà nước. Những vấn đề này cần được thể chế hóa đầy đủ trong Luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, bảo đảm quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. 

Để có được một dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương tốt, mang tinh thần cải cách, thực sự có chất lượng và tính khả thi cao, trước hết, cần thống nhất nhận thức, quán triệt sâu sắc, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm đổi mới của Đảng; bám sát nội dung và tinh thần, cụ thể hóa một cách sáng tạo các quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013.

Đây chính là những quan điểm chỉ đạo quan trọng nhất trong xây dựng Luật Chính quyền địa phương, cần được khẳng định mạnh mẽ để góp phần định hướng cho toàn bộ hoạt động nghiên cứu, soạn thảo và xem xét, thông qua./.

Theo Nguyễn Phước Thọ – Vụ Pháp luật, VPCP (Chinhphu.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *