Bên bờ hạnh phúc
Ông Phan và các món đồ cổ.

Bén duyên với đồ cổ

Có lẽ không có ai dám đánh đổi cả sự nghiệp giảng dạy của mình để đến với thú chơi đồ cổ mà vẫn nghèo kiết xác như ông Phan. 30 năm về trước, ông Phan còn là một người thầy ngày đứng trên bục giảng, tối về nhà soạn giáo án. Trong thời gian còn làm giáo viên, mỗi lúc rảnh rỗi ông thường đi lang thang hóng mát bên dòng sông Hương. “Ngày đó những người đi chài lưới trên sông thường xuyên vớt được các đồ cổ đem bán cho những tay buôn với giá rẻ mạt. Mỗi lần đọc sách sử thấy những đồ về các văn hóa xưa như đồ đồng, rìu, gốm… tôi lại muốn gìn giữ những bản sắc đó”, ông Phan nói.

Vào một ngày, tình cờ ông Phan thấy một gia đình vớt được đồ cổ trên sông Hương. Sợ gia đình đó bán mất như những gia đình khác, ông gạn hỏi để mua. Khi đó với giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Từ đó mỗi lần trên sông Hương có ai vớt được đều gọi ông đến mua.

Cũng không biết từ đâu, cái duyên đến với đồ cổ lại ngấm vào trong người, thầy giáo Phan rời bỏ luôn sự nghiệp dạy học mà bấy lâu ông thường mơ ước, quay sang nghề chơi đồ cổ. Tuy nhiên, cũng từ ngày đó, gia đình ông luôn chìm ngập trong khó khăn bởi ông chỉ bỏ tiền ra mua mà không nỡ bán đi những thứ đồ đó. “Với tôi kho đồ cổ là một kho báu vô giá. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng vợ tôi cũng rất hiểu và thông cảm cho việc làm của tôi. Giờ bà ấy còn chăm lo cho những đồ vật đó còn kỹ hơn cả tôi”, ông Phan tâm sự.

Đến nay, căn nhà nhỏ 120 m2 đều chứa đầy đồ cổ. Không để cho đồ cổ phải xếp chồng chéo lên nhau, ông đành phải mang ra ngoài sau vườn. Ông bảo, nhìn thấy những món đồ cổ phải xếp ra vườn ông đau như thắt từng khúc ruột. Mấy đứa con bảo ông bán bớt đi nhưng nhất quyết ông không bán.

Cả khu vườn rộng lớn cũng để chứa đồ cổ.

Nhà nghiên cứu nghiệp dư

Không học hành gì qua một lớp về khảo cổ nào, đến nay ông đã sở hữu trên 1.000 loại cổ vật qua nhiều niên đại khác nhau. Mỗi loại đồ cổ của ông đều được sắp xếp theo từng thời kỳ, niên đại. Trong đó, khu thứ nhất chứa những cổ vật giai đoạn tiền và sơ sử, chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như chum, hũ, nồi, niêu. Khu hai gồm những đồ cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 14. Khu còn lại là những cổ vật có niên đại từ thế kỷ 14 đến thời các vua chúa nhà Nguyễn. Loại này đa số bằng đồng như bình vôi, khăn nước, bình hoa…

Khi hỏi, làm sao ông có thể biết được niên đại của các loại đồ cổ, ông nói: “Do trước đây đọc nhiều lịch sử nên tôi cũng biết được phần nào. Hơn nữa tôi thường xuyên mua các loại sách chuyên nghiên cứu về khảo cổ để học và đặc biệt là sự so sánh giữa các loại đồ cổ với nhau mà nôm na người ta gọi là kinh nghiệm”.

Với ông Phan, điều mà ông quan tâm nhất là thời kỳ tiền và sơ sử bởi lẽ: “Thời kỳ mông muội, khó khăn nhất nhưng con người vẫn có thể sáng tạo ra những đồ vật có giá trị phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của mình tại sao mình không biết trân trọng nó”, ông bảo.

Hiện, ông Phan đã nghiên cứu được tên tuổi của khá nhiều cổ vật. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm đến để thu thập tư liệu góp phần vào cho lịch sử Việt Nam. Đây cũng là thành công lớn nhất đối với ông. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn ông Phan luôn trăn trở về việc tìm mặt bằng để thuận tiện cho việc nghiên cứu và nhằm gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *