Bên bờ hạnh phúc

Kyoto là một thành phố cổ kính, xinh đẹp của đất nước Nhật Bản. Nơi đây từng là kinh đô của các vương triều xứ sở Phù Tang từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 19. Nhắc đến Kyoto là người ta nghĩ đến các công trình cổ, lễ hội truyền thống, các geisha…

Geisha là những cô gái có tài ca múa và được xã hội Nhật Bản xem trọng

Geisha là những cô gái vừa có tài ca múa vừa có khả năng trò chuyện với khách. Từ lâu, sự biểu diễn của các geisha đã được xem là một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Nhật Bản.

Kyoto là thành phố cổ gắn liền với rất nhiều lễ hội truyền thống của Nhật Bản như lễ hội Gion, Bon,Jidai, Aoi, hoa anh đào… trong đó có lễ hội đón chào tiết lập xuân được tổ chức vào ngày lập xuân hàng năm ở đền Yasaka. Người Nhật Bản rất xem trọng ngày đón tiết lập xuân. Hàng năm cứ đến ngày này, người dân Kyoto lại háo hức đến đền Yasaka để tham gia lễ hội mừng xuân mới. Bầu không khí của ngày lễ hội chia tay mùa đông và đón chào mùa xuân diễn ra rất náo nhiệt. Một trong những tiết mục được mọi người mong chờ nhất là màn trình diễn và phát bánh đậu của các geisha. Ý nghĩa của việc phát bánh đậu cho mọi người trong ngày lễ là xua đi điềm xấu và mang đến điều tốt lành trong năm mới.

Các Geisha trong trang phục Kimono đen đến múa hát tại đền Yasaka dịp đầu năm

Vào những ngày diễn ra lễ hội, các geisha thường mặc trang phục truyền thống màu đen để biểu diễn. Các màn trình diễn của geisha trong lễ hội đều là những bài múa hát truyền thống phổ biến nhất của Nhật Bản. Tiết mục múa hát truyền thống của các geisha là một phần quan trọng không thể thiếu trong các hoạt động lễ hội cúng tế ở kinh đô cổ này. Các bài múa hát được ví như lời chúc bình an, may mắn gởi đến mọi người. Vào các dịp lễ hội lớn trong năm, người dân Kyoto thường tập trung đến các ngôi đền để xem geisha biểu diễn và nhận lời chúc phúc từ các geisha.

Bánh đậu xanh được phát với hy vọng xua đi điềm xấu và hy vọng một năm mới an lành

Khi tiết mục múa hát của các geisha kết thúc là đến nghi thức phát bánh đậu. Theo truyền thống, các geisha và những người trong ban tổ chức lễ hội sẽ phát bánh cho mọi người. Họ đứng trên sân khấu và ném bánh xuống cho người dự lễ. Tương truyền, ai nhận được bánh sẽ gặp nhiều may mắn trong năm tới.

Từ xưa đến nay, các geisha luôn được xem trọng trong xã hội Nhật Bản. Những geisha múa hát càng hay càng nổi tiếng và có địa vị cao. Vì lẽ này mà bất kỳ geisha nào cũng mơ ước đến ngày mình có thể bước đến đỉnh cao danh vọng.

Các cô gái trẻ khi quyết định theo nghề geisha thì cuộc sống của họ sẽ hoàn toàn thay đổi. Mọi sinh hoạt hàng ngày của họ đều phải tuân theo những quy tắc truyền thống. Ngoài việc học múa hát, họ còn phải thay đổi từ cách ăn nói, đi đứng… cho đến trang phục.

Người ta thường nói, đến Kyoto mà không xem Geisha biểu diễn là coi như chưa từng đến đây. Muốn trở thành geisha không phải là điều đơn giản, họ phải là những người biết đàn, hát, kể chuyện và cả khả năng trò chuyện giúp vui cho khách. Trong lúc tiếp khách và trò chuyện cùng khách, geisha luôn phải tuân thủ đúng các quy tắc của nghề.

Cảnh sắc thơ mộng, không gian thanh bình, cổ kính và nét đẹp văn hóa lâu đời là những điều hấp dẫn du khách đến với Kyoto.

Vào ngày lập xuân, rất nhiều hoạt động liên quan đến việc tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới diễn ra trên khắp Nhật Bản, trong đó, ăn sushi là một trong những việc không thể thiếu trong ngày mừng tiết lập xuân đối với người Nhật. Bình thường, người Nhật hay cắt cuộn sushi ra thành nhiều đoạn ngắn nhưng vào ngày lập xuân thì nhất định phải từ từ thưởng thức cả cuộn dài.

Người Nhật cho rằng, cuộn sushi dài tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc tràn đầy. Nếu cắt cuộn sushi trong ngày mừng tiết lập xuân, có nghĩa là bạn cắt đứt sự may mắn, hạnh phúc của mình trong năm mới. Bạn hãy chầm chậm thưởng thức sushi và cầu nguyện những điều tốt lành đến với mình.

Cuộn sushi dài tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc tràn đầy dịp đầu năm

Mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta luôn vận động và phát triển. Chỉ có những thứ tốt đẹp và được mọi người yêu mến mới có thể tồn tại lâu dài. Và trang phục truyền thống Nhật Bản là một trong số đó. Ngày nay, người Nhật vẫn thích mặc kimono, đặc biệt là trong những ngày lễ tết, tiệc tùng. Họ thích ngắm trang phục truyền thống cùng chất liệu và những hoa văn độc đáo được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công từ đôi tay khéo léo của những người thợ. Trong văn hóa người Nhật, không một loại trang phục nào có thể thay thế kimono. Chất liệu vải và hoa văn có rất nhiều loại, có loại thường, có loại thượng hạng dệt bằng tơ tằm. Hoa văn trên vải được các nghệ nhân chăm chút tỉ mỉ đến từng nét vẽ, từng mảng màu. Hình ảnh trên vải chủ yếu là bông hoa, phong cảnh. Những mẫu hoa văn càng phức tạp càng thể hiện sư cao quý cho người mặc.

Ở Nhật Bản, kimono được xem là món đồ không thể thiếu trong ngày cưới. Ngoài trang phục cưới, đôi khi cô dâu còn mang theo một vài bộ kimono được xem như của hồi môn. Điều này cho thấy kimono vô cùng quan trọng trong đời sống của người Nhật.

Kimono là niềm tự hào của Nhật Bản

Hoa văn, chất liệu trên áo kimono càng đẹp càng thể hiện sự cao quý. Các bộ kimono đắt tiền thường là các bộ được thiết kế cho cô dâu mặc trong lễ cưới.
Cảnh sắc thiên nhiên đẹp mê hồn và các công trình cổ thanh tịnh là những điểm độc đáo thu hút du khách đến với Kyoto – thành phố cổ kính vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống cả về vật chất lẫn tinh thần của người Nhật. Ngày nay, cố đô Kyoto được nhắc đến như là hiện thân của Nhật Bản cổ xưa huyền thoại. Khác với những thành phố công nghiệp hiện đại, Kyoto luôn mang đến cho người ta cảm giác yên bình và thanh thản đến kỳ lạ.

Gia Nữ
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *