Bên bờ hạnh phúc

Qua 3 năm thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ĐBSCL bước đầu đã hình thành hệ thống quản lý và triển khai các hoạt động về tiết kiệm năng lượng, nhất là với hai ngành có thế mạnh là chế biến thủy sản và lúa gạo. Với mục tiêu tiết kiệm từ 5 – 8% năng lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2011 – 2015, cần nhiều giải pháp phát huy các mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

 

 

Nếu như 10 năm trước, ĐBSCL chỉ có hơn 80 nhà máy chế biến thủy sản, chủ yếu là cá tra và tôm, thì đến nay trong tổng số trên 560 nhà máy chế biến thủy sản cả nước thì ĐBSCL có hơn 200 nhà máy. Tổng công suất thiết kế từ chỗ chỉ gần 450 ngàn tấn/ năm thì nay đã vượt trên 1 triệu 200 ngàn tấn/ năm. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy hoạch đến năm 2015, sản lượng thủy sản chế biến toàn vùng ĐBSCL là 1 triệu tấn/ năm.

Sự phát triển quá nóng này tỷ lệ nghịch với nguồn nguyên liệu ngày càng giảm khiến cho nhiều nhà máy chế biến thủy sản hoạt động một nửa, thậm chí 1/ 3 công suất thiết kế. Một khảo sát tại 24 nhà máy chế biến thủy sản do Trung tâm tiết kiệm năng lượng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cho thấy, suất tiêu hao năng lượng trung bình của các nhà máy có khảo sát cao hơn 2,4 lần so với trung bình của thế giới. Nguyên nhân được cho là do yếu tố con người trong vận hành và thiết bị lạc hậu. Giải pháp tiết kiệm năng lượng không chỉ nhất thiết phải là đầu tư, khi mà chi phí khá lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện đáp ứng.

Ở tỉnh Vĩnh Long, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2010 – 2015 do Sở công thương chủ trì cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở ngành công nghiệp là từ 20 – 30%. Một số doanh nghiệp đã chủ động thực hiện kiểm toán năng lượng nhằm nâng cao ý thức cho công nhân và tiết giảm chi phí từ điện, là chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong chế biến thủy sản. Như tại Công ty TNHH Hùng Vương Vĩnh Long, nơi tập trung nhiều thiết bị sử dụng điện năng công suất lớn, nhờ thiết kế hệ thống điện theo nhu cầu sử dụng thực tế, công ty đã tiết giảm đáng kể lượng điện, nước tại đơn vị.

Chương trình tiết kiệm điện của tỉnh Vĩnh Long trong năm 2011 đạt gần 9,7 triệu Kwh, năm 2012 là hơn 11 triệu Kwh. Tiết kiệm năng lượng không chỉ đơn thuần là tiết kiệm điện, chất đốt, mà còn là tiết kiệm trong sử dụng các sản phẩm có được từ sự đóng góp của năng lượng như nước, phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

Còn trong tiêu dùng, việc hạn chế sử dụng túi ny-lông, thay vào đó là các bao bì dễ tiêu hủy, thân thiện với môi trường cũng được khuyến khích. Tuy nhiên, việc tiết kiệm năng lượng phải cần có thời gian để thay đổi nhận thức và chuyển biến thành hành động nhằm bảo vệ môi trường sống.

Ngành công nghiệp chế biến lúa gạo của vùng ĐBSCL là một lĩnh vực quan trọng mà chương trình tiết kiệm năng lượng hướng đến. Các nhà máy chế biến lúa gạo hiện được phân bố ở khắp 13 tỉnh, thành phố trong vùng với số lượng nhà máy có công suất lớn nhỏ khác nhau. Số liệu thống kê cho biết sản lượng lúa gạo xay xát toàn vùng khoảng 8 triệu tấn/ năm. Tuy nhiên, công nghệ xay xát và chế biến gạo xuất khẩu chưa tương ứng với nguồn nguyên liệu của địa phương. Nhiều nhà máy vẫn còn dùng công nghệ xay xát lạc hậu. Điều này khiến cho việc tiêu tốn nhiều năng lượng nhiều, tỷ lệ hao hụt trong quá trình chế biến cao.

Để tiết kiệm năng lượng, đối với lĩnh vực chế biến thủy sản và lúa gạo ở ĐBSCL gần đây có nhiều doanh nghiệp ý thực được điều này. Nhiều tỉnh đã hình thành các trung tâm chế biến lúa gạo tập trung, qui mô lớn với công nghệ liên hoàn khép kín. Ở công ty lương thực Vĩnh Long, để rút ngắn thời gian sấy lúa, công ty đã đầu tư lắp đặt cụm tầng sôi để giảm độ ẩm của lúa vá làm sạch tạp chất bám vào vỏ lúa trước khi đưa vào tháp sấy lúa. Hệ thống dây chuyền từ xay lúa, xát trắng, lau bóng được đầu tư mới với các động cơ biến tần để điều chỉnh tốc độ, hạn chế dòng khởi động, nâng cao độ bền và giảm điện năng tiêu thụ. Đặc biệt là dây chuyền sản xuất viên trấu công suất 8 tấn/ giờ, không chỉ cho ra sản phẩm phục vụ hệ thống sấy lúa, cám, mà còn có thể bán ra thị trường. Việc sử dụng trấu làm nhiên liệu đã có hiệu quả rõ rệt.

 

 

 

Còn đối với ngành chế biến thủy sản, do công suất thiết kế đã vượt qui hoạch của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, nên từ nay đến năm 2015 sẽ không phát triển thêm nhà máy mới. Thay vào đó là tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao nâng suất, chất lượng, mà đặc biệt là thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng. Bởi lẽ ,ngành này hiện chiếm 1% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước. Ngoài ra, còn tiêu thụ hơn 2,2 triệu tấn dầu DO và hàng ngàn tấn dầu FO, gas và than đá. Song, trong giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay thì chính sách tiết kiệm năng lượng cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ phía nhà nước.

Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, tức MDEC Vĩnh Long 2013, Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long kết hợp với Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM tổ chức hội thảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành chế biến thủy sản và lúa gạo ĐBSCL. Các đại biểu đều cho rằng Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010; nghị định 21 qui định chi tiết về biện pháp thi hành ngày 29/ 3/ 2011 và nghị định 73 qui định xử phạt vi phạm hành chính, các thông tư của các bộ là hệ thống cơ sở pháp lý để cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Đây là một tất yếu khi loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng, khi nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt và đang tìm đến những nguồn năng lượng mới.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *