Tối 30/09 vừa qua, các phương tiện truyền thông khu vực Mỹ Latinh đã đồng loạt đưa thông tin và hình ảnh về vụ bắt cóc khá bất ngờ đối với Tổng thống Ecuador Rafael Correa do một bộ phận cảnh sát bạo loạn tại thủ đô Quito tiến hành. Vụ việc được xem là một cuộc đảo chính.

Tổng thống Ecuador Rafael Correa (giữa) được giải cứu khỏi nhóm cảnh sát bạo loạn

Sự kiện bắt đầu từ việc Quốc hội Ecuador thông qua Dự Luật Dịch vụ công vào ngày 28/9, sau khi đưa vào đó hầu hết các sửa đổi mà Tổng thống Correa đề nghị. Văn bản này hướng tới việc cải tổ một số cơ cấu dịch vụ công của Nhà nước, trong đó, đáng chú ý là Điều khoản 160 quy định việc loại bỏ các khoản thưởng cho các thành viên lực lượng vũ trang trong các đợt lên hàm, thưởng huân chương và đạt thâm niên.

Dự luật chưa có hiệu lực vì chưa được công bố chính thức trên các phương tiện truyền thông, nhưng lực lượng vũ trang và cảnh sát đã vô cùng tức giận. Chỉ một ngày sau khi dự luật được thông qua, các hành động phản đối từ một bộ phận lực lượng cảnh sát, quân nhân đã nổ ra và đi từ biểu tình thành bạo loạn với việc phong tỏa sân bay và chiếm giữ trái phép một số doanh trại.

Sáng 30/9, Tổng thống Correa đã trực tiếp tới doanh trại của Trung đoàn cảnh sát Quito, nơi đang bị chiếm giữ, để đối thoại với lực lượng bất mãn lên tới hàng trăm người. Trong lúc rời khỏi địa điểm này, ông Correa bị nhóm cảnh sát bạo loạn bao vây và trúng một trái lựu đạn hơi cay, Tổng thống được đưa đến Bệnh viện Cảnh sát phía Bắc Quito – địa điểm ngay lập tức bị bao vây và những người đứng đầu nhóm bạo loạn yêu cầu Tổng thống phải tuyên bố hủy bỏ đạo luật mới. Tuy nhiên, Tổng thống Correa đã tuyên bố không thỏa hiệp đồng thời ra lệnh cho quân đội giải cứu ông.

Chính phủ ngay lập tức ra nhiều tuyên bố tuyệt đối ủng hộ Tổng thống và lên án “âm mưu đảo chính”. Vài giờ sau đó, quân đội đã giải cứu thành công ông Correa bằng vũ lực trong một chiến dịch chóng vánh..

Có những ý kiến trái chiều về diễn biến trên, nhiều người cho rằng, vụ bắt cóc là phản ứng thái quá của những người bất mãn nhưng cũng có ý kiến nói đó là một âm mưu đảo chính được dàn dựng từ trước như nhiều lần xảy ra trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Trong 40 năm qua tại Ecuodor đã diễn ra 7 cuộc đảo chính hoặc âm mưu phế truất tổng thống.

Phe đối lập định nghĩa hành động bạo loạn này là một phản ứng bạo lực và phạm pháp và đổ lỗi nguyên nhân sâu xa cho chính sách cùng những bài diễn văn mang tính đấu tranh giai cấp của Tổng thống Correa, gây ra tình trạng căng thẳng và phân cực chính trị ngày càng cao trong nước. Họ cũng chỉ trích phe cảnh sát bất mãn đã không kiểm soát được hành động của mình trong khi nhà lãnh đạo Correa cũng sai lầm khi đưa ra những lời thách thức quá mạnh mẽ.

Về phần mình, phe cầm quyền khẳng định, đây là một âm mưu được dàn dựng từ trước và một số thành phần bảo thủ cực hữu, mà đứng đầu là cựu Tổng thống Lucio Gutierrez, người từng bị các phong trào quần chúng phế truất năm 2005, đã lợi dụng thành phần vũ trang không muốn từ bỏ đặc quyền đặc lợi của mình.

Ông Gutierrez hiện đang cư trú tại Brazil, nhưng vẫn có khá nhiều ảnh hưởng trong giới vũ trang Ecuador. Tổng thống Correa củng cố luận điểm này với lời khẳng định chưa một ai trong số những người bắt cóc ông từng thực sự đọc văn bản luật mới ban hành trên và trong tuyên bố trước sự kiện, ông cho rằng, giới cảnh sát không có lý do để bất mãn khi mà trong 4 năm ông cầm quyền, mức lương của ngành này đã tăng từ 74 – 85%, cao nhất trong lịch sử.

Dù có ý kiến nào đi nữa thì cho tới thời điểm này, có thể nói rằng, ít nhất chuỗi sự kiện trên đã được tính toán từ trước khi các hành động chiếm sân bay, doanh trại, trụ sở quốc hội và bao vây Tổng thống diễn ra nhịp nhàng, gọn ghẽ và khá chủ động, như lời nhận định đăng trên mạng IPS của 1 cựu nhà báo Colombia khi người này tình cờ có mặt tại Quito trong thời điểm xảy ra vụ việc.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *