Bên bờ hạnh phúc

 Trong mười năm qua hoạt động sản xuất cá tra đã phát triển và xuất khẩu đến gần 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, với sản lượng nuôi tăng tăng gấp 50 lần, vượt ngưỡng 1 triệu tấn mỗi năm. Lẽ ra thành quả này đã giúp cho nghề nuôi cá tra xuất khẩu không ngừng phát triển, thu nhập của người nuôi không ngừng được nâng cao. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Vì sao và làm thế nào để có thể vực dậy hoạt động sản xuất này?

 

 

Từ nhiều năm qua, con cá tra ĐBSCL đã khẳng định được thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, đến nay việc sản xuất và chế biến – xuất khẩu sản phẩm này vẫn còn nhiều bất cập, khiến cho giá cả bấp bênh, sản xuất thua lỗ, người nuôi cá lao đao, phải ngưng nuôi, hoặc chuyển sang nuôi các loại cá khác. Cần có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, để vực dậy ngành kinh tế quan trọng này. 

Theo Tổng cục thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2013 ở ĐBSCL thả nuôi hơn 4300 ha cá tra, giảm 4,1 % so với cùng kỳ năm 2012. Một số địa phương trọng điểm có diện tích nuôi cá tra giảm nhiều như An giang còn 779 ha, giảm 18%; Cần thơ có 746 ha, giảm 5,1% … Riêng Vĩnh Long chỉ còn 380 ha, giảm trên 15%, số ao bị treo lên tới 40%

 Những ngày này đi đến các vùng nuôi cá tra thâm canh chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp không khí vắng lặng bao trùm các ao nuôi. Nhiều ao cá bị bỏ không, một số ao còn thả nuôi thì chủ ao chỉ cho ăn cầm chừng, vì cá chưa đến kỳ xuất bán. Nhất là giá cá trên thị trường vẫn chưa được cải thiện.

Theo các hộ nuôi cá tra, hiện nay giá cá thương phẩm được thu mua tại ao với giá từ  21000-22000 đồng/ kg. Trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào tăng, cụ thể thức ăn tăng 300-500 đồng/ kg, thuốc thú ý thủy sản tăng 10% … khiến cho giá thành 1kg cá tra đã lên đến từ 22000 đến 23000 đồng/ kg. Nên với giá cá thương phẩm như hiện tại thì người nuôi cá vẫn còn bị lỗ.

Đơn cử như  hộ ông Huỳnh Minh Cường, một hộ nuôi cá tra ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có một hầm cá tra với diện tích gần 1 ha vừa mới thu hoạch gần 1 tháng nay cho biết: ao cá của ông đạt sản lượng trên 300 tấn, chất lượng cá tốt;  nhưng chỉ bán được với giá 20000 đồng / kg, trừ chi phí bị lỗ trên 500 triệu đồng. Theo ông, nguyên nhân là do hiện nay giá cá tra trên thị trường quá thấp. Trong khi đó mọi chi phí đầu tư nuôi cá đều tăng cao, đẩy giá thành sản xuất lên cao hơn 1000 đồng so với giá bán 1kg cá thương phẩm.

Còn những người nuôi cá ở xã Chánh an, huyện Mang thít thì cho biết: suốt hơn 2 năm qua giá cá tra nguyên liệu hầu như lúc nào cũng thấp dưới giá thành khiến, họ bị thua lỗ liên tục. Bình quân mỗi kg cá bị lỗ từ 1000-2000 đồng/ kg. Thậm chí có lúc lỗ trên 3000 đồng/ kg. Qua nhiều đợt nuôi cá lỗ lã, người nuôi đã cạn vốn, nên nhiệu hộ buộc phải thu hẹp diện tích nuôi, hoặc bỏ nghề. 

Thật ra, những khó khăn của nghề nuôi cá tra xuất khẩu đã xuất hiện từ lâu, chứ không phải cho đến bây giờ. Bởi trước đây các chuyên gia kinh tế đã từng cảnh báo về tốc độ phát triển quá nhanh của nó, đã tạo ra sản lượng cá tra thương phẩm cung cấp  cho thị trường quá lớn, khiến cung vượt cầu. Bên cạnh đó các nhà máy chế biến cá tra cũng đua nhau ra đời ngày càng đông, bất chấp qui hoạch sao cho tương ứng với vùng nuôi… Điều đó tất yếu làm cho hoạt động nuôi  cá tra xuất khẩu rơi vào khủng khoảng. Hiện nay những lời cảnh báo đó đã trở thành hiện thực, làm cho nhiều người nuôi cá tra lâm vào cảnh khốn đốn.

Đã đến lúc cần phải  đề ra hướng phát triển bền vững cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá tra thời gian tới.  

Trước tiên là cần nuôi cá theo hướng chất lượng cao. Sản xuất theo qui hoạch,  quản lý theo hướng không tăng diện tích, sản lượng, mà tập trung đầu tư vào nâng cao chất lượng, để nâng cao giá trị sản phẩm. Và sản xuất tuyệt đối phải theo nhu cầu của thị trường, để tránh hiện tượng nuôi  cá tràn lan, làm dư  thừa sản phẩm, dẫn đến mất cân đối cung cầu.  Bên cạnh đó, người nuôi cần biết áp dụng  kỹ thuật  tiến bộ, như nuôi với mật độ vừa phải, xây dựng vùng nuôi  tốt,  đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra.

Mặt khác, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cũng nhằm để giảm chi phí sản xuất. Trong đó biện pháp cho cá ăn gián đoạn đã được nhiều hộ nuôi cá tra áp dụng đạt kết quả cao. Bởi nó giúp hạn chế được một lượng lớn thức ăn phải tiêu tốn, nhưng vẫn đảm bảo cho cá phát triển tốt, tăng trọng bình thường. Đồng thời cách cho ăn này còn khắc phục được tình trạng dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nước trong ao nuôi, giúp giảm được chi phí thuốc trị bệnh cá, và hóa chất xử lý ao nuôi. Cụ thể là với giá thức ăn như hiện nay, thì  kỹ thuật cho cá ăn gián đoạn sẽ giúp hạ giá thành sản xuất từ  2000 đến 3000 đồng/ kg cá. 

 

Ngoài ra, để phát triển bền vững nghề nuôi cá tra trong thời gian tới, còn cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà nuôi cá, nhà máy sản xuất thức ăn, và nhà máy chế biến – xuất khẩu, để cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận trong chuỗi sản xuất. Đồng thời cần tăng cường kiểm soát chất lượng con giống; sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia về quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh cá tra; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thức ăn, thuốc thú y thủy sản; có chính sách hổ trợ vốn với lãi suất ưu đãi để người nuôi cá có nguồn vốn tiếp tục tái sản xuất.

Một vấn đề cũng cần được đặt ra là thiết lập giá sàn cho cá tra, nhằm đối phó với tình trạng doanh nghiệp hạ giá thu mua cá ở hộ nuôi, và tùy tiện giảm giá khi bán sản phẩm cá tra ra thị trường nước ngoài. Kết hợp xây dựng thương hiệu với xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và đàm phán để các thị trường công nhận tiêu chuẩn của VN. Việc chào hàng, định giá bán phải được quản lý thống nhất. Cuối cùng là phải kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng cá tra trước khi xuất khẩu, Nếu doanh nghiệp nào chế biến sản phẩm kém chất lượng, làm ăn gian dối, cạnh tranh không lành mạnh … sẽ bị xử lý thích đáng để tránh ảnh hưởng uy tín của cá tra VN trên trường  quốc tế .

Đưa nghề nuôi cá tra xuất khẩu phát triển ổn định là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay, nhưng tất nhiên là phải có thời gian và lộ trình thích hợp. Còn trước mắt, để kịp thời giải cứu ngành này, Nhà nước, ngành nông nghiệp và Hiệp hội nghề cá cần đặc biệt quan tâm đến việc chấn chỉnh lại hoạt động nuôi cá và chế biến xuất khẩu; tổ chức lại sản xuất nhằm cân đối cung cầu, đảm bảo cho tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị cá tra đều có thể sống được với nghề.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *