Bên bờ hạnh phúc

        Là một trong 17 xã điểm của tỉnh An Giang, xã Vĩnh Châu – TP Châu Đốc đã có bước tiến khá dài trong quá trình thực hiện Nông thôn mới ở tỉnh này. Dù xuất phát chậm hơn, nhưng nay Vĩnh Châu đã gần về đến đích. Kỷ niệm 10  năm thành lập xã, cũng là dịp để kiểm điểm, tổng kết lại những nét nổi bật của xã này đã đạt được thời gian qua.

 

 

            Hơn 2 năm trước, gia đình của ông Bùi Văn Dũng ở ấp Mỹ Phú thuộc diện hộ nghèo, vừa không có đất sản xuất vừa không có vốn liếng làm ăn, cả gia đình 4 – 5 người đều phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống, mùa nào việc ấy, không việc nào ổn định, gia đình luôn gặp cảnh khó. Vậy mà từ khi nhận được các chính sách trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới của xã Vĩnh Châu, gia đình ông Dũng có cơ hội thoát nghèo, vươn lên khấm khá.

            Không những được địa phương giới thiệu để được hỗ trợ vốn sản xuất, gia đình ông Dũng còn được nhận hỗ trợ trên 10 triệu đồng để cất lại nhà đạt chuẩn Nông thôn mới định cư lâu dài. Nhờ chí thú làm ăn mà giờ đây ông có được một số vốn kha khá, đàn bò tăng lên dần, đồng thời còn có khả năng thuê thêm vài công đất để canh tác. Có thể nói, kể từ đây gia đình ông Dũng đã thoát nghèo, và thoát nghèo bền vững. Bởi lẽ, cánh đồng quê ông hiện giờ đã có hệ thống thủy lợi kiên cố, đảm bảo sản xuất 3 vụ trong năm theo đúng nguyện vọng của bà con ở đây.

            Cách nhà ông Dũng một cánh đồng cũng là nơi được đê bao khá hoàn chỉnh mấy năm qua. Nhiều nông dân có cơ hội chuyển đổi cây trồng theo hướng phá thế độc canh cây lúa đã cho thu nhập cao. Như  rẫy ớt chỉ thiên của gia đình ông Nguyễn Văn Danh, chỉ với 3 công, mỗi vụ khoảng 5 tháng, ông thu lãi từ 30 đến trên 50 triệu đồng, mỗi năm có thể trồng được 2 vụ, cho thấy tổng lợi nhuận mà gia đình ông thu được là rất lớn. Được biết, ngoài việc có được hệ thống đê bao thủy lợi và đường giao thông nông thôn rộng mở, thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán. Thời gian qua, từ chương trình Nông thôn mới, Chính quyền địa phương còn chú trọng đến việc chuyển giao các mô hình mới, tăng cường triển khai các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm giúp nông dân tăng dần giá trị sản xuất trên mảnh đất của mình.

            Là địa bàn thuần nông thôn, có khoảng 80% đất độc canh cây lúa, người dân không chỉ thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mà còn tích cực học tập các mô hình chăn nuôi mới, như lươn, cá, thỏ, bò,… để không ngừng nâng thu nhập và cải thiện đời sống gia đình. 

            Trước đây mỗi năm đều phải tránh lũ nên đa số bà con  đều cất nhà sàn, nay đê bao đã hoàn chỉnh, sàn nhà của họ để trống, nên bà con cũng đã tận dụng diện tích ít ỏi này để nuôi lươn. Với 1 bể bạt khoảng 10 m2, có thể nuôi 1.000 con, sau từ 6 đến 8 tháng, bà con thu lãi trên 10 triệu đồng. Thông thường, mỗi hộ đều nuôi từ 10.000 con trở lên, nên lợi nhuận thu được cũng rất khá.

            Gia đình anh Đoàn Đức Phú trước đây cũng là một hộ nghèo, vợ chồng anh sinh sống bằng nghề buôn bán quần áo tại các chợ nhỏ để sống qua ngày, nhờ học được cách nuôi lươn, nên mấy năm nay anh quyết định bỏ nghề buôn bán và theo sống với nghề nuôi lươn lâu dài.

            Từ mô hình của anh, giờ đây trên địa bàn toàn xã và đã có gần 30 hộ tham gia, hiệu quả kinh tế rất khả quan. Địa phương coi đây là mô hình xóa đói giảm nghèo, giúp tăng thu nhập cho người dân rất hữu hiệu, trong giai đoạn xây dựng Nông thôn mới hiện nay.

            Có thể nói, nhờ các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới mà gần 1.200 hộ dân, với trên 4.500 nhân khẩu ở Vĩnh Châu có điều kiện vươn lên mạnh mẽ: hộ nghèo thì vươn lên khấm khá, hộ khá thì vươn lên làm giàu. Từ đó mà chỉ trong vòng 2 năm qua, đời sống của người dân nông thôn ở Vĩnh Châu đã có bước chuyển biến to lớn, sản xuất nông nghiệp đi vào ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh đạt gần 23 triệu đồng/người/năm, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2010, số hộ nghèo giảm mạnh chỉ còn 32/1.189 hộ, chiếm 2,69%, đồng thời bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt; đời sống tinh thần cũng từng bước được nâng lên.

            Được chia tách từ xã Vĩnh My, thuộc TP Châu Đốc từ ngày 25/9/2003, đến tháng 9 năm nay, là dịp kỷ niệm 10 năm thành lập xã này,  nhiều người còn nhớ rất rõ Vĩnh Châu những ngày mới chia tách, thật sự rất nghèo và lắm khó khăn.

 

            Với định hướng nâng thị xã Châu Đốc lên thành phố trực thuộc tỉnh, dĩ nhiên các xã, phường cũng cần được đầu tư phát triển sao cho tương xứng. Những năm sau chia tách, Vĩnh Châu cũng đã được đầu tư nhiều từ nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, vẫn chưa có bước chuyển mình đáng kể. Phải khẳng định rằng, địa phương này chỉ thật sự được thay đổi từ chương trình xây dựng Nông thôn mới thời gian gần đây.

            Kinh nghiệm thực tế từ việc xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương cho thấy, nếu có kinh phí mạnh mà đầu tư không đúng trọng tâm, trọng điểm, không xác định được đâu là cái gốc, cái rễ thì sự đầu tư coi như hoang phí, không mang lại kết quả gì. Với Vĩnh Châu, nhờ sự quan tâm tích cực của cả hệ thống chính trị các cấp, đồng thời phát huy tính tự lực, tự cường và tinh thần đoàn kết, sáng tạo của người dân tại chỗ, xã đã xác định được đâu là nguyện vọng bức thiết nhất để sớm giải quyết.

            Đó là hệ thống thủy lợi kiên cố để đảm bảo sản xuất 3 vụ lúa trong năm, đồng thời phục vụ tốt nhu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh tăng vụ; hệ thống giao thông đi lại phải thuận tiện; hệ thống điện đủ để phục vụ sinh hoạt và sản xuất tại gia đình,…  cùng với việc xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục sao cho người dân được chăm sóc sức khỏe tốt, con em được học hành thuận tiện,… Những cơ sở ấy tuy tốn nhiều kinh phí, nhưng phải được thực hiện sớm và tập trung. Vĩnh Châu đã làm được điều đó. Theo thống kê, chỉ trong 2 năm, từ cuối năm 2011 đến nay, UBND xã đã huy động được trên 68 tỷ đồng cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia này. Trong đó, vốn ngân sách TW 12,2 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 6,3 tỷ đồng, vốn ngân sách TP Châu Đốc gần 36 tỷ đồng, còn lại trên 14 tỷ đồng do nhân dân đóng góp, và huy động từ ngân hàng chính sách.

            So với nhiều xã điểm khác trong khu vực, Vĩnh Châu có được một lượng vốn khá lớn để đâu tư vào đây, đây là một lợi thế. Nhưng đó không phải là vấn đề, điều quan trọng là sau khi đã được đầu tư, Vĩnh Châu có thực sự được đổi mới không? Câu trả lời ở đây là có. Nhờ vậy, nay Vĩnh Châu đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí do TW đề ra, các ngành các cấp trong tỉnh đang quyết tâm hỗ trợ để Vĩnh Châu đạt chuẩn NTM trong năm 2013 này.

            Vẫn là hệ thống chính trị như nhau, vẫn thành lập Ban chỉ đạo Nông thôn mới như nhau, nhưng với cách làm mỗi nơi mỗi khác. Vĩnh Châu cũng có cách riêng của mình.         

            Rõ ràng ngay từ đầu, công tác tuyên truyền vẫn được xem là công tác quan trọng nhất. Bởi có nhận thức đúng, người dân mới hành động đúng. Và ở đây, vai trò của UB Mặt trận Tổ quốc cũng được phát huy cao độ, các hội đoàn thể cũng tham gia tích cực theo đúng vai trò, trách nhiệm được giao. Hội Nông dân vận động hội viên gương mẫu, đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu, cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Hội LNPH vận động động chị em xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, thực hiện cuộc vận động “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; hỗ trợ vốn giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Hội cựu chiến binh vận động hội viên đi đầu trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, làm nóng cốt phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ an ninh trật tự. Đoàn thanh niên, xung kích đi đầu trong phong trào xây dựng bộ mặt nông thôn xanh – sạch – đẹp. Hội người cao tuổi thực hiện cuộc vận động “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, khuyến khích con cháu thực hiện tốt công cuộc xây dựng NTM.

            Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền này, Vĩnh Châu đã thành lập hẳn một Đài truyền thanh riêng của xã, hàng ngày đều có bản tin xuống tận các ấp. Và vì vậy, mỗi ngày bà con đều biết được những thông tin liên quan đến xa mình. Nhờ vậy, nhận thức của người dân cũng nhanh hơn, chuyển biến tốt hơn.

            Bên cạnh các công trình hạ tầng cơ sở được hoàn thành liên lục, các sự cố vỡ đê, thiệt hại sản xuất đã không còn, bà con yên tâm, tin tưởng vào chính sách Nông thôn mới này. Do vậy, các cuộc vận động sau đó đều khá dễ dàng. Chẳng hạn, việc hoàn thành tiêu chí y tế với nội dung “mua bảo hiểm y tế tự nguyện” đối với các xã nghèo khá khó khăn. Vậy mà Vĩnh Châu đã làm được nhờ vào mô hình góp vốn xoay vòng mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Ở đây, trước hết thí điểm trong chị em phụ nữ, mỗi tổ có 10 người, mỗi người hùn 60.000 đồng/tuần. Sau 10 tuần, mỗi chị đều có thể mua được thẻ BHYT. Đây là mô hình được lãnh đạo cấp trên khuyến khích nhân rộng và đối với Vĩnh Châu, thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì nhân ra các đoàn thể khác.           

            Ngay từ những ngày đầu bắt tay xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh An Giang, những cái tên như Vĩnh Phú, Định Mỹ – huyện Thoại Sơn, hay Long Điền A của huyện Chợ Mới – mới là những địa chỉ được nhắc đến nhiều với hàm ý đây là những địa phương thực hiện khá tốt phong trào và là những nơi đáng để nhiều địa phương khác học tập. Còn Vĩnh Châu, dù nằm trong số 17 xã điểm của tỉnh, nhưng ít khi được nêu tên, bởi lẽ khi ấy Vĩnh Châu vẫn còn là một xã nghèo, cơ sở hạ tầng nông thôn còn lạc hậu, đời sống kinh tế người dân còn gặp nhiều khó khăn, mức thụ hưởng phúc lợi của người dân còn thấp. Vậy mà chỉ mới 2 năm được đầu tư chính thức, Vĩnh Châu đã ghi tên mình trên bảng là một trong 3 xã dẫn đầu các tiêu chí NTM của An Giang. Đây quả là một thành tích rất đáng biểu dương./.

            Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *