Bên bờ hạnh phúc

Cùng khám phá câu chuyện phía sau những vị tiên răng, đến các vị thần bảo vệ nội tạng của người Ai Cập cổ đại…

Từ xa xưa, con người ta vẫn thường tin rằng, các bậc thần linh luôn chăm lo và phù hộ sức khỏe cho những ai thành tâm cầu nguyện. Mỗi nền văn hóa khác nhau có những cách nhìn nhận riêng về các vị thần này. Nếu như người phương Tây tin vào những vị tiên răng thì người Ai Cập cổ lại thờ phụng các vị thần chuyên bảo vệ cơ quan nội tạng.

1. Tiên răng

Tranh vẽ một tiên răng

Tiên răng là hình ảnh gắn bó với tuổi thơ của trẻ em các nước nói tiếng Anh. Nếu đứa trẻ đặt chiếc răng sữa vừa rụng xuống gối, một vị tiên sẽ đến trong giấc ngủ và cho đứa bé một ít tiền để đổi lấy chiếc răng.

Một điều lí thú là tuy chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, tiên răng đã giúp ích rất nhiều trong việc ngừa sâu răng! Các bậc cha mẹ nói con cái rằng tiên răng sẽ tặng cho bé nhiều tiền hơn nếu chiếc răng không bị sâu.

Nhân vật tiên răng trong phim The Rise of Guardians

Huyền thoại về tiên răng bắt nguồn từ xa xưa ở các nước Bắc Âu. Tiên răng được nhắc đến lần đầu tiên trong một tài liệu cổ của Iceland vào thế kỉ XIII.

Cũng có ý kiến cho rằng, tiên răng chỉ thực sự trở nên phổ biến tại Hoa Kì từ thế kỷ XX. Ngày nay, nhờ sức hút của các bộ phim Disney, hình ảnh tiên răng còn được biết đến tại nhiều nơi khác trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

2. Chuột tiên răng

Hình ảnh chú chuột Pérez

Trong khi đó, chú chuột Pérez tinh nghịch (Ratoncito Pérez) lại đóng vai trò tiên răng ở các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.

Năm 1894, nữ hoàng Tây Ban Nha khi đó là Maria Christina đề nghị nhà văn Luis Coloma viết một câu chuyện cổ tích cho con trai của mình là vua Alfonso XIII, lúc đó mới chỉ 8 tuổi và vừa mới rụng một chiếc răng sữa.

Nhà văn đã sáng tạo nên hình tượng chú chuột Pérez sống trong một hộp bánh quy, rất giỏi đánh lừa những con mèo và thường viếng thăm các trẻ em và tặng các bé một món quà để đổi lấy cái răng vừa rụng.

Thay vì tiền, chuột Pérez mang đến cho trẻ em những món quà

Chuột Pérez sau đó đã nhanh chóng trở thành quen thuộc với trẻ em ở khắp Tây Ban Nha và các nước Mỹ Latinh. Chú chuột thậm chí còn xuất hiện trong một mẩu quảng cáo Colgate ở Venezuela.

3. Hapi – vị thần bảo vệ lá phổi

4 vị thần trông coi nội tạng, từ trái qua: Duamutef, Hapi, Qebehsenuef và Imsety

Ngày xưa ở Ai Cập cổ đại, người ta tin rằng, ướp xác sẽ đảm bảo đời sống vĩnh hằng ở kiếp sau cho con người. Những cơ quan nội tạng của người đã khuất phải được cất giữ vào 4 chiếc bình riêng.

Điểm đặc biệt là mỗi một chiếc bình đều được chạm khắc hình ảnh của vị thần bảo vệ cho bộ phận nội tạng tương ứng. Cả bốn thần đều là con trai của Horus – một nhân vật trung tâm của hệ thống thần thoại Ai Cập.

Chiếc bình có hình thần Hapi

Hapi là vị thần bảo vệ những lá phổi. Đặc biệt, thần có hình dạng khỉ đầu chó. Theo quan niệm của người Ai Cập cổ, Hapi còn là vị thần cai quản phương Bắc. Thần có tài chạy nhanh và đồng thời là vị thần của những người đi biển.

4. Duamutef – vị thần của dạ dày và ruột non

Thần Duamutef có đầu chó rừng

Duamutef là vị thần có đầu chó rừng. Thần có nhiệm vụ phù trợ những người đã khuất. Chiếc bình có hình đầu Duamutef được sử dụng để chứa dạ dày và ruột non sau quá trình ướp xác.

Theo thần thoại của Ai Cập, thần Duamutef được sinh ra từ một bông hoa loa kèn. Thần cai quản phương Đông và đóng vai trò quan trọng trong việc đưa người đã khuất vượt qua những mối nguy hiểm dưới địa ngục.

5. Qebehsenuef – vị thần bảo vệ ruột già

Chiếc bình này chứa ruột già (đại tràng) của xác ướp

Bộ phận ruột già của xác ướp được đặt trong chiếc bình có hình vị thần đầu chim ưng Qebehsenuef. Người Ai Cập cổ tin rằng, thần Qebehsenuef – có nhiệm vụ cai quản phương Tây sẽ làm sống lại người đã khuất ở thế giới bên kia. 

Những truyền thuyết cổ về vị thần này cũng gắn với sự phục sinh. Tương truyền, sau khi thần Osiris bị giết hại và phanh thây thành nhiều mảnh, Qebehsenuef đã giúp sức trong việc ghép những mảnh cơ thể của Osiris lại với nhau.

6. Imsety – vị thần bảo vệ lá gan

Khác với 3 anh em trai còn lại, thần Imsety mang khuôn mặt người

Lá gan được lấy ra từ xác ướp được cất giữ cẩn thận trong chiếc bình có hình thần Imsety. Khác với tất cả những người anh em khác của mình, Imsety là vị thần duy nhất có khuôn mặt người. Tập quán sử dụng bình có 4 vị thần con trai của Horus để bảo quản nội quan trở nên phổ biến ở Ai Cập cổ từ vương triều thứ 18 (1550 – 1292 TCN).

Người Ai Cập tin rằng, Imsety là vị thần cai quản phương Nam. Imsety được thần Horus giao nhiệm vụ giúp những người chết được hồi sinh ở thế giới bên kia.

Theo kenh14

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *