Bên bờ hạnh phúc

Vĩnh Long là tỉnh có số lượng lò gạch nhiều và sản lượng gạch nung lớn trong khu vực ĐBSCL. Lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt hoạt động các lò thủ công theo qui định của Chính phủ còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, vật liệu xây không nung nhằm thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn hiện còn mới mẻ và chưa được sử dụng rộng rãi. Việc chuyển đổi sang vật liệu xây không nung xem ra còn cần phải có thêm nhiều thời gian nhằm phù hợp tình hình thực tế địa phương.

 

Giống như nhiều cơ sở sản xuất gạch ở huyện Mang Thít, anh Trần Hoàng Tuấn xây lò gạch đứng từ năm 1999, khi tỉnh Vĩnh Long xóa bỏ hệ thống lò ung, lò bắc gây ô nhiễm môi trường. 14 năm qua, 4 lò gạch này là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy vậy, theo chỉ thị số 10 của TTCP về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất ,sử dụng gạch đất sét nung, thì những lò gạch như của anh phải chấm dứt hoạt động chậm nhất vào năm 2015. Hiểu điều nầy, nhưng sự xuống dốc của thị trường trong những năm gần đây khiến anh ngán ngại đầu tư chuyển đổi sang lò nung cải tiến hoặc đầu tư sản xuất gạch không nung đang được ngành chức năng khuyến cáo.

Vĩnh Long là tỉnh có số lượng lò gạch thủ công lớn nhất vùng ĐBSCL với gần 2.300 lò gạch. Tuy nhiên, do tình hình bất động sản và xây dựng khó khăn trong vài năm gần đây nên hiện toàn tỉnh chỉ còn 870 lò đang hoạt động. Do điều kiện đặc thù như vậy nên tháng 5/ 2013, UBND tỉnh Vĩnh Long có tờ trình gửi Bộ xây dựng thỏa thuận kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình hạn chế, xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn. Theo đó, tỉnh đề nghị Bộ xây dựng cho phép giữ lại các lò tròn đã được cải tạo nằm trong các cụm tuyến qui hoạch sản xuất đã được duyệt trước đây , kéo dài đến sau năm 2020. Song, khó khăn hiện nay là doanh nghiệp, cơ sở không còn đủ vốn để tái đầu tư chuyển đổi sang lò nung liên hoàn, lò nung công nghệ Hoffman có giá trị đầu tư ít nhất từ 1 tỷ đồng. Nhiều chủ lò gạch lại còn băn khoăn liệu thị trường có chấp nhận sản phẩm mới với thời gian nung ngắn hơn nhiều so với lò gạch đứng truyền thống.

Do vậy, hiện nay toàn huyện Mang Thít chỉ mới có 5 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyển đổi công nghệ sang lò nung Hoffman hoặc lò nung liên hoàn, với 148 buồng lò. Đây là những doanh nghiệp có đủ điều kiện về tài chính tự chuyển đổi. Còn đối với hàng trăm cơ sở sản xuất khác vẫn còn nhiều băn khoăn khi kế hoạch di dời, xóa bỏ các lò gạch cũng như chính sách hỗ trợ chưa được tỉnh ban hành.

Mỗi năm cả nước sản xuất được khoảng 23 tỷ viên gạch, trong đó gạch đất sét nung chiếm tỷ lệ 92%. Ở ĐBSCL, số lượng lò gạch thủ công ở một số tỉnh vẫn còn cao như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2020, nhu cầu về VLXD trên cả nước cần khoảng 42 tỉ viên gạch, tiêu tốn khoảng 60 triệu m3 đất sét, tương đương 3 ngàn ha đất nông nghiệp. Còn ở tỉnh Vĩnh Long, việc khai thác sét thời gian qua chủ yếu là tận thu, sản lượng bình quân mỗi năm hơn 1,3 triệu m3. Tuy nhiên, đây là ngành sản xuất truyền thống có từ lâu đời của địa phương nên việc xóa bỏ các lò gạch thủ công đang được ngành chức năng đề xuất chính sách hỗ trợ.

Theo tính toán của ngành chức năng thì mỗi năm các lò gạch cả nước thải ra môi trường khoảng 17 triệu tấn khí CO2, gây bất lợi cho môi trường và gia tăng biến đổi khí hậu. Riêng ở tỉnh Vĩnh Long, kết quả quan trắc môi trường về chất lượng không khí từ năm 2010 – 2013 tại các địa bàn sản xuất gạch cho thấy ô nhiễm cao hơn tiêu chuẩn cho phép về thông số bụi và khí HF. Do vậy, từ năm 2000, Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ  đã có nhiều Quyết định về lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công sản xuất gạch nung. Gần đây nhất là Chỉ thị số 10 ngày 16/4/2012 của TTCP về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Ở Vĩnh Long, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch trình Bộ xây dựng thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn.

Cái khó nhất để đầu tư một dây chuyền sản xuất gạch không nung là chi phí đầu tư cao, lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất vật liệu xây không nung, như thạch cao, đá, v.v… không có sẵn ở Vĩnh Long cũng là một trở ngại và cần có một lộ trình. Do vậy, cần có một chính sách đặc thù cho địa phương, nhất là các lò gốm có sản xuất gạch.

Cho đến nay, tại Vĩnh Long chỉ mới có một doanh nghiệp được cấp giấy phép đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung, công suất 12 triệu viên / năm tại Khu công nghiệp Hòa Phú. Doanh nghiệp này sẽ cho ra sản phẩm gạch không nung vào tháng 10 này. Trong khi đó, từ nay đến năm 2015 dự báo nhu cầu gạch không nung của tỉnh Vĩnh Long từ 90 – 120 triệu viên/ năm, nhằm đạt tỷ lệ thay thế gạch đất sét nung là từ 20 – 25%. Để làm được điều này thì trên địa bàn tỉnh cần đầu tư cả thảy 6 dây chuyển, tổng giá trị  dự kiến 84 tỷ đồng, chủ yều là vốn từ doanh nghiệp. Trong khi đó, gạch đất sét nung vẫn còn sản xuất và tiêu thụ phổ biến không riêng gì tại Vĩnh Long mà cả khu vực ĐBSCL.

 

Tại Hội thảo phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng vùng ĐBSCL do Hội vật liệu xây dựng Việt Nam vừa tổ chức ngày 03/ 10 tại Cần Thơ, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để đạt mục tiêu là phát triển vật liệu xây không nung trong vùng lên 2 – 3 tỷ viên vào năm 2020, chiếm 40% vật liệu xây. Trong đó, nguồn nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây phần lớn sẽ được thu hồi từ tro, xỉ và thạch cao từ các Nhà máy nhiệt điện đốt than ở Long Phú, Sóc Trăng, Sông Hậu và Kiên Giang. Vật liệu xây không nung cũng rất đa dạng, từ gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt đến tấm panel, tấm tường thạch cao, tấm 3D, v.v…

Theo qui định thì tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ 15/ 1/ 2013. Sau năm 2015, cả nước phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung . Theo báo cáo của Bộ xây dựng thì trong nước đã có các nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung với tổng công suất khoảng 5 tỷ 400 triệu viên, chiếm 27% sản lượng vật liệu xây. Tuy đã đạt sớm hơn mục tiêu mà Quyết định 567 đề ra là sử dụng vật liệu xây không nung đến năm 2015 là 20-25% , nhưng để đưa vật liệu xây không nung tiếp cận các công trình dân dụng phải cần nhiều thời gian. Yếu tố quan trọng là cần có các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung và lộ trình dài hơn để chuyển đổi sang vật liệu xây không nung ở những tỉnh có đặc thù như Vĩnh Long.

Quốc Dũng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *