Bên bờ hạnh phúc

Dân số Việt Nam hơn 85,8 triệu người, trong đó nam chiếm 49,4% và nữ chiếm 50,6%, tính đến 0h ngày 1.4.2009. Đây là một trong những kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 được tổng cục Thống kê công bố sáng 21.7.

Trong mười năm qua, tỷ lệ dân số sống ở thành thị ngày càng tăng cao. (ảnh mang tính minh họa) Ảnh: Phan Quang

Tính từ cuộc Tổng điều tra trước, số dân nước ta tăng thêm 9,523 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 952.000 người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân/năm giữa 2 cuộc Tổng điều tra năm 1999 và 2009 là 1,2%/năm, so với thời kỳ 10 năm trước (1989-1999), mỗi năm tăng gần 1,2 triệu người (với tỷ lệ tăng hàng năm là 1,7%/năm).

Dân số thành thị đang tăng rất nhanh

Trong mười năm qua (1999- 2009), dân số thành thị nước ta đã tăng với tốc độ trung bình là 3,4% mỗi năm trong khi tốc độ này ở khu vực nông thôn chỉ 0,4% mỗi năm.

Cụ thể, tính đến hết ngày 1.4.2009, nước ta có 25.436.896 người sống ở khu vực thành thị, chiếm 29,6% tổng dân số cả nước. Trong khi đó, với tỷ lệ tăng chậm, dân số nông thôn nước ta là 60.410.101 người, chiếm 70,4% trong tổng dân số.

Nguyên nhân chính khiến dân số thành thị tăng nhanh là do sự mở rộng của thị trường lao động đã tác động tới lượng dân di cư. Thời kỳ di cư mạnh nhất là giai đoạn 2004- 2009 do lượng khu chế xuất, khu công nghiệp được mở ra ở nhiều nơi. Điều này đã góp phần phân bố lại dân số. Trong 5 năm này, lượng di cư tới địa bàn hành chính cùng cấp huyện tăng 275.000 người, di cư cùng tỉnh tăng 571.000 người, di cư khác tỉnh tăng 1,4 triệu người và di cư khác vùng tăng hơn 1 triệu người.

Trong 5 năm từ 2004 đến 2009 số dân nhập cư thuần từ nông thôn vào thành thị là xấp xỉ 1,4 triệu người. Tốc độ di cư nhanh này đang góp phần phân bố lại dân số nước ta theo vùng kinh tế xã hội. Hai vùng nhận dân nhiều nhất là Tây nguyên và Đông Nam bộ và bốn vùng còn lại bao gồm Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long là các cùng xuất cư.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, hiện tại có ba địa phương có quy mô dân số hơn 3 triệu người, đó là TP.HCM có 7,163 triệu người, TP Hà Nội có 6,452 triệu người và tỉnh Thanh Hóa có 3,401 triệu người. Năm địa phương có số dân cư ít hơn 500.000 người bao gồm Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Kontum và Đăk Nông.

Cuộc sống cải thiện

Cùng với sự gia tăng nhanh dân số thành thị, tỷ trọng hộ gia đình có nhà ở với diện tích sử dụng dưới 15m2 sau 10 năm qua vẫn tăng lên. Năm 1999 có 2,2% số hộ gia đình đang sinh hoạt trong diện tích nhà ở chật hẹp dưới 15m2 và đến năm 2009 tỷ lệ này là 2,4%.

Sau 10 năm, tỷ lệ biết chữ của số người từ 15 tuổi trở lên đã tăng (từ 90,3% năm 1999 lên 94% năm 2009); gần 4 triệu người chưa từng đi học, chiếm 5% tổng dân số từ 5 tuổi trở lên.

Tuy vậy số hộ gia đình sử dụng diện tích nhà ở rộng hơn 60m2 đã tăng nhanh trong 10 năm qua, năm 1999 là 24,2% hộ gia đình và tới năm 2009 là 51,5% số hộ gia đình của cả nước. Diện tích nhà ở bình quân đầu người trung bình của cả nước là 16,7m2/người, trong đó khu vực thành thị là 19,2 m2/người và ở nông thôn là 15,7m2/người.

Kết quả điều tra cũng cho thấy cuộc sống của người dân đã có sự cải thiện đáng kể. Trong những hộ có nhà ở, số hộ có nhà kiên cố chiếm 46,3%, nhà bán kiên cố chiếm 37,9%, nhà thiếu kiên cố chiếm 8% và đơn sơ chiếm 7,8%. Diện tích ở bình quân đầu người của cả nước là 16,7m2, trong đó của thành thị cao gần gấp rưỡi của nông thôn, tương ứng là 19,2 và 15,7m2.

“Cơ cấu dân số vàng”

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, Việt Nam đang ở trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng", mở ra tiềm năng to lớn để đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển ổn định.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, kết quả cuộc điều tra cũng đưa ra những cảnh báo đáng quan tâm. Đó là tỷ lệ người đi học tại các tỉnh miền núi và Tây Nguyên còn thấp, số người được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật còn thấp.

Bên cạnh đó là tình trạng nhà thiếu kiên cố và đơn sơ vẫn còn nhiều, tập trung nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu, chiến lược phát triển nhà ở trong 10 năm tới phải được thực hiện một cách toàn diện, tập trung cho những khu vực này.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *