Bên bờ hạnh phúc

Trải qua bao sóng gió và bị gia đình nhà gái ngăn cản, cuối cùng, đám cưới của chàng trai bệnh thận và cô gái quê mới có thể diễn ra. Nhưng câu chuyện tình của họ vẫn còn phải chịu nhiều chông gai nữa mới có được một cái kết có hậu.

Chị Nghĩa cùng cậu con trai trong căn phòng trọ. Ảnh: H.D

Trong “xóm chạy thận” ở đường Lê Thanh Nghị, Hà Nội, ai cũng biết chuyện vợ chồng chị Phùng Thị Nghĩa từ ngày chị mới là người bạn học thường xuyên đến thăm và chăm sóc anh Mai Anh Tuấn đang phải chạy thận cho đến khi hai người nên duyên vợ chồng. Trong căn phòng trọ của mình, kể lại quyết định gắn bó đời mình với anh Tuấn ngày đó, chị Nghĩa cười bảo: “Người thông cảm thì thương, nhưng nhiều người lại cho rằng mình bị khùng mới nhất quyết lấy một người mang bệnh nặng không biết sống chết thế nào. Lúc đó tôi chỉ nghĩ yêu thì lấy thôi”.

Thà sống vài tháng với người mình yêu…

Chị Nghĩa kể mình và anh Tuấn học chung với nhau từ năm lớp mười. Tốt nghiệp trung học, chị lên Hà Nội làm công nhân may và biết anh Tuấn bệnh phải nằm viện nên chị vào thăm. Lúc đầu chỉ là thấy bạn bè hoạn nạn thì giúp đỡ, động viên. Tiền bạc thì chẳng có nên chỉ biết xuống chăm sóc bạn, rồi càng ngày càng thấy thương yêu, chị muốn hy sinh gắn bó với bạn. Những lúc rảnh rỗi, chị Nghĩa lại chạy xuống nấu nướng giặt giũ quần áo giúp anh Tuấn. Hàng xóm của anh Tuấn trong xóm chạy thận cũng như người trong bệnh viện dần quen với hình ảnh một cô gái còn mặc nguyên đồng phục của công ty may Chiến Thắng cứ sau giờ làm lại ghé phòng anh Tuấn. Bố anh Tuấn khi biết tình cảm của chị Nghĩa dành cho con trai mình đã gặp chị khóc nói: “Nghĩa ơi! Bác không cứu được nó rồi nên nếu cháu gắn bó với nó, cháu sẽ khổ”. Nhưng tình yêu của chị quá lớn nên chị vẫn quyết đến với anh.

Khi biết quyết định của chị Nghĩa, bạn bè cùng cơ quan cũng bất ngờ và can ngăn. Bác sĩ cũng tư vấn là chị có thể phải nuôi con một mình, vì ở nước ngoài với kỹ thuật tiên tiến trường hợp như anh Tuấn có thể sống được 20 – 30 năm, còn ở Việt Nam chạy thận lâu người bệnh có thể ra đi bất cứ lúc nào. Nhưng chị nghĩ thà sống hạnh phúc với người đàn ông mình yêu cho dù một vài năm hay một vài tháng cũng còn hơn sống cả đời với người mình không yêu! Bố chị khi biết quyết định này đã ra sức ngăn cản. Thuyết phục bố mãi không được, chị cùng anh Tuấn mua trái cây, thắp nhang xin phép người mẹ đã mất của chị rồi ra đi. Bố chị chỉ biết khóc.

Lúc đó, ở nhà trai, anh chị cũng có làm vài mâm cơm gọi là tổ chức đám cưới. Chị nhớ mình chỉ may mỗi bộ áo dài mặc ngày hôn lễ chứ chẳng sắm sửa gì. Bố chị kiên quyết không cho bất cứ ai ở họ nhà gái đến dự cưới. Cô em gái từ Sài Gòn bay ra cũng bị bố cấm không cho đến. Cưới hôm trước thì hôm sau hai vợ chồng phải lên Hà Nội để anh Tuấn nhập viện.

Hy vọng một cổ tích không dở dang

Trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2, chị Nghĩa ôm cậu con trai bảy tuổi vào lòng, mặt tràn ngập hạnh phúc khi cậu con trai xem tấm hình cưới của bố mẹ và hỏi “Bố mượn càvạt hả mẹ?”, vì từ nhỏ đến giờ cậu quen thấy bố mặc đồ lao động hay quần áo bệnh viện! Chị Nghĩa cười, mắt lấp lánh: “Mới đó mà chúng tôi đã sống hạnh phúc được tám năm rồi”. Khi nghe bác sĩ tư vấn, chị đã xác định sẵn nên thấy tám năm đã là nhiều. Giờ ông trời có bắt vợ chồng ly tán, chị cũng mãn nguyện.

Tám năm nói thì tưởng nhanh nhưng đó là cả quãng đường đời vợ chồng chị phải chiến đấu để vượt qua mọi khó khăn. Chị kể, khổ nhất là lúc chị đến kỳ sinh nở. Khi đó, anh Tuấn sốt nên phải nhập viện. Hai giờ rưỡi sáng, đang ở nhà, chị đau bụng vỡ ối phải vội vàng ra cổng bệnh viện Bạch Mai đón xe ôm đến bệnh viện phụ sản. Chị còn nhớ lúc đó trời mưa, trong túi chỉ mang theo 160 ngàn đồng, bảo hiểm y tế, chứng minh thư và bình sữa cho em bé. Sáng chị phải gọi điện nhờ chủ nhà trọ nói với anh Tuấn trưa chị không đem cơm vào được. Chờ mãi không thấy vợ vào, anh Tuấn về nhà trọ mới biết vợ đang ở bệnh viện, anh gắng gượng mang tã vào cho con rồi lại quay về viện nằm. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn của cả hai. Con còn bé nên mỗi khi chồng nhập viện, chị phải gửi con cho hàng xóm. Chồng đau, chị ở cạnh anh suốt.

Vợ chồng chị Nghĩa trong ngày cưới.

Rồi phân xưởng thảm len thuộc công ty may Chiến Thắng của chị tan rã, chị phải đi bán hàng rong trong bệnh viện, rồi bán hàng nước ở ngoài cổng bệnh viện, có việc gì làm việc đấy để có tiền. Rồi chị được người quen giới thiệu vào làm ở hội khuyết tật nên cũng có khoản thu nhập ổn định để lo cho chồng con. Được cái anh Tuấn rất thương vợ nên không nề hà bất cứ việc gì từ giặt giũ, nấu nướng đỡ đần những lúc chị đi làm. Khi không phải nằm viện chạy thận, anh lại chạy xe ôm kiếm thêm tiền phụ vợ.

Chị Nghĩa bảo tám năm qua, mình không hề hối hận vì đã lấy anh. Những khi khổ quá, chị lên chùa khóc với Phật. Vừa rồi, đi họp lớp sau 15 năm ra trường, bạn bè hỏi thì chị bảo nếu cho lựa chọn lại chị vẫn chọn như thế. Chị thấy bạn bè không phải ai cũng sung sướng, có những người vì bon chen với đời nên cuộc sống chẳng hạnh phúc gì, còn chị nhờ an phận nên thấy thanh thản.

Với anh Tuấn, chị Nghĩa đúng là cô Tấm bước ra từ quả thị. Khi biết mình bị bệnh, chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện lấy vợ. Anh không tin có người con gái nào đủ tình yêu và nghị lực để đến với anh. Anh bảo bác sĩ dự đoán anh sống không quá năm năm, nhưng từ khi yêu chị anh không còn nghĩ đến cái chết. Và khi có hẳn một gia đình với người vợ hiền và cậu con trai kháu khỉnh thì anh càng không nghĩ mình sẽ đoản mệnh. Có lẽ, chính tinh thần lạc quan ấy cùng với tình yêu của vợ con là sức mạnh để anh Tuấn chiến đấu với thần chết suốt 15 năm nay. Và hy vọng câu chuyện cổ tích của họ không dở dang giữa chừng…

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *