Bên bờ hạnh phúc

Gần 50 năm theo nghiệp điện ảnh, tên tuổi NSND Trịnh Thịnh đã gắn liền với nhiều bộ phim đình đám của điện ảnh Việt từ thời chiến tới thời bình.

NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1926 tại Hà Nội. Ngay từ khi còn thơ ấu, ông đã có niềm đam mê mãnh liệt với điện ảnh khi lui tới những buổi chiếu phim ở Hàng Quạt, Hàng Da lúc còn tấm bé. Lớn lên, ông làm việc ở ngân hàng Đông Dương rồi xoay qua xoay lại nhiều nghề, nhưng rốt cuộc, cái duyên vẫn đưa ông trở về nghiệp diễn.

Năm 1956, khi tròn 30 tuổi, Trịnh Thịnh trúng tuyển vào vị trí nhân viên lồng tiếng trong một hãng phim của Liên Xô. Trước đó, ông cũng tham gia vào hoạt động sân khấu với vai diễn đầu tay là thầy Tú trong vở kịch Pháp nổi tiếng thời bấy giờ – Topaze.

NSND Trịnh Thịnh.

Năm 1956 cũng chính là bước ngoặt của cuộc đời Trịnh Thịnh khi ông được đạo diễn Phạm Hiếu Dân mời tham gia bộ phim Chung một dòng sông. Từ đó, ông đã có một sự nghiệp diễn xuất đồ sộ, trở thành một cái tên quen thuộc với công chúng. Cả một sự nghiệp điện ảnh hầu như chỉ đóng vai phụ song khi Trịnh Thịnh xuất hiện, dường như khán giả nào cũng chú ý tới ông, bàn luận về ông. Những vai diễn thành công của Trịnh Thịnh đa phần là vai hài, song ông không đóng hài kiểu ăn xổi, nông cạn mà thay vào đó, nghệ sĩ đi sâu vào khai thác tâm lý nhân vật, để sau tiếng cười đó, khán giả vẫn thấy nhiều điều đáng suy ngẫm.

Trịnh Thịnh từng tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chưa một ngày nào thực sự là nông dân, nhưng tôi vẫn rất thích thú với những vai người nông dân. Dù ở tính cách nào, tình huống nào, niềm vui hay nỗi buồn, bi kịch hay hài kịch… tôi cùng đều tìm thấy ở họ những nét thật đáng yêu. Bởi cái thật thà, chân chất rất "đời", đôi khi đến thô kệch, vụng về ở người nông dân chính là chất liệu nguyên sơ, tinh khiết của cuộc sống”.

Trịnh Thịnh trong vai thư ký Liêu trong Chung một dòng sông.

Chung một dòng sông là bộ phim được công chiếu năm 1959 của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cũng là bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Phim kể về chuyện tình yêu của đôi trai gái Hoài và Vận. Khi đang tổ chức lễ cưới, thuyền của nhà trai sang bờ Nam đón dâu thì cảnh sát phía Nam không cho họ lên bờ. Bộ phim là câu chuyện nóng hổi về đề tài chia cắt Bắc – Nam thời đó. Trong phim này, Trịnh Thịnh tham gia một vai diễn nhỏ – thư ký Liêu. Tuy đất diễn của vai này không quá nhiều, Trịnh Thịnh đã làm tròn vai và thể hiện mình có nhiều duyên nợ với sự nghiệp điện ảnh.

Năm 1961, Trịnh Thịnh tham gia vào vai diễn thứ hai, chàng trai A Sinh – bạn cùng làng của A Phủ trong bộ phim Vợ chồng A Phủ. Cùng căm thù giai cấp thống trị bóc lột, anh đã cùng với thanh niên trong bản đấu tranh, hướng về phía cách mạng. Với kịch bản giàu chất nhân văn và diễn xuất thành công của dàn diễn viên trẻ, Vợ chồng A Phủ được đánh giá là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam thời chiến.

Vai A Sình trong bộ phim Vợ chồng A Phủ.

Năm 1971, Trịnh Thịnh thực sự để lại dấu ấn trong sự nghiệp diễn xuất của mình với vai ông Củng trong phim Truyện vợ chồng anh Lực. Ông Củng là người có quan điểm, lập trường trái ngược hẳn với nhân vật chính – anh chủ nhiệm hợp tác xã tên Lực. Bằng diễn xuất tinh tế, NSND Trịnh Thịnh đã thể hiện được những nét nội tâm của nhân vật, thể hiện phần nào bức tranh cuộc sống trong giai đoạn miền Bắc đang xây dựng nông thôn mới. Trong phim có đoạn, ông Củng – người đã có 7 con trai, khi vợ sắp đẻ đứa con thứ 8, ông đã nhốt gà chuẩn bị ăn mừng, chờ vợ đẻ con gái. Nào ngờ lại là con trai, ông Củng thất vọng thả gà ra. Tâm trạng ấy đã lần nào có ở ông khi bà sinh lần thứ tư… vẫn là con gái. Nhân vật vừa hài hước, vừa mang tính thời sự đã giúp ông có biệt hiệu “ông Củng” trong lòng công chúng.

Năm 1986, Trịnh Thịnh tham gia vào bộ phim Thị trấn yên tĩnh – một bộ phim hài hước châm biến, đả kích thói xu nịnh. Tác phẩm này đã được khán giả điện ảnh vô cùng yêu thích vào thời điểm đó. Nói về vai diễn này, Trịnh Thịnh từng chia sẻ: “Khán giả cười thỏa thích là cười cái ông Phó chủ tịch huyện háo danh, kệch cỡm đã cấp cứu nhầm anh lái xe tưởng là ông Bộ trưởng. Đó là do nội dung cốt truyện, còn cái vẻ mặt "thất vọng, thẫn thờ, cứ nghệt cả ra" của tôi lúc đó, có lẽ ai vào tình cảnh ấy cũng khó phản ứng khác được”.

Năm 1987, NSND Trịnh Thịnh lại một lần nữa khiến công chúng yêu thích khi thủ vai ông nội của thằng Bờm trong bộ phim cùng tên. Tác phẩm điện ảnh vui vẻ, hài hước này đã lấy được nhiều tiếng cười của khán giả điện ảnh Việt. Đây cũng là vai diễn giúp ông nhận giải Bông sen vàng cho Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ 8.

Vai diễn ông nội thằng Bờm đã được nghệ sĩ Trịnh Thịnh thể hiện rất thành công với nét chân chất, hồn hậu của người nông dân Việt.

Trong suốt cuộc đời diễn với hơn 30 bộ phim từng tham dự, NSND Trịnh Thịnh từng tâm sự, bộ phim mình tâm đắc nhất là Lời nguyền của dòng sông của đạo diễn Khải Hưng. Vai diễn ông vạn chài của Trịnh Thịnh đã khiến nhiều khán giả ám ảnh bởi quá nhiều đau đớn, khắc khổ. Vì một lời thề, ông quyết định cấm hai con mình không được đặt chân lên bờ, nhưng rồi một ngày, cô con gái yêu một chàng trai trên xóm chài, cô quyết định ở lại bờ để sống. Nhằm ngăn cấm con gái, người cha quyết định dong thuyền bỏ đi. Sự cô độc, xót xa lên tới đỉnh điểm khi ông vạn chài treo cổ tự tử, kết thúc một cuộc đời nhiều uẩn khúc. Tác phẩm này đã giành giải Phim xuất sắc nhất tại LHP Brucxen, Bỉ năm 1992.

Vai diễn tâm đắc nhất của ông trong bộ phim Lời nguyền của dòng sông.

Năm 2002, NSND Trịnh Thịnh tham gia vào bộ phim Tết này ai đến xông nhà. Đây có lẽ là tác phẩm điện ảnh cuối cùng ông tham dự. Tết này ai đến xông nhà cũng có thể coi là phim Tết đầu tiên của giới làm phim phía Bắc. Mang phong cách hài nhẹ nhàng, phim quy tụ một loạt những gương mặt diễn viên hài nổi danh như Trịnh Thịnh, Chí Trung, Quốc Khánh, Quang Thắng…

Vai diễn cuối cùng của NSND Trinh Thịnh trong bộ phim Tết này ai đến xông nhà.

Kể từ đó cho tới nay, nghệ sĩ Trịnh Thịnh lui về phế sau sân khấu an hưởng tuổi già. Nhưng ở cái tuổi đã ngoài 70 sức khỏe của ông đã xấu đi nhiều sau 2 trận ốm thập tử nhất sinh. Nếu như cuộc phẫu thuật cắt bỏ túi mật vào năm 2007 mới chỉ khiến nghệ sĩ Trịnh Thịnh không còn đủ sức trở lại với sân khấu thì cú ngã khiến ông gãy xương đùi năm 2011 và cơn nhồi máu cơ tim năm 2012 quật ngã ông hoàn toàn. Và lần cuối cùng, sau khi nhập viện cách đây 20 ngày, người nghệ sĩ nhân dân đã ra đi mãi mãi sau cơn bạo bệnh ở tuổi 87 để lại nhiều nỗi tiếc thương cho gia đình và những người hâm mộ ông.

Tang lễ nghệ sĩ Trịnh Thịnh sẽ được cử hành hồi 14 giờ 45 phút thứ ba, ngày 15/4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Theo Zing

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *