Bên bờ hạnh phúc

Nữ thần sống của Nepal hay còn được gọi là Kumari đã dẫn đầu đoàn diễu hành trong lễ hội truyền thống Indra Jatra bắt đầu vào ngày 22 tháng 9 vừa qua. Đây là lễ hội nổi tiếng của người Hindu  tại thủ đô Katmandu, lễ hội nhằm tưởng nhớ thần Indra trong Hindu giáo và cũng là dịp để đánh dấu thời điểm kết thúc vụ gieo trồng lúa.

 

Tại Nepal, Nữ thần sống được chọn từ gia đình Phật giáo của dòng họ Shakya, dòng họ có cùng đẳng cấp xuất thân với Đức Phật Thích Ca. Ảnh: Internet

 

Lễ hội bắt đầu khi các nhạc công và vũ công trình diễn những điệu múa truyền thống mô phỏng cuộc chiến với quỉ dữ, lũ quỉ bị đánh bại cho phép đoàn diễu hành hướng tới Quảng trường Basantapur Durbar. Tham dự lễ hội có Tổng thống Nepal Ram Baran Yadav, Thủ tướng tạm quyền Madhav Kumar và nhiều quan chức chính phủ khác. Các quan chức cấp cao có mặt tại khu vực ban công của cung điện hoàng gia để được Nữ thần Kumari ban phúc.

Cựu vương Gyanendra của Nepal đã không được phép tham dự sự kiện trọng đại này. Theo truyền thống, các quốc vương trước đây của Nepal luôn có mặt ở sân trong của cung điện Hanuman Dhoka để được Nữ thần Kumari ban phúc lành. Trong tiếng Phạn, Kumari có nghĩa là “Trinh nữ” và cũng là tên của nữ thần Durga khi còn bé.

Tại Nepal, Nữ thần sống được chọn từ gia đình Phật giáo của dòng họ Shakya, dòng họ có cùng đẳng cấp xuất thân với Đức Phật Thích Ca. Việc tuyển chọn được thực hiện theo những tiêu chuẩn cụ thể. Bé gái sau khi được chọn sẽ ở trong một căn phòng tối và không được phép khóc. Cô bé cũng không được có bất kì vết dơ bẩn nào trên da.

Theo truyền thống của Nepal, 1 bé gái sau khi được chọn làm nữ thần sống, phải cư ngụ trong ngôi đền, nhiệm vụ của Nữ thần sống là ban phúc lành cho các tín đồ. Khi đến tuổi dậy thì cô bé mới được phép quay về cuộc sống bình thường và vai trò Nữ thần sống được thay thế bởi 1 bé gái khác.

Sau khi trở thành 1 người bình thường, các Nữ thần sống được nhận tiền trợ cấp và phúc lợi hàng tháng. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền cho rằng việc tuyển chọn Nữ thần sống của Nepal là lạm dụng trẻ em. Trước cáo buộc đó, năm ngoái Tòa án Tối cao của quốc gia thuộc dãy Himalaya này đã yêu cầu chính phủ xem xét lại vấn đề. Ngay sau đó, chính quyền Nepal cho biết các chuyên gia văn hóa đang nghiên cứu về vấn đề này.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *