Bên bờ hạnh phúc

Trời sang thu, cánh đồng lúa chỉ còn trơ gốc rạ cũng là lúc những đàn cò trắng ở khắp nơi bay về miền Trung trú ngụ. Đây là mùa làm ăn của những thợ săn cò để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu.

Sau khi thu hoạch lúa, những nông dân các huyện Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Yên Thành (Nghệ An), Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lại ra đồng dựng lán đánh cò.

Mỗi bãi có hàng trăm con cò giả, làm bằng xốp trắng và hàng nghìn que tre được dán nhựa có độ kết dính cao được cắm chi chít. Ở giữa là một vài cò mồi được cột chặt chân và nối bởi một sợi dây dài. Cạnh đó, thợ săn làm một cái chòi được ngụy trang bằng các loại lá cây sao cho khi ngồi ở trong đàn cò sẽ không phát hiện. Làm xong lán, thợ săn chỉ việc ngồi chờ cò bay đến.

“Trông thấy bãi cò xốp, những con đang bay trên trời sẽ tưởng là đồng loại đang kiếm ăn, chúng sẽ xà xuống và lập tức bị dính chặt vào những que tre có phủ một lớp keo, đố có con nào thoát được”, vừa gỡ chú cò dính bẫy, cậu bé Nam vừa kể về những công đoạn săn cò.

Nam cho biết, ở cánh đồng của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) hiện có khoảng 40-50 điểm bẫy cò bằng hình thức này. Những ngày cao điểm, người làm lán như Nam bẫy được vài trăm con cò, ngày ít thì dăm ba chục con.

Một hình thức diệt cò khác được người dân xứ Nghệ sử dụng là bẫy cò bằng tiếng loa cassette. Cũng dựng lên những chú cò xốp, cũng cắm que phủ lớp keo và dùng một vài cò mồi, những thợ săn không cần dựng lán mà chỉ cần sắm chiếc đài cassette gắn chiếc loa thật kêu, mua chiếc băng đã ghi âm sẵn tiếng kêu của cò rồi bật lên. Khi đàn cò đang bay, nghe tiếng kêu của đồng loại từ chiếc loa, lại thấy bãi cò xốp và cò mồi vẫy cánh liền sà xuống và mắc bẫy…

Mùa nào chim ấy, những thợ săn chuyên nghiệp luôn có sẵn băng ghi lại tiếng kêu của các loại chim để đánh bẫy. Nếu gặp cuốc, gà nước, trích, cà cà… họ không cần đến bẫy cò mà dùng lưới giăng sẵn ở những nơi chim có thể sà xuống để đánh bẫy. “Những đàn chim di trú thường đã bay mỏi cánh, lại chưa quen với vùng đất mới nên khi nghe tiếng kêu của đồng loại thường dễ dàng đáp xuống để tìm bạn”, anh Hồ Bá Đức, một thợ chim ở huyện Quỳnh Lưu cho biết.

Anh Đức cho hay, thời tiết sang thu, cò bay về nhiều nên chỉ tập trung săn cò. Những đàn dính bẫy sẽ được cho vào lồng hoặc bao tải rồi bán lại cho tiểu thương với giá 15-20 nghìn đồng một con. Từ những đầu mối này, cò tỏa đi khắp các khu chợ, quán ăn, nhà hàng ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Sau khi được vặt lông, thui qua than nướng, cò sẽ được đầu bếp làm các món như xào sả ớt, chiên giòn, rô ti, nấu giả cầy, băm nhỏ rán lá lốt… Các món này được dân nhậu rất thích, đặc biệt vào những ngày mùa thu, tiết trời mát mẻ.

Nhìn cách tận diệt chim cò cũng như kỹ nghệ chế biến các món ăn từ cò trắng, nhiều cụ già ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thở dài ngao ngán: “Với cách săn cò làm món ăn như hiện nay, sợ rằng dăm năm nữa, những cánh cò trắng sẽ chỉ còn trong ca dao mà thôi”.

Sau mùa gặt, các cánh đồng ở huyện Nghệ An, Hà Tĩnh tràn ngập những bãi đánh cò.
Ở mỗi bãi đánh, thợ săn dựng hàng trăm cò giả làm bằng xốp trắng được gọt đẽo như cò thật.
Và hàng nghìn que tre được phủ kín bởi một lớp keo.
Giữa những bãi cò gỗ là những con cò mồi được cột chân bằng một sợi dây hoặc cột vào chiếc sào.
Khi thấy đàn cò, thợ săn sẽ chui vào lán, một tay cầm sào giật cò mồi trên nóc lán, tay kia giật dây để các con cò mồi trong bãi vẫy cánh dụ đồng loại sà xuống.
Những con cò tội nghiệp dễ dàng dính bẫy.
… và trở thành mồi nhậu
Cò được thợ săn bán cho tiểu thương với giá 15-20 nghìn đồng một con.
Các tiểu thương mang cò tới các chợ để tiêu thụ.

Theo VnExpress
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *