Bên bờ hạnh phúc

Chọn bệnh viện làm nơi tá túc trong quá trình chiến đấu cùng bệnh tật và dù cơ thể đang phải gánh chịu rất nhiều đau đớn, nhưng chị Trần Bình Ngọc vẫn không hề có những phút giây nghỉ ngơi yên tĩnh hay một chỗ ngả lưng của riêng mình mà chỉ có góc cầu thang, lề đường, hành lang, chiếc ghế bố hay manh chiếu nhỏ…Nhưng nhờ vào những tấm lòng nhân ái, những khoảng trống nhỏ bé ấy cũng đủ để che chở cho chị trên con đường đi tìm sự sống mong manh. 

Video clip chương trình Trái tim nhân ái – Kỳ 221: Chị Trần Bình Ngọc

Hơn 1 năm nay, trước cửa khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, các y bác sĩ cùng thân nhân và bệnh nhân đã quá quen thuộc với hình ảnh 3 mẹ con chị Trần Bình Ngọc, ngụ xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ đến tá túc bên hàng lang bệnh viện để điều trị bệnh.

Phát bệnh từ năm 2000, chứng suy thận mãn cứ như một nỗi đau âm ỉ đêm ngày bào mòn sức lực dù chị đã cố gắng chạy chữa qua nhiều nơi. Hết bệnh viện Chợ Rẫy, đến bệnh viện Tân Sơn Nhất và nay là bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ. Cứ mỗi nơi mà chị đi qua, mỗi khi nghe đến hoàn cảnh bi thương của chị, thì không ai lại không xúc động, nghẹn ngào. Chồng bỏ đi khi hay tin chị phát bệnh, lúc đó con gái Thanh Nhàn vừa lên 3, còn con trai Thanh Lộc mới tròn 5 tuổi. Trong cơn đau tuyệt vọng vì bệnh tật dày vò thân thể, chị lại còn một nỗi đau khác to lớn vô vàn, đó chính là sự chia ly khi mái nhà ngày nào đã không còn là nơi che chở an lành cho 3 mẹ con. Không nhà cửa, vắng người thân, tiền bạc thì chẳng có, tất cả những gì chị còn lại trong tay khi đó chỉ là: một căn bệnh đang trở nặng từng ngày cùng 2 đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi học. Không thể cậy nhờ một ai, nên suốt 14 năm dài chiến đấu cùng bệnh tật, chị Ngọc đã cùng 2 con tha hương khắp nơi, sống cảnh màn trời chiếu đất, lót dạ bằng những bữa cháo, cơm từ thiện và chữa bệnh nhờ vào số tiền lời bán vé ố ít ỏi của 3 mẹ con, cùng chút lòng hảo tâm của những người xung quanh.

Thế nhưng, bất hạnh không dừng lại ở đó, khi 2 con của chị ngày một lớn lên có thể đỡ dần cho mẹ thì cùng lúc căn bệnh thận của chị đã biến chuyển sang một giai đoạn nguy hiểm. Chứng suy tim, hở van tim, phù phổi và phù gan đã vắt kiệt chút sức lực vốn ít ỏi còn lại của chị. Nhưng quyết lòng không để bệnh tật quật ngã mình, vì tình thương và trách nhiệm với 2 con, chị Ngọc quyết tâm tuyên chiến đến cùng. Cố gắng giữ vững lịch trình điều trị đều đặn: mỗi tuần 3 lần lọc thận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, và mỗi tháng một lần tái khám ở bệnh viện đa khoa Chợ Rẫy để điều trị những căn bệnh khác, trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, thắt ngặt về tiền bạc đã cho thấy người phụ nữ này đã phải cố gắng nỗ lực phi thường. Nhưng bấy nhiêu đó liệu có đủ cho một phép màu giúp chị chữa lành những vết thương đang âm ỉ nhức nhối từng ngày?

12 tuổi đầu, nhưng đã có đến 9 năm trường rong ruổi khắp nơi theo mẹ trị bệnh, Thanh Nhàn đã sớm ý thức trưởng thành hơn những đứa bé cùng trang lứa. Mỗi ngày 2 bận sáng chiều, Nhàn phải lặn lội hơn 3 cây số rao bán từng tấm vé số để kiếm chút tiền trang trải chuyện áo cơm cùng thuốc thang cho mẹ. Lắm lúc bán không hết hoặc có khi lỗ vốn nhưng không ngày nào là Nhàn lại xao lãng trách nhiệm của mình. Ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, nhưng em nào có được phút giây hồn nhiên vô tư. Đôi mắt buồn luôn ẩn chứa nhiều lo âu, và làm sao kiếm thật nhiều tiền để mẹ có thể vơi bớt cơn đau là câu hỏi lớn mà em vẫn chưa tìm ra lời giải.

Giống như em gái, Thanh Lộc tự gánh trách nhiệm trụ cột gia đình khi bước qua tuổi 14 tuổi không bao lâu, với nhiều công việc làm thuê làm mướn vất vả. Khi thì theo máy cắt lúa đi hết đồng này đến đồng khác, hết mùa vụ lại đi chăn vịt quanh xóm, kiếm dăm ba chục ngàn, dành dụm mua thuốc cho mẹ. Thiếu vắng cha từ nhỏ, chỉ lớn lên nhờ sự chở che của bốn bức tường bệnh viện cùng cơm từ thiện và tình thương của mẹ, vậy mà Lộc đã chín chắn nên người, trở thành một chỗ dựa vững chắc cho mẹ và em gái. Trách nhiệm của Lộc không chỉ dừng lại ở việc kiếm tiền sinh sống cho cả gia đình mà xa hơn đó còn là tìm ra một con đường, một lối đi cho tương lai gia đình đang cơn túng quẫn, và nhất là cho bệnh tình của mẹ. Có thể đối với Lộc đó là một công việc quá sức, nhưng không vì thế mà em chùn bước, bởi bên em luôn có sự yêu thương và tin tưởng của mẹ và em gái luôn dõi theo.

Nếu được đến trường đành hoàng như bao người thì năm nay Nhàn và Lộc đã lên lớp 5, lớp 7, nhưng vì chỉ tham gia các lớp học tình thương rày đây mai đó, lúc được lúc không, nên học lực của các em mới chỉ khiêm tốn ở việc nhận diện được mặt chữ và ráp vần. Nhưng không vì thế mà những đứa trẻ hiếu học này lại từ bỏ niềm mơ ước tươi đẹp về một ngày được bước chân vô giảng đường đại học khi mà mẹ các em đã khỏi bệnh quay về, và khi mà các em đã có một mái nhà yên ấm để ở thay cho những túp lều cây lá tạm bợ. Biết rằng mơ ước thì thật xa nhưng hãy cứ hy vọng vì mọi điều tốt lành rồi sẽ đến với những ai biết trân trọng những ước mơ.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Trần Bình Ngọc, số 12 Đập Đá, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.

2/ Chương trình “Trái tim nhân ái", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 0706.250555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long
– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh long

Kim Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *