Bên bờ hạnh phúc

Cuộc đời giống như một dòng sông uốn lượn, có lúc bình yên nhưng cũng có lúc lại làm cho người ta sợ hãi. Và quãng đời mà em Cao Thị Hồng Ngọc – học sinh lớp 12/7, trường THPT Võ Văn Tần, thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An là một quãng đời như thế: thăng trầm, biến cố như những con sóng dữ.

Hai đấng sinh thành của em vốn là hai mảnh đời bèo bọt. Mẹ ở tận Đồng Nai, còn cha thì từ một huyện lân cận cùng trôi dạt về vùng đất hoang hóa Long An để mưu sinh bằng hai bàn tay trắng. Gặp nhau gá nghĩa vợ chồng, không tài sản, không đất đai, đến nỗi một nền nhà hợp pháp cũng chỉ là niềm mơ ước, nên đành phải đánh liều dựng chỗ ở nhờ ngay trên bờ kênh hoang vắng, rồi ngày ngày đi làm mướn làm thuê kiếm từng đồng tiền, bát gạo.

Nạn kiếp bắt đầu từ một ngày đen đủi. Bà Bùi Thị Ân – mẹ của Cao Thị Hồng Ngọc qua sông đi nhổ bàng về bán kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình, không may bị nạn lật xuồng, bỏ mạng dưới dòng nước dữ. Vốn là lao động chính trong nhà, nên người vợ, người mẹ ấy ra đi đã để lại cho gia đình những mất mát lớn lao khó lòng bù đắp. Mất đi một nửa của mình, cha của Hồng Ngọc phải vừa tự lo liệu cho bản thân, vừa chăm lo, nuôi dưỡng cho cô con gái tiếp tục đến trường. Để làm tròn trọng trách ấy, ông không còn sự lựa chọn nào khác hơn là đi bán vé số. Và lúc ấy, ngôi nhà tạm bợ trên bờ kênh kia cũng đã xuống cấp trầm trọng, không thể tiếp tục chở che cho gia đình được nữa, dù gia đình chỉ còn lại có 2 người. Trước hoàn cảnh đó, bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm của mình, Đảng ủy, UBND xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức đã cho 2 cha con Hồng Ngọc đến ở tạm tại trụ sở cũ của ủy ban xã để mỗi ngày em đi trường học, còn cha em thì xuôi ngược trường đời bán vé số sinh nhai.

Nhưng số phận nghiệt ngã vẫn chưa chịu buông tha cho cô học trò nhiều bất hạnh Cao Thị Hồng Ngọc. Bởi, mới đây khoảng 3 tháng thôi, tai họa lại một lần nữa ập đến, cướp đi cả chỗ dựa duy nhất còn lại của em trong cuộc đời. Trải qua những tháng ngày lao tâm, lao lực, căn bệnh phổi của cha em đã âm thầm đi đến giai đoạn cuối. Dù biết rằng điều đó đang diễn ra, nhưng vì quá túng thiếu, và không muốn Hồng Ngọc phải lo sợ, nên ông đã cắn răng chịu đựng cho tới một ngày điều phải đến đã đến: cha em từ giả cõi đời mà thậm chí còn không có nơi để làm hậu sự cho tử tế.

Giờ thì, Hồng Ngọc chỉ còn lại một mình côi cút giữa chợ đời, họ hàng nội ngoại vừa xa xôi vừa nghèo khó, nên có cũng bằng không. May mắn lắm thì em cũng chỉ có thể gửi gấm được vong linh của cha mẹ mình cho một người chú khói hương, thờ phượng hộ. Còn bản thân thì đi ký gởi hộ khẩu tại một gia đình hàng xóm, rồi trở lại làm thân tầm gởi, sống nương nhờ các cơ quan của xã Thạnh Lợi như Công an, trạm Y tế, để tiếp tục đến trường.

Nhưng trớ trêu thay, giữa lúc sóng gió tưởng chừng đã lặng yên, thì mới đây, từ một mối bất hòa trong nội bộ gia đình, người chú của Hồng Ngọc đã dở bỏ bàn thờ và mang trả di ảnh của song thân em cho em tự mình nhang khói. Đã ở nhờ chỗ đâu mà thờ cúng, nên một lần nữa Hồng Ngọc buộc phải đem gởi hương hồn của cha mẹ mình vào một ngôi chùa gần đó với hy vọng tiếng kệ lời kinh hàng ngày sẽ giúp cho người đã khuất mau được siêu thoát, để sớm xóa tan đi một kiếp người đầy khổ nhọc sống không chốn nương thân, chết không nơi thờ phụng.

Có lẽ niềm hạnh phúc duy nhất mà em Cao Thị Hồng Ngọc còn có được đến lúc này chính là tình yêu thương và sự cưu mang, đùm bọc của cộng đồng, mà trước hết là Đảng Ủy, UBND xã, kế đến là các cô trong trạm Y tế xã Thạnh Lợi. Từ chỗ làm việc của Công xã đã xuống cấp, nay Hồng Ngọc đã được các cô chú bố trí cho sang ở tại trạm Y tế xã mới xây dựng xong, nên chỗ nơi khá tươm tất. Ở đó hàng tháng em được Đảng ủy, UBND xã vận động trợ cấp một số tiền tạm đủ để trang trải cho việc học. Các cô ở trạm Y tế luôn bảo bọc và động viên, dạy dỗ em đủ điều, từ việc học hành, đến chuyện quan hệ bạn bè và cách giao tiếp, ứng xử với mọi người xung quanh. Ngoài ra còn có một phụ huynh đồng cảm và sẻ chia với hoàn cảnh của Hồng Ngọc mời em về nhà ăn trưa mỗi ngày. Hôm nào học 2 buổi thì cô phó hiệu trưởng cho em đến nhà nghỉ ngơi để chiều đi học tiếp…

Tất cả những điều đó giờ đây đã trở thành nguồn dinh dưỡng quý báu, giúp cho Cao Thị Hồng Ngọc có thêm nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc sống hiện tại mà vươn đến tương lai.

Nghèo khó, kém học, đến một lời khuyên con cũng kém ngọt ngào: “Mầy học giỏi thì nhờ, học dốt thì ráng chịu!” Mộc mạc đến thế nhưng sao Cao Thị Hồng Ngọc vẫn không giờ quên lời răn dạy ấy của cha. Có những lúc em cảm thấy mỏi mệt, tâm hồn như chùn xuống thì câu nói đó lại chính là lời động viên hữu hiệu, giúp em lấy lại được tinh thần để bước tiếp. Hiện tại không gì làm cho Hồng Ngọc xúc động bằng nhắc đến cha. Bởi em luôn day dứt trong lòng vì đã chưa kịp nói lên lời yêu thương nhất dành cho cha trước lúc chia ly. Để giờ đây chỉ còn biết thể hiện tình yêu thương ấy bằng sự nỗ lực hết mình trong học tập.

Thật vậy, nhờ có tình yêu thương vô bờ bến đối với cha mẹ và sự trợ giúp to lớn của cộng đồng mà Cao Thị Hồng Ngọc luôn giữ vững niềm tin vào cuộc sống, để phấn đấu vươn lên không mệt mỏi, bằng tất cả sự lạc quan và hồn nhiên của mình cho việc học. Kết quả là 2 năm qua, dù đã phải trải qua nhiều biến cố lớn lao trong gia đình, nhưng Hồng Ngọc vẫn liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi, với điểm số rất đáng trân trọng là 8.5, 8.7, đứng trong tóp đầu của lớp.

Không chỉ học giỏi, với bản tính năng động, hoạt bác và thân thiện Cao Thị Hồng Ngọc còn có khả năng hoạt náo tạo ra bầu không khí vui tươi, sống động trong các hoạt động tập thể, được thầy cô, bạn bè yêu mến, và xem là nguồn hứng khởi của lớp trong mọi sinh hoạt. Vì vậy, giữa Hồng Ngọc với cả lớp hầu như không có khoảng cách, không có sự phân biệt nào cả, mà chỉ có tình yêu thương và sự chia sẻ chân tình.

Ai đó đã nói, nếu chúng ta biết tìm con đường khác để đi, thay vì mãi u sầu trong ngõ cụt, thì cuộc sống sẽ chẳng còn điều gì đáng sợ. Quả thật, nhìn lại quảng đời mà Cao Thị Hồng Ngọc đã đi qua, với thái độ sống và học tập của em dưới mái trường, chúng tôi tin rằng em hoàn toàn có thể vượt qua tất cả để đi đến cùng trên con đường học vấn, để tự chọn lấy cho mình một bến đổ bình yên, và để cho cha mẹ em đâu đó trong cõi vĩnh hằng cũng sẽ được miễm cười mãn nguyện.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Em Cao Thị Hồng Ngọc – học sinh lớp 12/7, trường THPT Võ Văn Tần, thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An

2/ Chương trình “Thắp sáng niềm tin“, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long
– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long
– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh long

Kim Phụng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *