Bên bờ hạnh phúc

Qua hơn 5 năm gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, xuất khẩu nông sản của ĐBSCL ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, trái ngược với việc gia tăng sản lượng xuất khẩu thì giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực như: gạo, cá tra ngày một giảm. Điều này khiến cho thu nhập của người nông dân giảm sút còn doanh nghiệp đối diện với các tranh chấp thương mại ngày càng tăng. Từng được xác định sản phẩm chiến lược quốc gia nhưng làm gì để tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực này, cần nhiều giải pháp toàn diện.

 

Với lợi thế là vùng sản xuất nông sản lớn nhất cả nước, mỗi năm ĐBSCL có  kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 tỷ đôla Mỹ. Trong số này, mặt hàng gạo đem  ngoại tệ về cho đất nước 3 tỷ rưỡi đôla Mỹ; thủy sản 3 tỷ 600 triệu đôla Mỹ, còn lại là các mặt hàng khác. Tuy nhiên, từ năm 2012, giá gạo xuất khẩu bình quân giảm và trong năm 2013 này lại tiếp tục giảm. Tuy là nước xuất khẩu gạo nhiều thứ hai trên thế giới nhưng từ năm 2012 đến nay giá gạo xuất khẩu của VN luôn thấp so với giá xuất của các nước có xuất khẩu gạo.

Còn mặt hàng cá tra phi-lê xuất khẩu cũng giảm liên tục kể từ năm 2004, sau vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Điều này đặt ra câu hỏi : liệu chiến lược lương thực của nước ta là sản xuất cho xuất khẩu hay sản xuất để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực. Trong bối cảnh thị trường thế giới đang thay đổi nhanh chóng do suy thoái kinh tế từ năm 2008, thì các doanh nghiệp xuất khẩu VN tiếp tục lựa chọn chiến lược giảm giá, khiến cho lợi ích doanh nghiệp và nông dân không hài hòa.

Khi giá giảm, người nuôi cá tra không còn lợi nhuận và thiếu vốn để tái đầu tư sản xuất. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu lại đối diện với các cuộc tranh hấp thương mại ngày càng nhiều. Còn nhớ, năm 2002, khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ có hiệu lực, các mặt hàng nông sản VN xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng tăng theo, trong đó nổi bật là sản phẩm phi-lê cá tra. Liền sau đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam liên tiếp bị Hiệp hội chủ trại nuôi cá nheo Hoa Kỳ sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Bắt đầu là việc yêu cầu thay đổi tên gọi “catfish”, áp thuế chống bán phá giá và chuyển việc thanh tra cá da trơn sang Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ.

Những hoạt động tranh chấp thương mại này khiến cho ngành nuôi và chế biến cá tra ở ĐBSCL bị thiệt hại, cả nông dân và doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu. Tuy nhiên, người nuôi cá vẫn phải chịu mức độ rủi ro trước tiên và cao hơn doanh nghiệp chế biến. Như vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ năm 2003 đã làm giá cá tra giảm mạnh. Nhưng xuất khẩu và giá bình quân tăng mạnh vào năm sau và doanh nghiệp là người hưởng lợi.

Cho đến nay, sau hơn 10 năm, phía Hoa Kỳ liên tục đưa ra các mức thuế chống bán phá giá, mà gần đây nhất là đầu tháng 9/2013 này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ có quyết định sơ bộ của đợt rà soát hành chính lần thứ 9 với mức thuế cao nhất lên đến 2,15 đô-la Mỹ/kg. Theo tính toán thì với thuế suất mới này, giá cá tra VN xuất khẩu vào Mỹ có thể tăng thêm 30-40%, tương đương 1,85-2,25 đôla Mỹ/ pound. Song, giá này vẫn thấp hơn nhiều so với giá bán phi-lê cá da trơn của Mỹ gần 6 đôla Mỹ/ pound.

Trong khi đó, nhập khẩu cá tra vào Mỹ lại tăng lên khi trong 9 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ vươn lên trở thành thị trường dẫn đầu trong số 8 thị trường chính nhập khẩu cá tra VN. Động lực thị trường  mạnh, nhất là người tiêu dùng Mỹ đã chuyển từ cá “catfish” sang cá tra nên nhập khẩu sản phẩm này từ VN vào Mỹ tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2007, thị phần cá tra VN chỉ chiếm 37% thì đến năm 2012 đã tăng lên 76%. Tuy nhiên, giá bán cá tra tại thị trường Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với giá cá da trơn. Còn các doanh nghiệp chế biến thủy sản duy trì giá mua cá nguyên liệu thấp khiến cho người nuôi cá thua lỗ. Ở tỉnh Vĩnh Long, trong số 426 ha ao nuôi cá tra thương phẩm thì chỉ có 283 ha đang thả nuôi. Hơn 100 ha còn lại là treo ao hoặc người nuôi do dự do chi phí cao, thiếu vốn.

 

 

 

Đây là điều kiện dễ phát sinh các tranh chấp thương mại, khi mà giá xuất khẩu của các doanh nghiệp quá cách biệt và luôn trong xu hướng giảm. Thông tin từ hội thảo Tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu nông thủy sản do Phòng thương mại và công nghiệp VN  vừa tổ chức gần đây cho thấy: số vụ kiện chống bán phá giá tăng dần từng năm. Nếu như trong năm 2010, cả nước chỉ xãy ra 2 vụ thì năm 2011 là 4 vụ; năm 2012 9 vụ. Còn số vụ kiện chống trợ cấp năm 2010: 1 vụ, năm 2011: 2 vụ; 2012: 3 vụ. Hoa Kỳ là quốc gia kiện tụng tranh chấp thương mại nhiều nhất.

Tuy nhiên, hiện nay bảo hiểm tín dụng thương mại chỉ bảo vệ các khoản phải thu trong trường hợp người mua hàng phá sản, trì hoãn thanh toán hoặc không thanh toán do thiên tai, rủi ro chính trị. Trường hợp gian lận và tranh chấp thương mại là rủi ro không được bảo hiểm. Bảo hiểm tín dụng thương mại tuy tiêu tốn một khoản phí nhưng sẽ thấp hơn nhiều nếu xảy ra tranh chấp thương mại. Thông thường , khoản chi phí này chiếm khoảng ¼ giá trị hợp đồng nếu giải quyết tranh chấp tại Tòa án hay Trung tâm trọng tài quốc tế.

Gạo và thủy sản là hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và chế biến của những mặt hàng này lại đang đối diện nhiều với nhiều khó khăn, trong đó nguy cơ nhất cao nhất là nợ xấu. Chỉ riêng tỉnh Vĩnh Long, tỷ lệ nợ xấu ngành nuôi trồng và chế biến cá tra đã chiếm tỷ lệ 22% trong tổng dư nợ hơn 1.600 tỷ đồng mà các ngân hàng đang đầu tư vào lĩnh vực này. Xuất khẩu ồ ạt và thiếu kiểm soát sản lượng, giá cả được xác định là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng này. Do vậy, ngành thủy sản và xuất khẩu gạo đang cần một chiến lược mới để phát triển dài hạn thay vì phát triển tự phát thời gian qua./.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *