Bên bờ hạnh phúc

Các học giả Nga đang nỗ lực giải mã bí ẩn về một nền văn minh kỳ bí thời trung cổ, từng tồn tại ở rìa vùng băng giá Siberia, sau khi phát hiện khu nghĩa địa chứa đầy xác ướp đeo mặt nạ hoặc được bảo vệ bằng đồng.

Một trong các xác ướp là di hài của một người đàn ông tóc đỏ, được các tấm đồng bảo vệ từ ngực tới chân

Các chuyên gia khảo cổ đã khai quật tổng cộng 34 ngôi mộ nông ở Zeleniy Yar, cách vòng cực Bắc gần 29km về phía nam. Họ cũng phát hiện một kho báu nhỏ gồm trang sức và các đồ tạo tác khác, ám chỉ khu vực khảo cổ từng là một nơi giao thương giữ vai trò quan trọng nào đó cách đây gần một thiên niên kỷ.

Theo báo The Siberian Times, khu nghĩa địa trung cổ chứa 11 di hài mất hộp sọ hoặc có hộp sọ bị vỡ nát và các bộ xương gãy vỡ. 5 xác ướp được khâm liệm trong đồng cũng như quấn phủ tỉ mỉ bằng bộ lông của tuần lộc, hải ly, sói hay gấu. Trong số các ngôi mộ, nhóm khai quật chỉ tìm thấy di hài của một nữ giới, đang còn là đứa trẻ với khuôn mặt được che phủ bằng các miếng đồng. Không có bất kỳ thi thể phụ nữ trưởng thành nào được chôn cất ở đây.

Các nhà nghiên cứu cũng đã khai quật được 3 xác ướp trẻ sơ sinh đeo mặt nạ đồng, đều là nam, ở gần đó. Chúng được kết thành khối nhờ 4 – 5 vòng đồng, có chiều rộng nhiều cm.

Trong số các xác ướp còn có di hài của một người đàn ông tóc đỏ, có các miếng đồng bảo vệ từ ngực tới chân. Ở nơi an nghỉ của ông có một cái rìu sắt, lông thú và một đầu khóa làm bằng đồng, tạc hình gấu.

Bàn chân của những người chết đều chỉ hướng về phía sông Gorny Poluy lân cận. Thực tế này được coi là có ý nghĩa quan trọng về tôn giáo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những nghi lễ chôn cất như trên chưa từng được biết đến và không đặc trưng cho các tộc người khác ở xứ lạnh khắc nghiệt này.

Các đồ tạo tác thu được bao gồm những chiếc bát bằng đồng có nguồn gốc từ Persia, nằm cách xa nơi này hơn 5.900km về phía tây nam. Đa số cổ vật được tin có niên đại vào thế kỷ 10 hoặc 11. Dẫu vậy, một dao chiến đấu bằng sắt, huy chương bạc và một bức tượng chim nhỏ bằng đồng, phát hiện cạnh một xác ướp, được xác định có niên đại sớm hơn, khoảng từ thế kỷ 7 – 9.

Các chuyên gia nhận định, việc bảo quản di hài thành dạng xác ướp này là điều ngẫu nhiên, do sự kết hợp của đồng (chất ngăn cản quá trình oxy hóa hài cốt) với việc sụt giảm nhiệt độ ở các thế kỷ sau khi nhóm người này được chôn cất.

 

Đồ tạo tác được phát hiện trong ngôi mộ

Nhà nghiên cứu Natalia Fyodorova đến từ Viên Khoa học Nga, tuyên bố: "Không ở đâu trên thế giới có nhiều xác ướp được phát hiện đến như vậy, ngoài các tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu hoặc vùng đầm lầy. Đây là một khu khảo cổ độc nhất vô nhị".

Bà Fyodorova nói thêm rằng, việc nghiền nát các hộp sọ có thể được tiến hành ngay sau khi đối tượng qua đời để chống lại những bùa mê bí ẩn phát ra từ người chết.

Theo VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *