Bên bờ hạnh phúc
"Khó khăn về điện sẽ kéo dài đến giữa tháng 6. Từ khoảng 20/6 trở đi, tình hình sẽ được cải thiện và trở lại mức bình thường như năm 2009", Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trao đổi với báo chí chiều 27/5.
 
Thưa ông, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đang rất bức xúc về tình trạng cắt điện luân phiên. Là người đứng đầu Bộ Công thương, ông có thể nói gì về điều này?

– Năm 2009 chúng ta có tổng công suất điện 19.000 MW và phụ tải cao nhất cũng chỉ 15.000 MW. Về mặt lý thuyết, ta có khoảng 4.000 MW dự phòng. Nhưng chưa năm nào sản xuất điện gặp khó khăn như vừa qua. Cả nước hầu như không mưa, nắng nóng triền miên, nhất là ở khu vực Nam Bộ, nắng nóng đến sớm ở miền Bắc, nước các hồ thủy điện thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm, chỉ đạt 50-60%. Nếu không gặp điều kiện thời tiết bất lợi đó thì tôi chắc chắn tình hình điện năm nay không khó khăn như vừa xảy ra.

Để đối phó, ngay từ đầu năm, ngành điện đã thông báo với công luận, báo cáo Chính phủ về kế hoạch điều tiết điện. Theo đó, nếu khó khăn thì một là ưu tiên vùng trọng điểm kinh tế xã hội. Hai là ưu tiên cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu. Ba là các bệnh viện, trường học. Thứ tư là phục vụ cho các sự kiện trọng đại của đất nước và thứ năm, nếu buộc phải tiết giảm thì phải có thông báo trước và luân phiên để đảm bảo công bằng.

Việc cắt điện luân phiên năm nào cũng xảy ra nhưng những phàn nàn của người dân về thái độ của ngành điện trong việc cắt điện dường như không thay đổi?

– Công tác tuyên truyền, giải thích của mình làm chưa tốt nên nhân dân có chỗ này chỗ kia chưa hiểu. Chúng tôi đã đi kiểm tra và thấy một số cá nhân hay đơn vị ngành điện có thái độ ứng xử chưa phù hợp làm cho bức xúc trong dân tăng lên. Chúng tôi đã kiểm điểm ngành điện nghiêm túc, yêu cầu kịp thời chấn chỉnh. Nhân dân không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng, không minh bạch.

Một mặt chúng tôi tìm mọi biện pháp để nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu điện, như: đưa vào nguồn điện mới cho đúng tiến độ; huy động tất cả nguồn điện có thể được, kể cả nguồn điện hiện nay giá rất cao, ví dụ nguồn điện chạy dầu, chạy diezen giá thành lên tới 3.000-4.000 đồng một kw/h trong khi giá bán chỉ hơn 1.000 đồng; nhanh chóng sửa chữa thiết bị hỏng để đưa vào phục vụ phát điện. Hiện có một số nhà máy điện mới vào hoạt động, trục trục vẫn xảy ra, như nhà máy điện ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Sơn Động (Bắc Giang). Và nếu tăng cường cuộc vận động sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, ta có thể tiết kiệm được 20% năng lượng hiện nay.

– Với rất nhiều biện pháp ông vừa liệt kê, bao giờ tình hình thiếu điện được khắc phục?

– Từ tháng 6 trở đi là bắt đầu vào mùa mưa, nước hồ thủy điện được cải thiện hơn. Do đó có thể nói rằng khó khăn về điện như hiện nay sẽ kéo dài đến giữa tháng 6. Từ khoảng 20/6 trở đi, tình hình sẽ được cải thiện và trở lại mức bình thường như năm 2009.

Tôi xin nhắc lại khó khăn năm nay vượt ra khỏi khả năng của ngành điện. Nguyên nhân phần lớn là khách quan. Trong khi nước hồ thủy điện của ta đã ít, song ngay đầu năm ta phải xả phục vụ tưới cho nông nghiệp. Nếu giả sử đầu năm không phải xả, đến lúc này dùng để phát điện thì chắc chắn tình hình sẽ khá hơn.

Đầu tháng 5, nhiều khu vực miền Trung đã bị cắt điện, trong khi nắng nóng nhiều nơi lên tới trên 40 độ C. Người dân phải dùng đèn dầu thắp sáng. Ảnh minh họa của Hoàng Hà.

– Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị cấm xuất khẩu than để dành cho nhiệt điện. Ông nghĩ thế nào về đề xuất này?

– Hiện nguồn năng lượng không tái tạo như than, dầu khí ngày càng cạn kiệt, trong một vài chục năm tới nếu không có phát hiện mới thì rất khó khăn cho việc khai thác để cung cấp cho nhu cầu của đất nước, trong đó có phát điện.

Từ năm 2009 trở về trước, ngành than khai thác vượt nhu cầu trong nước. Năm 2008-2009 bình quân mỗi năm ta khai thác được 40 triệu tấn than, trong khi chỉ sử dụng trong nước khoảng 20 triệu tấn (phát điện khoảng 6-7 triệu tấn, còn lại hơn 10 triệu tấn cho các nhu cầu khác như xi măng, phân bón, giấy và sản xuất vật liệu xây dựng).

Hiện nay có nhiều chủng loại than trong nước chúng ta chưa sử dụng đến, đó là loại rất tốt. Nếu dùng để phát điện hay làm nhiên liệu cho các ngành khác thì rất phí trong khi có thể xuất khẩu với giá rất cao. Hơn nữa ngành than đang cần rất nhiều kinh phí, kể cả ngoại tệ để tái đầu tư cho ngành, từ máy xúc, máy ủi đến các nhà máy tuyển quặng. Hiện các thiết bị ngành than phần lớn vẫn phải nhập khẩu và đòi hỏi phải có nguồn tệ. Trong khi nguồn ngoại tệ của đất nước phải dành cho các nhu cầu khác, nên câu chuyện xuất khẩu than không phải chỉ là những loại than ta chưa sử dụng đến mà cái chính xuất khẩu để lấy ngoại tệ mua máy móc thiết bị cho ngành than và tăng thêm ngoại tệ cho đất nước.

Tuy nhiên, Chính phủ đã có chủ trương không kéo dài xuất khẩu than vì nguồn than ngày càng cạn kiệt, đảm bảo than cho các nhu cầu trong nước, trong đó có phát điện và tránh những tiêu cực. Chúng ta phải giảm dần xuất khẩu than. Nhưng giảm dần cũng phải tính toán đến mức độ nào, loại than gì vì ta vẫn cần ngoại tệ để tái đầu tư máy móc cho ngành than.

Với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công thương đã có lộ trình cụ thể khi nào thì giảm và dừng xuất khẩu than?

– Chúng tôi đã có chương trình dài hạn về khai thác và xuất khẩu than nằm trong chiến lược của ngành than. Theo đó đến khoảng năm 2015 trở đi, khi nhu cầu than trong nước tăng lên rất lớn, một loạt các nhà máy điện mới đưa vào khai thác thì không những chúng ta không xuất khẩu than mà phải nhập khẩu.

Tuy nhiên, tôi vẫn nhắc lại trong ngành than có đặc thù là vẫn còn có một số chủng loại rất tốt, chất lượng rất cao, dùng trong nước thì lãng phí vì nhiệt năng rất cao thì ta có thể vẫn tiếp tục xuất khẩu. Đồng thời ta nhập than chất lượng thấp hơn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước, như ngành điện, xi măng. Bản thân sự chênh lệch giữa giá xuất khẩu và nhập khẩu cũng đã tạo nên hiệu quả rồi.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *