Bên bờ hạnh phúc

Bay như con thoi giữa Việt Nam và các nước Anh, Mỹ… đi lại liên tục giữa Hà Nội và TP.HCM để biểu diễn thời trang, ca hát, dẫn chương trình, Vũ Hà Anh dành gần trọn thời gian và sức trẻ để hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Hà Anh sắc sảo, tự tin đến mức bị xem là khó ưa, khó chơi, nhưng đồng thời rất “biết người biết ta”. Quyết liệt trong công việc chuyên môn, phong cách sống chịu ảnh hưởng phương Tây, nhưng là người phụ nữ đúng mực của gia đình Á Đông, là một cô bé Ly nhỏ bé, mỗi lần về nhà lại sà vào lòng ông nội.

* Hình ảnh một Hà Anh bản lĩnh, thông minh, đồng thời nữ tính, trẻ trung, hiện ra khá rõ trong cuốn sách đầu tay mới phát hành của chị. Đó là chân dung thật của chị, với nét cứng rắn toát ra bên ngoài, ẩn giấu bên trong sự hiền lành, thậm chí đôi chút hồn nhiên?

– Đúng, tôi muốn dùng các câu chuyện trong cuốn sách để khắc họa chân dung thực nhất của mình, cũng như bao phụ nữ khác với rất nhiều sắc thái, cảm xúc khác nhau. Trước nay, khán giả chỉ nhìn thấy một Hà Anh cá tính, mạnh mẽ, quyết đoán trong hình ảnh và phát ngôn. Ít ai biết được đối với người thân, bạn bè và những người xung quanh, tôi sống rất tình cảm, nữ tính, nhẹ nhàng và chan hòa.

* Phần tính cách bên trong mà công chúng ít thấy, chưa đủ mạnh để bao trùm toàn bộ con người của Hà Anh, hay chị cần tiết chế khi sống trong môi trường giải trí?

– Tôi phải tiết chế những nét tính cách bên trong khi đối diện với công chúng, bởi họ muốn nhìn thấy một ngôi sao – đi như một ngôi sao, đứng như một ngôi sao, cười như một ngôi sao. Ngoài ra, là một cô gái trẻ, không dễ gì để tôi chứng tỏ và được xã hội ghi nhận khả năng cũng như chuyên môn của mình. Vì vậy, trong cách hành xử đối với công chúng, tôi buộc phải đặt yếu tố chuyên môn và chuyên nghiệp lên hàng đầu. Chỉ ở những không gian riêng tư hay ở những nơi mà tôi không là ai cả, thì tôi cho phép Hà Anh trẻ con nhảy chân sáo, cười giòn tan mà không phải suy nghĩ gì.

* Hà Anh là người mẫu cá tính, từ chuyên môn đến… phát ngôn. Nhưng người cá tính cũng thường bị tỵ hiềm?

– Không chỉ cá tính, tôi còn đại diện cho những suy nghĩ mới mẻ, những người dám nói ra suy nghĩ và thực hiện mơ ước của mình. Ngoài ra, sự ý thức về cá nhân làm tôi bị hiểu nhầm là tự cao. Thực chất, tôi yêu thương và trân trọng mọi người xung quanh mình, không bao giờ coi thường thành quả, địa vị hay lựa chọn sống của bất cứ ai. Sự tỵ hiềm là điều không tránh khỏi, còn việc hiểu bản thân giúp tôi biết mình không làm điều gì sai để phải hổ thẹn. Và vì vậy, tôi luôn ngẩng cao đầu.

Khi ai đó muốn lôi bè kết phái để lấn át, gièm pha hay có ý muốn chà đạp tôi, tôi phải chứng tỏ khả năng xuất sắc hơn nữa, để dù không ưa tôi, người ta vẫn phải dùng đến tôi. Tuy nhiên, ngoài những tỵ hiềm của một số người, tôi cũng được sự ủng hộ, tiếp sức của rất nhiều người: fan hâm mộ, bạn bè, công chúng nói chung và gia đình. Họ là nguồn sức mạnh vô bờ tiếp cho tôi nghị lực, ngay cả khi tôi hoài nghi chính bản thân mình.

* Nhưng sự sắc sảo, thẳng thắn của chị trong một môi trường mà lâu nay người ta quen dè chừng, né tránh, lại trở nên khó nghe, khác thường…

– Đôi khi người ta chưa biết, hoặc biết mà không dám nói ra. Nhưng những câu chuyện liên quan đến nghề, đến chuyên môn thì tôi phải lên tiếng. Biết mà không lên tiếng là thiếu trách nhiệm. Tôi lên tiếng để mọi người có cái nhìn nhiều phía, chứ tôi không khẳng định mình luôn đúng. Tôi tư duy, nhận thức đúng sai, phân tích, nhận định, tất cả vì sự phát triển và hội nhập của ngành nghề mình, dù chịu thiệt thòi, tôi cũng phải nói những gì mình nghĩ.

* Chị từng thể hiện quan điểm không bon chen trong nghề, không tranh giành vị trí khi trình diễn trên sân khấu. Nhưng nghề nào cũng vậy, luôn có những quy tắc đặc thù, chị không tuân theo thì chính chị đã “góp phần” phá vỡ trật tự?

– Vị trí cũng quan trọng, nhưng không quan trọng bằng chất lượng công việc mình mang tới. Trong nghề của tôi hay nghề nào đi nữa, chúng ta thích tranh giành quyền lực riêng mà quên đi sức mạnh tập thể, thích tranh giành vị thế, nhưng liệu mình có đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của vị thế đó hay không? Người ta dễ bị lóa mắt trước những mỹ từ, danh hiệu, tôi nghĩ mình chỉ “là tôi, Hà Anh”. Khi mình có khả năng, ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể tỏa sáng. Vì vậy, việc gì phải tranh giành?

* Khẳng định tên tuổi trong làng người mẫu chỉ sau vài năm du học trở về và đang sống bằng một phần thu nhập từ thời trang, nhưng chị vẫn tự xem mình là khách của “cái làng” đó?

– Bởi vì ngành nghề của tôi ở trong nước vẫn chưa phát triển, chưa chuyên nghiệp. Từ một người mẫu, tôi phải biến mình thành một biểu tượng giải trí, vừa hát, dẫn chương trình, rồi vừa làm nghệ sĩ lại vừa làm doanh nhân, nhà ngoại giao cho chính mình. Chính vì buộc phải phát triển rất nhiều khả năng, tôi có thêm rất nhiều lựa chọn. Hơn nữa, nền tảng của tôi là kinh doanh, nên tôi thử nghiệm xây dựng thương hiệu của mình qua các loại hình nghệ thuật.

* Những album, liveshow khi chị chuyển dần sang “địa hạt” ca hát đều thể hiện chủ đích hướng ra thế giới?

– Vừa rồi tôi có vinh dự làm MC cho cuộc thi sắc đẹp quốc tế Miss Global tại Los Angeles (Mỹ), sau đó làm MC và hát tại sân khấu ca nhạc cùng hai ngôi sao nhạc pop nổi tiếng thế giới là Natasha Bedingfield và Nicole Scherzinger tại Anh. Nói là chủ đích để hướng ra thế giới thì không đúng, vì tôi đã từng làm người mẫu ở thị trường quốc tế bốn năm. Nhưng tôi hoạt động nghệ thuật trong nước với những tiêu chuẩn của quốc tế, bởi tôi nghĩ sự hội nhập trong tương lai là tất yếu. Tôi không cho phép mình cẩu thả trong các sản phẩm. Chính vì âm nhạc, MV của tôi đạt tiêu chuẩn quốc tế (dù chưa được công nhận rộng rãi ở quê nhà) nên tôi được mời biểu diễn ở các chương trình nổi tiếng. Thử hỏi, nếu tôi Việt Nam hóa các sản phẩm của mình thì tôi có điểm gì khác với các nghệ sĩ khác? Tôi thích làm những sản phẩm mang tính tiên phong, dù không phải lúc nào chúng cũng được công nhận ngay lập tức.

* Có vẻ chị có những hoạch định riêng cho hành trình sự nghiệp của mình, từ việc tham gia các cuộc thi sắc đẹp, làm người mẫu, đến ca hát, rồi viết lách?

– Nói lúc nào cũng biết rõ hành trình của mình thì không đúng, vì nhiều khi tôi cũng mông lung, hoài nghi chính mình. Nhưng những lúc ấy tôi lắng nghe bản năng mách bảo. Quan trọng là làm gì cũng phải xuất phát từ khả năng thực sự và đam mê.

* Chị sống trong một gia đình không chỉ trí thức, nổi tiếng, mà còn là điển hình về cách giáo dục, nuôi dưỡng con cháu kết hợp truyền thống với hiện đại. Chị may mắn được ươm mầm trên nền tảng đó, nhưng chị đã ý thức tự vươn lên như thế nào?

– Lúc nào tôi cũng nuôi ý chí phải vươn lên, tự lập, tự lao động và đi trên chính đôi chân của mình. Từ năm 18 tuổi, tôi lên đường du học và đã chính thức tự lập về tài chính, tự đi làm, tự nuôi mình. Sự độc lập tài chính dẫn đến sự độc lập trong quyết định cho cuộc đời mình. Dù tự lập, tôi luôn ý thức giá trị gia đình, xã hội, văn hóa, truyền thống. Tôi không bao giờ cho phép mình làm gì tổn hại đến danh dự của gia đình và dù đi đến chân trời nào, nổi tiếng đến cỡ nào thì về nhà vẫn luôn là cháu của ông bà, con của cha mẹ.

* Bố chị từng tâm sự đã lo lắng khi con gái bước vào một môi trường nghề nghiệp khiến ông không hài lòng, chị đã làm gì để gia đình bớt lo lắng?

– Từng bước tôi mới có thể chứng tỏ và chiếm được lòng tin của gia đình. Khi mới sang Anh học, tôi thi được học bổng cho hai năm dự bị đại học. Sau đó tôi xin tiếp học bổng lên đại học, rồi tự đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Sau khi đi học, tôi làm người mẫu ở Anh, đi rất nhiều nơi trên thế giới, có thu nhập đủ nuôi sống bản thân. Vậy nên sau này về nước làm việc, nếu gia đình có lo, là lo không biết tôi có thích nghi được với văn hóa trong công việc, tác phong… hay không. Chứ tôi không nghĩ họ lo sợ tôi sa ngã. Bởi nếu sa ngã tôi đã sa ngã từ lâu rồi!

* Bé Ly – Hà Anh của ông nội – nhà văn Vũ Tú Nam, nay đã trưởng thành trong nghề người mẫu, ứng với câu thơ “Đôi chân non đạp hỏi cõi vô cùng” mà ông sáng tác mừng cháu chào đời năm 1982. Với cá tính, sự tự lập cộng với đặc thù công việc, chị có trở nên xa quá đối với người thân?

– Đôi khi tôi xa nhà hơi lâu, nhưng lần nào về đến Hà Nội, là tôi về ngay với gia đình, để đi ăn trưa với mẹ, sà vào lòng ông, tâm sự với bà, uống cà phê với bố. Đối với tôi, thế giới là mái nhà chung. Tôi là thế hệ của công dân toàn cầu. Nhưng dù đi đâu, gia đình và đất nước luôn là nguồn cội nơi tôi hướng về. Đó chính là lý do vì sao tôi là Hà Anh chứ không có nghệ danh Tây Tàu nào hết.

Theo PNOL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *