Bên bờ hạnh phúc

Điệu múa sư tử đã có từ hơn 1000 năm qua và hiện đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Người biểu diễn phải có kỹ năng điêu luyện để thể hiện các động tác uyển chuyển khi mang trên mình bộ trang phục đặc trưng của điệu múa. Kỹ thuật múa sư tử đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Thành phố Ô Sơn nằm ở phía Nam Trung Quốc nổi tiếng là một trong những cái nôi của võ thuật Trung Hoa. Từ khi còn bé, trẻ nhỏ ở đây đã tập luyện võ thuật. Nhiều thế võ mô phỏng hành động của một số loài vật.

Bộ trang phục múa sư tử tựa như một tác phẩm nghệ thuật. Người ta thêu, vẽ trên khắp mình con sư tử.

Vật liệu chủ yếu để làm đầu sư tử là tre. Loại cây này dẻo, bền và có thể tìm thấy ở khắp nơi. Do cây tre có thân thẳng nên việc làm đầu sư tử đòi hỏi người thợ phải gia công thật nhiều.

Để có được những thanh tre cong như ý muốn khi làm cái đầu sư tử có hình dáng tròn tròn, người ta chẻ tre ra thành từng thanh nhỏ. Họ sẽ cắt mỏng một đoạn giữa của thanh tre ở nơi cần có độ cong. Sau đó dùng lửa làm nóng đoạn tre mỏng đó. Đoạn tre được làm mỏng trở nên mềm dẻo, dễ dàng cho việc uốn. Khi nguội, nó sẽ cứng lại. Họ cột từng thanh tre lớn nhỏ lại với nhau để tạo thành phần khung đầu của sư tử. Việc cột những thanh tre có cách thức riêng và nó đòi hỏi nhiều ở kỹ năng của người thợ. Anh thợ trẻ này cẩn thận ghi chép từng chi tiết vào trong quyển sổ tay để khi cần thì mở ra xem lại. Anh dùng giấy cột các thanh tre lại với nhau để giảm nhẹ trọng lượng của phần khung. Sự chính xác là yếu tố rất quan trọng. Nếu cái khung không cân đối sẽ không thể có cái đầu sư tử đẹp và bền.

Để dán đầu sư tử, người ta không dùng các loại giấy thông thường. Từng tờ giấy được làm bằng thủ công. Loại giấy này được làm từ sợi gỗ nhờ vậy chúng dai và bền hơn so với các loại giấy công nghiệp được sản xuất bằng máy. Sau đó dùng miếng vải mùng dán lên lớp giấy vừa dán trên khung tre để làm tăng độ bền cho những miếng giấy mỏng.

Khi hồ đã khô, các công đoạn tạo hình hoàn tất thì tiến hành việc tô vẽ cho đầu sư tử. Mỗi một sắc màu mang ý nghĩa khác nhau. Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh của mặt trời và sự sống. Giống như điệu múa sư tử, việc tô vẽ hình ảnh đầu sư tử cũng có sự kết hợp giữa triết lý và võ thuật. Mỗi một nét vẽ đều mang một ý nghĩa riêng. Chúng kết hợp với nhau thể hiện linh hồn của con vật được cho là thiêng liêng.

Làm đầu sư tử phải mất nhiều thời gian và công sức. Đây là công đoạn quan trọng giúp cái đầu sư tử bằng tre và giấy trở nên có sức sống. Sau khi gắn mắt cho sư tử, người ta không quên gắn sợi dây và những thanh kim loại nhỏ bên trong để người múa điều khiển mắt, tai và miệng của đầu sư tử. Chỉ cần những động tác nhỏ, con sư tử giả có thể nhắm hoặc mở mắt rất sinh động.

Phần đầu của sư tử đã được làm xong. Nhưng người ta không thể trình diễn được nếu không có phần thân ở phía sau cái đầu. Phần vải tượng trưng cho thân của con sư tử sẽ làm tăng vẻ đẹp trong từng bước trình diễn của nó trong khi múa. Và dĩ nhiên, phần thân đó phải có màu sắc bắt mắt để gây sự chú ý của đám đông. Loại vải dùng để may thân sư tử rất đặc biệt. Trong khi may người ta sử dụng kết hợp nhiều loại nguyên liệu, chẳng hạn như vải, lông thỏ, da cừu, hạt cườm.

Người ta múa sư tử mừng Tết nguyên đán. Các màn trình diễn rất độc đáo thu hút sự chú ý của đám đông.

Thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là thành phố lớn nhất ở miền Nam của quốc gia này. Nơi đây nổi tiếng với điệu múa sư tử.

Vào cuối tháng 1 theo dương lịch, hầu hết các phương tiện giao thông vận tải đều chật kín người. Những người con xa xứ nóng lòng về quê. Ai cũng muốn được về đón tết đoàn tụ cùng với gia đình.

Thời nay, người Trung Quốc vẫn duy trì truyền thống đón tết của tổ tiên. Người ta chuẩn bị, trang hoàng nhà cửa thật đẹp. Theo phong tục, người ta sẽ đốt pháo vào lúc giao thừa. Họ đốt pháo ngay trước cửa nhà để xua đuổi những điều không may, tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới. Các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên nhau ăn uống hay xem ca nhạc trong những giây phút đầu tiên của năm mới.

Vào sáng mùng 1, tiếng pháo vẫn nổ râm ran đó đây trên khắp các nẻo đường. Phong tục đốt pháo đón mừng năm mới kéo dài trong suốt những ngày tết. Người ta cho rằng không khí ngày tết sẽ thiếu sự rộn ràng, náo nức nếu thiếu tiếng pháo.

Ở chùa, người ta cũng tổ chức múa sư tử để mọi người cùng xem. Mọi người đến đây trước tiên là viếng chùa, bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên, cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới, sau đó là xem múa sư tử, điệu múa mang ý nghĩa may mắn. Khi xong một bài múa, mọi người tặng chú sư tử những bao lì xì đỏ thắm với hy vọng nó sẽ mang đến cuộc sống đầy đủ và may mắn.

Ở Quảng Châu có một truyền thuyết rất nổi tiếng về điệu múa sư tử. Ngày xửa ngày xưa, có một con quái vật gọi là Niên trú ẩn sâu trong vùng núi. Vào đêm giao thừa hàng năm, quái vật vào làng phá phách và bắt gia súc để ăn. Dân làng nghĩ ra điệu múa sư tử nhằm xua đuổi quái vật Niên. Khi thấy điệu múa sư tử, con quái vật sợ hãi chạy mất. Câu chuyện thể hiện lòng tin điệu múa sư tử có thể xua đuổi những điều không may. Và theo thời gian, điệu múa này trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới.

Sau đó, võ thuật trở nên phổ biến ở Quảng Đông. Để làm tăng sự hấp dẫn cho điệu múa, người ta đã vận dụng những động tác võ thuật vào các bài múa sư tử. Chúng dần phát triển thành những màn trình diễn độc đáo mà chúng ta được xem ngày nay.

Vào ngày đầu năm mới, những người múa sư tử tổ chức cúng tế với một bộ trang phục sư tử mới vừa làm xong. Ở Trung Quốc, người ta xem sự xuất hiện của một bộ trang phục sư tử mới như một sinh vật mới chào đời, vì vậy họ tổ chức cúng tế rất trang trọng. Trong khi cúng, có rất nhiều nghi thức được tiến hành. Vẽ một chấm đỏ lên mắt và chiếc gương trên trán của con sư tử, tức điểm nhãn, là việc không thể thiếu. Thời xưa, người ta không dùng sơn màu đỏ để vẽ mà là dùng máu gà.

Các nghi thức cúng tế này nhằm giúp cho linh hồn trên trời hòa nhập vào mình con sư tử và để nó mở mắt. Người ta múa sư tử kết hợp với tiếng trống nhạc rộn ràng ngụ ý giúp con sư tử tỉnh giấc. Những bài múa này có nghĩa linh hồn đã hòa nhập vào mình con sư tử mới. Ngay sau khi thực hiện các nghi thức cúng tế, người ta sẽ trình diễn các màn múa sư tử đón mừng năm mới để mọi người cùng xem.

Khi nghe tiếng trống nhạc múa sư tử trên đường, gia đình nào muốn con sư tử ghé vào mùa ở nhà mình thì treo một cây cải với bao lì xì trước cửa. Con sư tử múa trước sợi dây có cột cây cải và bao lì xì. Người ta cho rằng cải là loại rau may mắn, vì vậy việc cột nó vào sợi dây treo trước nhà sẽ mang đến cho gia chủ nhiều tài lộc.

Hành động ăn cây cải của con sư tử tượng trưng cho việc làm ăn phát đạt trong năm mới. Đầu năm mới, nhiều người thích xem sư tử ăn cải. Họ cầu mong việc kinh doanh của gia đình gặp được nhiều thuận lợi và phát triển. Nghi thức múa này là một phần cơ bản trong điệu múa sư tử.

Thanh Trúc – Hoa Nhi
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *