Đến với đảo Bali của Indonesia, du khách dễ dàng nhận ra vì sao nơi đây được ưu ái gọi là một trong những điểm du lịch thu hút nhất thế giới. Bali không chỉ hấp dẫn du khách khắp nơi bởi vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng, mà nơi đây còn mang một vẻ đẹp tiềm ẩn khác mà ít ai biết đến. Đó chính là nét đẹp độc đáo của vùng đất giàu văn hóa với nhiều sự kiện lễ hội và những ngôi đền cổ kính.

Theo cư dân địa phương, nội dung các điệu múa ở đảo Bali được lấy nội dung từ những câu chuyện về các vị thần hoặc trong các sử thi Ấn độ giáo nổi tiếng. Thông qua những điệu múa truyền thống, mọi người bày tỏ niềm tin và khát vọng của mình hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Điệu múa Legong

Theo truyền thuyết Hindu giáo, Legong được xem là điệu múa cho các vị thần. Từ thời xưa, tham gia vũ điệu này là vũ công nữ. Họ hóa thân thành những nàng tiên xinh đẹp. Trên người khoác trang phục đẹp lộng lẫy, chuyển động nhẹ nhàng uyển chuyển theo tiếng nhạc cung đình cổ xưa. Nhờ vậy, Legong còn được gọi là điệu múa cung đình truyền thống và phát triển mạnh trên đảo Bali.

Người Bali tin rằng, nhảy múa là cách tốt nhất để tiếp cận với các thần linh. Do đó từ xưa, tổ tiên họ đã sáng tạo ra nhiều điệu múa để làm vui lòng các vị thần. Với những động tác thanh thoát nhẹ nhàng, uyển chuyển, múa Legong được xem là một phần quan trọng trong những buổi cúng tế trong làng.

Điệu Legong được bắt đầu trong tiếng nhạc rộn ràng. Cũng giống như hầu hết các điệu mùa truyền thống khác, nội dung điệu Legong cũng được lấy nội dung từ một câu chuyện trong thần thoại đạo Hindu. Điệu múa xoay quanh chuyện một hoàng tử Sukawati bị bệnh nặng và rơi vào trạng thái hôn mê. Lúc hôn mê, hoàng tử được xem hai nàng tiên xinh đẹp nhảy múa kèm theo tiếng nhạc cung đình rộn rã. Sau đó, hoàng tử đã tỉnh lại.

Khi khỏe lại, hoàng tử đã cùng các vũ công nổi tiếng trong vùng biên đạo lại điệu múa. Nhờ vậy Legong còn được gọi là điệu múa của tiên nữ.

Múa Legong do 4 vũ công nữ đảm nhận. Đây là một loại hình nghệ thuật tỉ mỉ, cầu kỳ ở đảo Bali. Những người biểu diễn điệu múa này thường phải dành hàng năm ròng tập luyện từ ánh mắt tới cử động của ngón chân. Mỗi cử chỉ, hành động dù là nhỏ nhất đều duyên dáng và mang ý nghĩa hình thể cũng như truyền tải niềm tin tôn giáo của người Bali.

Legong là một trong những điệu múa truyền thống trên đảo Bali. Hầu như cô bé nào ở thôn Buan, huyện Tabanan của đảo Bali cũng biết nhảy múa. Tuy vậy, để có thể trở thành một diễn viên múa Legong chuyên nghiệp là điều chẳng phải dễ dàng gì, bởi phải trải qua những gian khổ mới có thể đạt thành công. Từ năm lên 4, các bé gái ở làng Buan đã được cha mẹ ghi danh vào các lớp múa điệu Legong.

Theo nhiều người Bali, học múa Legong không chỉ để biểu diễn cho các thần linh xem trong những dịp lễ hội mà còn giúp các em có cái nghề để mưu sinh sau này, đồng thời giúp bảo tồn điệu múa cổ truyền được xem như trái tim của tâm hồn dân tộc Bali.

Múa dân gian Kecak

Múa Kecak thường được biểu diễn chủ yếu ở đền Uluwatu. Nội dung điệu Kecak là câu chuyện kể về hoàng tử Rama đã cứu công chúa Sita, người bị quỷ dữ bắt đi.

Điệu múa Kecak thường do một nhóm ít nhất 50 người đàn ông ngực trần thực hiện. Các vũ công nam xếp thành một vòng tròn xung quanh ngọn đuốc và lắc lư theo tiếng nhạc. Ngoài âm nhạc, kèm theo đó là những tiếng reo hò của khán giả trong một bầu không khí sôi động. Vào khoảnh khắc hoàng tử Rama đánh nhau với quỷ dữ, khỉ thần Hanuman đã xuất hiện và giúp Rama đánh bại quỷ giữ và giải cứu công chúa Sita. Do vậy điệu Kecak còn được gọi ‘điệu múa khỉ’. Cũng bởi lý do đó mà loài khỉ sinh sống ở đền Uluwatu khá nhiều và được yêu quý.

Giống như ở các nền văn hóa khác trên thế giới, những điệu múa truyền thống đã gắn liền với cuộc sống đời thường của người Bali. Dù trải qua bao thăng trầm nhưng những điệu múa truyền thống trên đảo Bali vẫn sống mãi trong lòng của người dân nước này và thu hút nhiều khán giả đến xem và cổ vũ.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *