Bên bờ hạnh phúc

Sau hơn 3 năm được TW đầu tư làm xã điểm nông thôn mới tại khu vực ĐBSCL, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã có nhiều  thay đổi đáng mừng.

 

 

Không ít người nhớ đến xã Định Hòa cách nay hơn 3 năm là một xã nghèo có trên 63% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Còn hôm nay, Định Hòa đã khoác lên mình một chiếc áo mới, với những thay đổi nhanh và mạnh, khiến cho những ai từng đến Định Hòa vào những lúc giao thời này cũng đều phải ngạc nhiên.

Định Hòa là một trong 11 đơn vị hành chính của huyện Gò Quao, nằm ở phía Bắc của huyện, và cách thị trấn Gò Quao 15km; cách thành phố Rạch Giá  35km, có 7,5km đường quốc lộ 61 đi qua, chia cắt xã ra thành 2 vùng Nam và Bắc rõ rệt, với những điều kiện tự nhiên khác biệt. Vùng Bắc quốc lộ 61 nước ngọt quanh năm. Vào đầu tháng 10 hàng năm, nước lũ dâng cao, thường bị ngập kéo dài trên một tháng rưởi. Còn phía Nam quốc lộ 61 thường bị ảnh hưởng phèn, mặn từ những vùng sản xuất Tôm lúa của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu từ phía hạ nguồn,…. Vì vậy, vốn là một xã chuyên canh lúa, Định Hòa luôn gặp khó khăn trong sản xuất.

Mặc dù từ lâu Định Hòa đã được đưa vào danh sách những xã nghèo, thuộc diện phải hỗ trợ theo chương trình 135 của Chính phủ, nhưng các cơ sở hạ tầng, như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa… vẫn chưa được đầu tư tương xứng với điều kiện tự nhiên và tình hình sản xuất, đời sống của xã. Trình độ dân trí thấp, khiến cho việc cập nhật và phổ biến những cái mới gặp nhiều trở ngại, kinh tế không phát triển. Từ đó làm cho Định Hòa luôn ở trong cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo nàn và lạc hậu.

Năm 2009, được chọn là 01 trong 11 xã điểm xây dựng Nông thôn mới của TW đến năm 2015, Đảng bộ và Nhân dân xã nghèo Định Hòa thật sự hết sức vui mừng. Đây không những là niềm vui riêng của Định Hòa, mà đó còn là niềm vinh dự, niềm tự hào chung của các cấp chính quyền tỉnh Kiên Giang. Niềm vui càng lớn thì áp lực hoàn thành nhiệm vụ càng nặng nền hơn. Do Định Hòa vốn là một xã nghèo.

Theo thống kê vào giữa năm 2009, Định Hòa có 10 ấp, với tổng diện tích tự nhiên là 5.119 ha, dân số gần 17.000 người, với trên 3.550 hộ; đất nông nghiệp chiếm 74% diện tích đất tự nhiên, chủ yếu là canh tác lúa, ngành nghề ở nông thôn chưa phát triển, lao động nông nhàn còn nhiều. Hàng năm, người dân canh tác 2 vụ lúa, với năng suất 10,8 tấn/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 10 triệu đồng/người/năm, đồng thời tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cũng rất cao. Chỉ tính riêng hộ nghèo đã chiếm gần 15%. Những con số đó cho thấy, điểm xuất phát của Định Hòa là rất thấp.

Tuy vậy Định Hòa cũng có những thuận lợi nhất định của mình, như đã được chọn là xã điển của TW, của tỉnh trong việc xây dựng nông thôn mới, nên được các ngành, các cấp lãnh đạo quan tâm, hỗ trợ thường xuyên. Có địa bàn thuận lợi để giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt đây là xã có truyền thống cách mạng, nhân dân cần cù, siêng năng, chịu khó. Nhờ vậy mà  Định Hòa luôn giữ vững niềm tin, để quyết tâm  xây dựng Nông thôn mới.

Vì là xã điểm của TW, nên ngay trong các khâu quy hoạch, định hướng nội dung và tiến độ xây dựng nông thôn mới của Định Hòa đã được Ban chỉ đạo cấp trên hỗ trợ đắc lực, nên những tiêu chí cấp bách, mang tính nền tảng cần thực hiện trước đều đã được bắt tay ngay sau đó. Và nguồn vốn cũng được bố trí kịp thời, để thực hiện và đã hoàn thành nhiều nội dung ở đây. Nếu như cuối năm 2009 Định Hòa mới chỉ đạt 3 tiêu chí, gồm: Y tế, An ninh trật tự và Hình thức tổ chức sản xuất. Đến hết năm 2011, Định Hòa đã đạt thêm 7 tiêu chí, mà hầu hết đó đều là các tiêu chí đòn bẩy, như: Thủy lợi, điện, bưu điện, hộ nghèo,… đến thời điểm này đã đạt 16 tiêu chí; 3 tiêu chí còn lại cũng đạt từ 50% trở lên. Vì vậy, từ nay đến năm 2014, việc hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới của Định Hòa sẽ rất thuận lợi. 

  



 



 

 

Để có diện mạo mới như hôm nay, Định Hòa đã được đầu tư trên 240 tỷ đồng. Trong đó bao gồm vốn ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng NTM cũng như vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác trên 130 tỷ đồng, vốn từ các doanh nghiệp 105 tỷ. Còn lại là vốn huy động từ trong nhân dân.

Tương ứng với số vốn trên, bộ mặt nông thôn Định Hòa đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.

Hơn 27km đường đal đạt chuẩn đã đưa vào sử dụng, giúp cải thiện rất nhiều điều kiện đi lại cho nhân dân các ấp vùng sâu. Trường học đạt chuẩn mọc lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập, nâng cao trình độ dân trí của nhân trong xã. Chợ búa khang trang, sạch sẽ, thông thoáng.Các thiết chế văn hóa mọc lên đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.

Nước sạch được đưa về tận vùng sâu, người dân đã không còn cảnh phải sử dụng nước sông, không đảm bảo vệ sinh,…

Không chỉ có vậy, người dân Định Hòa còn vui mừng hơn vì đã có nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao trình độ sản xuất, đào tạo nghề mới cho lao động nông thôn,…. Nhờ đó thu nhập của bà con đã dần được tăng lên qua từng năm, và nay đã đạt 26,6 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 16 triệu đồng so với thời điểm năm 2009.

Hộ của anh Danh Toàn, gia đình canh tác trên 40 công đất, nhiều năm trước khi chưa hiểu biết nhiều về tầm quan trong của việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, giá trị sản xuất hàng năm đạt thấp, nay nhờ chương trình NTM mang về những bài học sản xuất mới mẻ mà thu nhập của gia đình anh đã tăng gần 20% so với trước.

Nhiều hộ trồng lúa khác trên cánh đồng mẫu lớn, thực hiện phương châm “4 tốt” cũng đều đã có niềm vui trúng mùa như vậy.

Ngoài các lớp tập huấn phục vụ nghề trồng lúa, Định Hòa còn mở các lớp dạy nghề trồng nấm rơm, chăn nuôi,…giúp nông dân có điều kiện ứng dụng mô hình mới, tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, địa phương còn tranh thủ kinh phí từ trên để kịp thời mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp, giúp giải quyết hàng trăm lao động nông nhàn tại đây.

Tiệm làm tóc nhỏ của em Thị Trần Hươnh. Vì là người dân tộc Khmer, nên khi tham gia lớp học nghề cắt, uốn tóc, em không phải tốn học phí, mà còn được hỗ trợ tiền đi học mỗi ngày 15.000 đồng. Sau 6 tháng đi học nghề, giờ em đã có thể mở tiệm, và tự lo cho cuộc sống tương lai của mình.

Trong 3 năm qua, các đoàn thể địa phương đã kết hợp với các ngành chức năng, mỗi năm mở từ 6 – 7 lớp dạy nghề nông nghiệp, cũng như phi nông nghiệp cho các đối tượng, nâng cao khả năng tiếp cận việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.

Có khoảng 5km địa hình nằm cặp sông Cái Bé, từ  lâu Định Hòa có điều kiện để duy trì nghề đan đát. Nay với chương trình Nông thôn mới, nghề này vẫn tiếp tục được khuyến khích phát triển. Bởi dẫu sao nghề này vẫn đảm bảo thu nhập và đời sống cho gần 100 lao động nông thôn. 

Nhìn chung, hơn 3 năm qua, với lợi thế là xã điển của TW và của tỉnh Định Hòa đã được quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng mức. Giúp cho nhiều công trình phúc lợi xã hội phục vụ nhân dân đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy vậy, từ nay đến hạn chỉ còn hơn 1 năm, nhưng Định Hòa vẫn còn 3 tiêu chí nữa phải hoàn thành, nhất là phải giải quyết cho xong hơn 400 căn nhà chưa đạt chuẩn Nông thôn mới, một con số không hề nhỏ.

Dù thực tế Định Hòa còn nhiều việc phải làm, nhưng rõ ràng Chương trình Nông thôn mới đã mang về cho vùng quê này một sức sống mới. Người dân Định Hòa giờ đã có nền tảng tốt hơn để tạo đà phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Và rồi mọi người sẽ lại có dịp được ngắm nhìn một Định Hòa với nhiều màu sắc rực rỡ hơn.

Thúy Hằng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *