Bên bờ hạnh phúc

Những thông tin ngắn gọn về mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Hai là  cơ sở để chúng tôi đi tìm mẹ. Chúng tôi chọn kể câu chuyện về mẹ, trước tiên vì lòng ngưỡng mộ, khâm phục và phần nào muốn chia sẻ nỗi đau của một người mẹ góa bụa, chỉ có hai người con, thì cả hai đều là liệt sĩ. Bản thân mẹ cũng đã có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến. Và chúng tôi cũng phải tranh thủ thời gian, vì tuổi mẹ giờ như trái đã chín cây, chẳng biết khi nào rơi rụng, sợ mình sẽ phải chậm chân.

 

 

 

Chuyến phà từ thành phố Vĩnh Long qua cù lao An Bình của huyện Long Hồ bây giờ cũng chỉ mất hơn 10 phút. 

Nhà mẹ Hai ở ấp An Thới, cách UBND xã An Bình độ chừng vài cây số, không xa nhưng lại sâu…Đó là nơi cuối cùng của một con đường làng nhỏ giữa đất cù lao. 

Ở tuổi 95, lưng đã còng, tóc đã bạc, mẹ Hai vẫn mang nặng trong lòng  những ký ức khó quên. Đó là ký ức của một cuộc đời từng đi qua hai cuộc chiến tranh. Hết cơ cực nghèo đói, đến mất mát hy sinh. Chuyện vui thì ít, mà chuyện buồn cứ chất chồng theo năm tháng. 

 Trong câu chuyện với chúng tôi, bà nói mình có 4 người con là liệt sĩ. Ngoài anh Nguyễn Văn Tòng và Nguyễn Văn Quân, đã được ghi trong sách sử, mẹ còn hai người con tên Sanh và tên Tuội, tuy không phải do mẹ sinh ra nhưng đã nuôi dưỡng bằng tình cảm thiêng liêng của một người mẹ, chẳng khác gì  núm ruột của mình. Mẹ đã che chở, đã đùm bọc các con từ ngày còn tấm bé. Mẹ bù đắp cho các con tình mẫu tử đã sớm bị mất đi khi còn thơ dại… 

Sống gần trọn một thế kỷ, tài sản quí báu nhất của mẹ là những gì liên quan đến các con. Cũng chẳng có gì ngoài ít giấy tờ đã phai mờ theo thời gian. Nhưng dù thời gian có làm nhạt nhòa đi tất cả,  trong lòng mẹ vẫn cất giữ hình ảnh của những đứa con đã vì nước hy sinh. Và mẹ vẫn luôn thích kể với mọi người về các anh, như để được chia sẻ, để tự hào, để làm nguồn an ủi sống hết những ngày còn lại của đời mình. 

Trước khi về An Bình, mẹ Trương Thị Hai đã có gần 50 năm sống ở xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Chồng mẹ là người sớm chịu cảnh gà trống nuôi con vì vợ trước mất sớm, bỏ lại mấy đứa con khờ dại. Lấy chồng, cô thôn nữ Trương Thị Hai chưa sinh con đã phải làm mẹ. Bằng tất cả tình thương và trách nhiệm, mẹ đã cùng chồng sớm hôm vất vả nuôi dạy các con đến lớn khôn, rồi dựng vợ gả chồng trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc. Mẹ cũng sinh được người con duy nhất là anh Nguyễn Văn Quân. Trong thâm tâm, mẹ chưa bao giờ phân biệt con riêng con chung, mà tất cả đều là con của mẹ.

Nhưng giờ đây thì mọi người đều đã bỏ mẹ mà đi… 

Theo tiếng gọi của quê hương, những người con của mẹ Trương Thị Hai khi lớn lên đều tham gia hoạt động cách mạng. Lần lượt kẻ trước người sau gia nhập lực lượng du kích xã và đơn vị địa phương quân của tỉnh.

Còn hai vợ chồng mẹ thì tham gia nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, góp phần tích cực vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Cho đến năm 1971 thì tất cả những người con của mẹ Trương Thị Hai đều đã hy sinh. Chồng mẹ cũng bị ô buýt bắn chết trong một chuyến đi công tác. 

Nỗi đau mất chồng mất con, nỗi khổ vì bị địch tra xét rình rập hàng ngày, mẹ Hai đành xa xứ tìm chốn nương thân. Mẹ đi làm thuê làm mướn, vất vả mưu sinh. Đất và người xứ cù lao đã hào phóng đùm bọc, chở che mẹ Hai trong những ngày khó khăn đơn độc. 

Câu chuyện mà mẹ Hai kể về gia đình mình, không hoàn toàn giống như những thông tin mà chúng tôi đã biết trước đây là: “Chồng mẹ Hai là ông Nguyễn Văn Tiên không may bị máy bay bắn chết vào năm 1963. Mẹ có hai người con là Nguyễn Văn Tòng và Nguyễn Văn Quân. Cả hai anh đều tham gia cách mạng và đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược”.

Chúng tôi quyết định về Mỹ Thạnh Trung để tường tận ngọn ngành câu chuyện.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ Thương binh xã hội xã Mỹ Thạnh Trung đã xác định rõ, ở địa phương không có ông Nguyễn Văn Tiên, mà chỉ có liệt sĩ Đỗ Văn Tiên có bốn người con hy sinh là Đỗ Văn Sanh, Đỗ Văn Tuội, Nguyễn Văn Tòng và Nguyễn Văn Quân.

Tuy có chi tiết khác nhau về họ Đỗ và họ Nguyễn, về tên của bà mẹ, nhưng tên các con thì trùng khớp như mẹ Hai đã kể. Chúng tôi đến ấp Mỹ Phú Tân tìm gặp họ hàng của ông Đỗ Văn Tiên để hiểu rõ hơn câu chuyện của gia đình nầy.

Qua câu chuyện với đồng chí Nguyễn Văn Hiếu và họ hàng của ông Đỗ Văn Tiên, chúng tôi xác định ông Nguyễn Văn Tiên chồng mẹ Trương Thị Hai và ông Đỗ Văn Tiên – chồng bà Nguyễn Thị Cưởng chỉ là một người. Chuyện thay tên đổi họ trong chiến tranh không phải là trường hợp hiếm gặp. 

Đến Mỹ Thạnh Trung, chúng tôi biết thêm thông tin, vợ chồng ông Đỗ Văn Tiên và bà Nguyễn Thị Cưởng còn một người con gái duy nhất là bà Đỗ Thị Mãi, hiện sinh sống ở ấp Bình Phú, xã Loan Mỹ. Bà cũng là người thờ liệt sĩ Đỗ Văn Tiên và mẹ VNAH Nguyễn Thị Cưởng.

Bà Đỗ Thị Mãi năm nay cũng đã thuộc lớp người “ xưa nay hiếm”. Bà cùng gia đình sinh sống trong ngôi nhà khá đơn sơ. Cha của bà tham gia công tác ở địa phương và bị ô buýt bắn chết trong một lần đi công tác vào năm 1970. Còn mẹ bà, bà Nguyễn Thị Cưởng đã qua đời từ năm 1950, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà Mẹ VNAH vào năm 1995. Dòng họ Đỗ ở Mỹ Thạnh Trung đã đóng góp nhiều xương máu trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Ông Đỗ Văn Tiên cũng có người em ruột và hai cháu là liệt sĩ. Theo qui định mới của Nhà nước, thì mẹ ông cũng sẽ được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ VNAH. 

Vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Tòng là bà Phạm Thị Năm, hiện vẫn còn sống ở ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Thạnh Trung. Hai vợ chồng cưới nhau chỉ được vài tháng thì chồng bà hy sinh. Lúc đó bà cũng đã mang thai và  sinh được một người con gái. Hiện bà có được 3 cháu ngoại, hai trai một gái, tất cả đều đã có gia đình. Từ ngày chồng hy sinh, bà Phạm Thị Năm vẫn sống một mình bên con cháu. Qua bà, chúng tôi biết được, vợ anh Đỗ Văn Tuội cũng là liệt sĩ. Vợ chồng anh Tuội cũng sinh được một người con trai, hiện đang sinh sống ở Mỹ Thạnh Trung. Còn vợ liệt sĩ Đỗ Văn Sanh hiện cũng đang sống cùng con ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình.

Đối với mẹ Hai, bà Phạm Thị Năm luôn dành tình cảm thân thương trân trọng.

Như vậy, ông Đỗ Văn Tiên có hai đời vợ đều là Bà mẹ VNAH. Theo tài liệu, bà Nguyễn Thị Cưởng có chồng và 2 con là liệt sĩ nên được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ VNAH. Riêng mẹ Trương Thị Hai, nếu có con độc nhất hy sinh thì vẫn được công nhận danh hiệu cao quí nầy. Còn anh Nguyễn Văn Tòng tuy do mẹ Cưởng sinh ra, nhưng được mẹ Hai nuôi từ lúc còn nhỏ, mà theo qui định của Nhà nước, là nếu ai có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn sống từ 10 năm trở lên, mà liệt sĩ chưa quá 18 tuổi, nghĩa là nuôi từ lúc 8 tuổi trở xuống thì công nuôi dưỡng sẽ được ghi nhận. Như vậy anh Tòng được tính là con của mẹ Hai.

Nhìn qua hai tài liệu về hai Bà mẹ VNAH, tưởng chừng có điều gì không khớp, nhưng thật ra vẫn rất hợp lý. Cả hai bà mẹ đều xứng đáng được phong tặng danh hiệu cao quí: Bà Mẹ VNAH.

Vùng quê Mỹ Thạnh Trung là nơi mẹ Trương Thị Hai đã gắn bó hơn 50 năm trong cuộc đời của mình. Đối với mẹ , đây là nơi đã lưu giữ nhiều kỷ niệm thân thương về gia đình, về các con, nơi mẹ cảm nhận được niềm hạnh phúc thiêng liêng của tình mẫu tử . Nhưng đây cũng là nơi đã để lại cho mẹ những ký ức quá đau lòng, một quá khứ đầy mất mát hy sinh.

 Từ câu chuyện của mẹ Hai, chúng tôi hiểu thêm truyền thống cách mạng của một gia đình, của một vùng quê, và hiểu rõ vì sao mẹ Hai hay nói mình có 4 người con hy sinh. Tuy không phải tất cả do mẹ sinh ra, nhưng công nuôi dưỡng cũng sánh bằng trời biển. Tình thương mẹ Hai dành cho các con vượt lên cả tình thân máu mủ ruột rà, đó là tình yêu thương con người, yêu lý tưởng cách mạng của một tấm lòng nhân hậu, giàu đức hy sinh. 

 

 

 

Hiện tại , mẹ Hai đang sống cùng gia đình của một người cháu mà mình từng nuôi dưỡng từ lúc mới lọt lòng. Bây giờ thì mẹ đã có cháu gọi bằng bà cố. Tuy giữa họ không máu mủ ruột rà, nhưng không thiếu tình thương yêu và trách nhiệm. Âu đó cũng là một sự bù đắp cho cuộc đời của mẹ. 

Tuy tuổi cao sức yếu, tóc bạc, lưng còng, nhưng mẹ Hai vẫn sống vui vẻ lạc quan. Chuyện gì làm được bà vẫn tự làm, không phiền các cháu. Đối với hàng xóm, mẹ là mẫu mực của bậc cao niên. Ai có chuyện vui, chuyện buồn , mẹ đều thăm viếng, sẻ chia, giúp đỡ. Dù bước chân đã nhiều khó nhọc, nhưng khoảng đường năm ba trăm mét bà không bao giờ đi nhờ xe. Một lần theo mẹ đi đám giỗ , chúng tôi mới tin lời người cháu ngoại hay nói, bà đi đâu toàn đi bộ, không thích phiền ai. Những mất mát khổ đau  trong đời đã rèn luyện cho bà một ý chí, một năng lực sống rất mạnh mẽ, không khuất phục trước hoàn cảnh. Đó là điều được mọi người nể trọng. 

Hằng ngày, ngoài lúc bên các cháu, niềm vui nhỏ của mẹ Hai là đi gặp gỡ, trò chuyện với những người bạn già trong xóm, vừa để giải khuây,  vừa biết tình hình trong xóm ra sao. Ai muốn gặp mẹ mà không hẹn trước thì phải đi tìm, vì mẹ ít khi ở nhà. Đất An Bình chẳng phải là quê quán, nhưng đã đem lại cho mẹ sự bình an. Ở đây , mẹ không có họ hàng thân tộc, nhưng đối với bà ai cũng là người thân. Hình ảnh một bà lảo lưng còng tóc trắng đã trở nên gần gũi thân thương ở cái xóm nhỏ cù lao này. Ngày nào không thấy bà sang chơi, cả xóm cùng lo lắng.

Trong cuộc sống, không nhiều những hòan cảnh như mẹ Hai. Thói thường, mẹ ghẻ không thương con chồng, nhưng đời mẹ Hai hết nuôi con chồng rồi đến cháu chồng. Mẹ chẳng những sinh ra, nuôi dưỡng  những người con anh hùng, mà trong đời thường, lòng nhân hậu, giàu đức hy sinh của mẹ cũng xứng đáng được mọi người ngưỡng mộ.

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *