Bên bờ hạnh phúc

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ra đi… Cả dân tộc không khỏi bùi ngùi, xúc động trong niềm tiếc thương vô hạn. Ông đã đi xa, thật xa… nhưng tinh thần, ý chí và chiến lược quân sự tài ba của ông vẫn sống mãi…

 

Hội đồng hương Quảng Bình tại Vĩnh Long viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Long. 

 

Được gặp Đại tướng- một lần nhớ mãi

“Một lần duy nhất trong đời, tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp!”- bà Sáu Hòa (tên thật Đào Thị Biểu)- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh- mở đầu câu chuyện bằng giọng rất tự hào, xen lẫn niềm xúc động vô biên. Đó là vào năm 2004, bà cùng các đồng chí nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy có chuyến đi “về nguồn” nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Bà Đào Thị Biểu (Sáu Hòa) vẫn còn lưu giữ những bức ảnh chụp ở Điện Biên cách đây gần 10 năm! 

 

Chuyện đã gần 10 năm nhưng bà Sáu vẫn nhớ như in như mới hôm qua:
 
“Được đi thăm Bảo tàng Điện Biên, Nghĩa trang Đồi A1, đồi Him Lam, hầm De Castrie… như vậy là quá hạnh phúc rồi. Nào ngờ… chiều 16/4/2004, đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên thông tin: đoàn của bác Giáp ngày mai đến. Nghe thế, cả đoàn đều rất mừng, bày tỏ mong muốn được gặp bác Giáp một lần. Và ngay ngày hôm sau, niềm mong đợi, sự khát khao của chúng tôi đã trở thành hiện thực. Chúng tôi được gặp Võ Đại tướng!”

Ngừng một lát, giọng bà chùng lại:
 
“Không sao diễn tả hết tâm trạng lúc đó. Vừa hồi hộp, vừa vui mừng, lại vừa xúc động. Là đại tướng nhưng bác Giáp rất hiền, vui vẻ, cởi mở, đôn hậu lắm! Trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, là người có công đầu nhưng suốt câu chuyện dường như bác không bao giờ nói về mình. Chúng tôi hỏi vui: “Còn công của bác nữa chứ?” Bác cười và bảo rằng chiến thắng này là của toàn dân. Chỉ một người không làm nên được!”

Bà Sáu Thủy (tên thật Trương Thị Lẽ)- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy- cũng rất xúc động khi nhắc về kỷ niệm khó quên này.

“Đi Điện Biên Phủ, được trực tiếp gặp người chỉ huy chiến dịch thì còn gì vui hơn. Năm ấy, bác Giáp đã 93 tuổi nhưng vẫn rất khỏe, rất minh mẫn. Tôi cứ nhớ hoài những câu nói của Đại tướng: Có Điện Biên vĩ đại là do đường lối chiến tranh nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc chiến đấu này đã tập hợp được lực lượng cả nước. Chúng ta có chiến công vĩ đại này do chúng ta có dân tộc anh hùng. Nhân dân cả nước đã đoàn kết một lòng và sự hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ ta góp phần xây dựng nền độc lập, thống nhất Tổ quốc. Nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ… Bác nói bằng giọng rất chậm rãi, rất ngắn gọn nhưng hùng hồn, thấm thía lắm”- bà nói.

Ông Sao Vàng (tức Nguyễn Chiến Thắng)- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- cũng là thành viên của chuyến đi năm ấy.

Ông nói: “Khi gặp Đại tướng, ai nấy đều rất mừng. Qua dáng vóc, tiếng nói của ông cho thấy ông còn khỏe mạnh. Đại tướng nói chuyện với mọi người rất thân mật, trong không khí nồng ấm, chan hòa như trong gia đình vậy”.
 
Chính vì tình cảm dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên tất cả hình ảnh chuyến đi, ngày giờ, những câu nói của Đại tướng đều được ông ghi lại, lưu giữ cẩn thận. Dù tất cả những quyển sổ ấy đã ngả màu theo thời gian nhưng đối với ông “đó là những tư liệu rất quý”.

Ngay khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, bằng tư liệu ấy ông đã gởi ngay cho Báo Vĩnh Long bài viết, ngay số báo đầu tuần, kịp thời thông tin đến độc giả.

Vẫn sống mãi trong lòng dân tộc

Từ những cựu chiến binh từng trải qua đạn bom, khói lửa trong chiến tranh, đến những thanh niên sinh ra hay trưởng thành trong thời bình; có những người đã hoặc chưa một lần gặp mặt Đại tướng đều có chung tâm trạng tiếc thương vô hạn trước sự mất mát không gì có thể bù đắp được.

Đồng chí Phạm Văn Khiêm- Trưởng Ban Tổ chức- Phòng Chính trị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh bùi ngùi: “Sáng 5/10/2013, tôi bàng hoàng khi đọc được dòng tin trên một tờ báo rằng Đại tướng đã vĩnh viễn ra đi, dù biết rằng đó là quy luật khó tránh của tạo hóa nhưng sao vẫn đau đớn quá!” 

 

Cán bộ chiến sĩ thắp hương, tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. 

 

Chị Nguyễn Thị Diễm- cán bộ trợ lý chính sách, Phòng Chính trị thuộc Bộ CHQS tỉnh cũng bày tỏ: “Những trang sách, những bài học khi còn ngồi trên ghế nhà trường giúp tôi hiểu hơn về chiến thắng Điện Biên Phủ. Dù chưa một lần được gặp vị chỉ huy trận đánh ấy nhưng những đức tính, phẩm chất của Đại tướng đã giúp tôi trưởng thành hơn. Tôi cảm giác như vừa mất đi người thân yêu nhất”.

Khi chúng tôi đến Bộ CHQS tỉnh để bổ sung thêm tư liệu cho bài viết cũng là lúc 20 hội viên Hội đồng hương Quảng Bình đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Vĩnh Long đã đến viếng và thắp hương tưởng niệm Đại tướng.

Ông Trần Toản- Hội trưởng Hội đồng hương Quảng Bình tại Vĩnh Long xúc động: “Dẫu biết rằng quy luật cuộc sống là “sinh, lão, bệnh, tử” nhưng khi hay tin Đại tướng qua đời, tôi vẫn mong đó không phải là sự thật. Một mất mát quá lớn, người dân Quảng Bình sẽ mãi nhớ ơn Đại tướng. Hội đồng hương Quảng Bình sẽ ra sức đóng góp, cùng xây dựng quê hương thứ hai Vĩnh Long giàu đẹp, văn minh”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng theo đồng chí Phạm Văn Khiêm: “Đại tướng sẽ mãi mãi là tấm gương để cán bộ, chiến sĩ học tập và rèn luyện. Sự nghiệp và công lao của Đại tướng sống mãi cùng thời gian và trái tim mỗi chúng ta”. 

Theo Nguyễn Thịnh – Duy Uyên ( VLO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *