Bên bờ hạnh phúc

Giữa thế kỷ 20, giai đoạn kinh tế Nhật Bản phát triển bùng nổ, thủ đô Tokyo đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa này. Hàng loạt nhà máy và khu công nghiệp đã được xây dựng quanh khu vực vịnh Tokyo. Các nhà máy đã xả một lượng khổng lồ nước thải độc hại chưa qua xử lý ra các con sông chảy ra vịnh hoặc thải trực tiếp ra vịnh. Hậu quả là nguồn nước trên vịnh Tokyo bị ô nhiễm trầm trọng. Môi trường bị hủy hoại, tôm cá trong vịnh cũng theo đó chết hàng loạt. 

Trong nỗ lực bảo vệ con vịnh xinh đẹp của thủ đô, chính quyền đã áp dụng các biện pháp mạnh đối với các nhà máy, siết chặt quy định về xử lý nước thải. Bên cạnh đó, những giải pháp phục hồi vịnh Tokyo cũng được tiến hành một cách khẩn trương.

Sự ô nhiễm đã tạo điều kiện cho các loài tảo độc sinh sôi, gây nên hiện tượng Thủy triều đỏ. Tảo độc có màu đỏ, những mảng tảo khổng lồ trôi dạt trên vịnh đã làm đổi màu cả vùng nước rộng lớn.

Hiện tượng thủy triều đỏ ghi nhận được ở khu vực Vịnh Tokyo

Không chỉ có hiện tượng thủy triều đỏ, vịnh Tokyo còn xuất hiện cả Thủy triều xanh do tảo độc có màu xanh gây ra. Những loài tảo này rất nguy hiểm, với mật độ dày đặc, chúng lấy đi ánh sáng mặt trời, sử dụng hết nguồn khí oxy trong nước và thải ra chất độc hại. Thiếu oxy, các loài sinh vật biển trên vịnh không thể duy trì sự sống.

Để khôi phục hiện trạng của vịnh Tokyo, chính quyền và người dân Nhật Bản đã phát động nhiều chiến dịch quy mô, kéo dài suốt nhiều năm qua.

Tại thành phố Yokohama, những nhóm tình nguyện viên được thành lập để thu nhặt rác thải dưới đáy vịnh. Với 50 thành viên, hầu hết đều biết lặn, nhóm tình nguyện viên này hoạt động thường xuyên trên khu vực vịnh thuộc địa phận thành phố Yokohama. Họ lặn sâu xuống đáy vịnh thu lượm rác thải đủ loại, nhiều nhất là lon bia, lon nước giải khát. Có cả những chiếc điện thoại di động. Số lượng rác mà họ thu gom trong ngày hôm nay lên đến 380 kg.

Người dân Tokyo, bất kể già trẻ, đều tham gia hoạt động trồng rong lươn trên vịnh

Một hoạt động cải tạo vịnh Tokyo có sự góp sức của người dân ra đời vào năm 2003 đã trở thành sự kiện mang tính thường niên. Ban tổ chức đã kêu gọi các bậc phụ huynh và cả con em của họ cùng tham gia trồng rong lươn trên vịnh Tokyo.

Rong lươn được trồng ở các vùng biển cạn, chúng hấp thụ tốt ánh sáng mặt trời và sinh trưởng rất nhanh. Rong lươn giữ vai trò quan trọng trong đời sống của các loài sinh vật biển. Rong lươn hấp thụ khí CO2 và thải ra khí oxy làm sạch nguồn nước. Ngoài ra, những đám rong lươn còn là nơi đẻ trứng an toàn cho một số loài cá.

Rong lươn là môi trường sinh sống lý tưởng của nhiều loài sinh vật biển

Giải pháp trồng rong lươn trên vịnh Tokyo đã được áp dụng thành công. Hiện nay, diện tích che phủ đáy biển của loài thực vật này đang ngày càng tăng. Theo thống kê, hiện có đến 70 loài cá biển đang sinh sống dựa vào các đám rong lươn ở vịnh Tokyo.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *