Bên bờ hạnh phúc

Với những bạn trẻ trót đam mê môn nghệ thuật thứ bảy, dấn thân vào nghiệp diễn, hành trình vươn tới hào quang luôn sóng gió.

Ảo vọng hào quang

Nhắc đến nghề diễn viên, đa số giới trẻ đều mặc định khái niệm trong đầu rằng sẽ được ăn mặc đẹp, trang điểm lộng lẫy, xe đưa kẻ đón, xuất hiện trước hàng trăm, hàng ngàn người hâm mộ, mỏi tay tặng chữ ký cho fan… Đặc biệt khi công nghệ thông tin lan tỏa, sức hút từ những người nổi tiếng mang đến càng khiến cho nhiều bạn trẻ thêm vững tâm lựa chọn nghề diễn viên.

Khi gặp gỡ nhiều bạn trẻ đang theo học tại một số trung tâm đào tạo diễn viên phim, hài kịch, múa ở TP.HCM và hỏi ước mơ của các em là gì, đa số đều có chung câu trả lời là sau này muốn nổi tiếng như diễn viên A, diễn viên B…. Các bạn còn hồn nhiên hơn khi thành thật cho biết, việc chọn lựa học diễn viên là do bố mẹ ép.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp khác được đào tạo trường lớp căn bản của nghề, sau này đi làm đều có những trải nghiệm toát mồ hôi. “Trong suy nghĩ của tôi ngày trước, những người làm nghề diễn viên phải được đào tạo căn cơ qua trường lớp. Thế nhưng từ ngày bước vào nghề, tôi mới thấy nghề diễn không hề đơn giản như bản thân nghĩ. Bởi, những người đứng trước ống kính không hoàn toàn là diễn viên được đào tạo từ trường lớp ra. Họ xuất phát từ rất nhiều ngành nghề khác như người mẫu, ca sĩ, MC, có nhan sắc, có tiền và muốn được nổi tiếng” – H.S.T, một diễn viên mới vào nghề tâm sự.

Qua lời kể của T., số lượng diễn viên học từ trường lớp ra tiếp tục gắn bó với nghiệp diễn còn rất ít. Đa số đã chuyển sang lĩnh vực trái ngành. T. đưa ra ví dụ như lớp của cô có 13 người, sau khi ra trường được hơn 3 năm, 10 bạn trong số đó đã chuyển sang kinh doanh hoặc học lại trường khác để tìm nghề phù hợp.

Sở dĩ số diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo bài bản rơi rụng là do không thể cạnh tranh được với những đồng nghiệp tay ngang. T. tiết lộ, nhiều cô gái thường bỏ tiền để mua vai. Thậm chí, một số cô còn dùng nhan sắc để đánh đổi vai diễn. Những cô gái tay ngang không cần biết phải diễn như thế nào, hay nói đúng hơn là họ không biết diễn, mà chỉ tự tin rằng mình có ngoại hình thì sẽ được người khác chú ý. Họ bị vẻ hào nhoáng làm cho hoa mắt và nghĩ rằng chỉ cần lên phim là được nổi tiếng. Điều này trái ngược với cách nghĩ của diễn viên được đào tạo qua trường lớp. “Diễn như thế nào cho có cảm xúc, có hồn là những điều mà các “tay ngang” không hề hay biết”- T. cho hay.

Hầu hết các diễn viên được đào tạo bài bản qua trường lớp đều là những người có đam mê từ đầu. Họ phải thật sự nổi trội ở một điểm nào đó thì mới có thể đánh gục hàng ngàn sinh viên khác nhau cùng có niềm đam mê với họ. Theo lời N.C – sinh viên năm cuối lớp diễn viên, trường ĐH SKĐA TP.HCM, để vào được trường nghệ thuật không đơn giản chỉ thi và được chọn. Cô cho biết, trong cuộc tuyển sinh gắt gao, thí sinh phải bộc lộ hết khả năng của mình, tạo một dấu ấn nào đó thật đặc biệt thì mới “lọt” vào mắt ban giám khảo cuộc thi tuyển sinh.

Cách đây mấy năm, lúc thi tuyển vào lớp diễn viên cùng đợt với gần 2.000 bạn khác, T. thấy cơ hội để mình theo học tại trường rất thấp, vì trước mắt là những nam thanh nữ tú. Trong khi đó, ngoại hình của cô lại không được nổi trội. Để lọt vào top 20 thí sinh xuất sắc nhất (chỉ tiêu 20 sinh viên), cô đã phải cố gắng nỗ lực, tìm tòi học hỏi trong một thời gian khá ngắn, nhằm toát lên được khả năng đặc biệt của mình. Cuối cùng trời không phụ lòng người có công, cô đã cầm trong tay bảng kết quả với điểm 10 phần thi năng khiếu.

Sau này, trong quá trình học, T. có tham gia một số vai diễn của phim truyền hình. Các vai diễn không lớn nhưng cũng đủ cho cô đúc kết kinh nghiệm: “Không phải cứ được vào trường học là được đi diễn hay nổi tiếng. Nên nhớ một điều, nếu bạn không tiến về phía trước, ắt sẽ bị giẫm đạp hoặc lùi lại phía sau. Thế giới showbiz là vậy!". Trong khoảng thời gian đi làm phim, cô phải cố gắng hết mình để đứng vững trên lập trường bản thân. Nhiều lúc bị bạn diễn nói xấu nhưng vẫn tập cách sống ngó lơ cho qua chuyện. Bởi bản thân làm nghệ thuật một khi lên tiếng thì rất dễ xảy ra những điều không như mong muốn.

Diễn viên trẻ thường gặp rất nhiều cám dỗ khi bước chân vào nghề. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ.

Không phải cứ diễn viên là giàu

“Làm nghề diễn thì mãi mãi chỉ là nghề diễn. Diễn từ trong phim ra đến ngoài đời thật. Một khi bạn đã là người của công chúng thì không thể mang bộ mặt bình thường ra ngoài để đối diện với bàn dân thiên hạ. Bạn phải làm một cái gì đó khác đi để cho những ai tiếp xúc, họ sẽ đánh giá về nghề của bạn sang trọng đến mức nào…” – L.K, một diễn viên mới vào nghề chua chát nói.

Theo đánh giá của các đạo diễn, K. là một diễn viên có tiềm năng. Một số bộ phim gần đây K. được các đạo diễn chú ý mời đóng phim. Chừng đó là quá ổn so với một cô gái mới vào nghề như cô. Nếu nói không quá, cô đang mon men đến sự… nổi tiếng. Chính vì vậy, sau cảnh trên phim, K. trở về với cuộc sống đời thường cũng bắt đầu ăn mặc, đi đứng, ăn nói sang chảnh. Mỗi khi xuất hiện ở đâu, cô cũng cố gắng ăn diện, nói năng kiệm lời và ngại ngần giao du với những kẻ mới vào nghề.

K. cũng chẳng ngại ngần thổ lộ: “Không phải cứ diễn viên là phải giàu. Đó chỉ là bức bình phong làm bạn nổi trội hơn so với người khác, nhưng phía sau nó là những lo toan cho cuộc sống, cho vai diễn. Nếu như bạn nhận được vai diễn nhà quê, nghèo hèn trong một bộ phim, thì bạn chạy ra chợ mua những bộ đồ đó để trang bị cho vai diễn của mình quá đơn giản. Thế nhưng, để đóng vai diễn kiểu con nhà tiểu thư, hoặc nàng kiều song hành cùng đại gia thì đòi hỏi trang phục phải khác – đẹp và đắt đỏ hơn. Nếu có tiền thì vào các trung tâm mua sắm, các shop thời trang hàng hiệu sắm, còn không thì bỏ tiền đi thuê phục trang, xong phim sẽ trả lại. Tiền đi thuê, sắm đồ đôi lúc còn tốn hơn cả tiền cát-xê đóng phim”.

Nếu làm một phép tính đơn giản như lời K. nói, đa số các diễn viên trẻ mới vào nghề nếu không dựa dẫm, không có bệ đỡ từ gia đình hoặc đại gia nào đó thì tất cả đều… đói. Để có tiền, các diễn viên trẻ ở ngoại tỉnh hoặc diễn viên có hoàn cảnh khó khăn, trong lúc chờ đợi được nhận vai, họ sẽ phải đi làm thuê đủ thứ nghề như làm thêm ở quán bar, café, thậm chí làm gái bán dâm để trang trải cuộc sống.

Diễn viên K.H. chia sẻ chuyện nghề: “Hiện tại tôi đi ba phim cùng một lúc – một phim là vai thứ, hai phim còn lại là vai chính và thứ chính. Như bạn cũng biết đấy, tiền cát-xê dành cho một diễn viên nếu nói ra thì cao thật, nhưng chỉ cao so với những người không làm phim thôi. Tôi là một diễn viên trẻ, phải nói là chưa có nhiều tiền để sống hết với đam mê, nhưng tôi ý thức được mình không nên đi vào con đường mù quáng. Cho nên tôi buộc phải lăn lộn bằng cách đi cùng một lúc nhiều phim như thế. Khi tôi học trong trường, không một thầy cô nào chấp nhận việc đi hai ba phim cùng một lúc. Không phải tôi không tiếp thu, nhưng cuộc sống khó khăn buộc tôi phải tìm cách chạy show để xoay sở. Không phải diễn viên nào cũng có nhà, có đất. Bản thân tôi là trụ cột của gia đình nên tôi nghĩ chỉ cần sống và làm việc hết mình để mang đến cho khán giả những nhân vật mà khán giả mong đợi là không có lỗi với bản thân hay Tổ nghiệp…”.

Theo Zing

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *