Bên bờ hạnh phúc

Ðể nâng cao giá trị kinh tế cho nhà vườn, nâng cao chất lượng trái cây, tiến tới vào các thị trường cao cấp, tỉnh Vĩnh Long chú trọng xây dựng lại các thương hiệu trái cây nổi tiếng. Trong đó bao gồm quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái tập trung; đẩy mạnh thực hiện chương trình VietGap, Global Gap; nhất là xây dựng thương hiệu cho một số loại trái cây đặc sản từng là thế mạnh của địa phương.

 

 

 

Vĩnh Long là tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn thứ hai ở ĐBSCL. Nhờ  có lợi thế về thổ nhưỡng, nằm giữa vùng đất phù sa của sông Tiền và sông Hậu nên cây ăn trái ở Vĩnh Long nổi tiếng ngon về chất lượng, đẹp về mẫu mã và đa dạng về chủng loại. Hiện toàn tỉnh có khoảng 47.700 ha cây lâu năm. Trong đó diện tích cây ăn trái gần 40 ngàn ha. Sản lượng trái cây của Vĩnh Long hàng năm gần 400 ngàn tấn. Nhiều loại trái cây nổi tiếng nhờ chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, được thị trường trong nước ưa chuộng như cam sành, bưởi 5 roi.

Cuối tháng 7 vừa qua, Ban tổ chức chương trình khảo sát thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013 cấp chứng thư thẩm định nhãn hiệu bưởi 5 roi Mỹ Hòa, Bình Minh vào top 10 và cam sành Tam Bình trong top 50 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng. Đây được xem như là sự tái chứng nhận thương hiệu hai loại trái cây ngon nổi tiếng của Vĩnh Long sau một thời gian dài gián đoạn. Bởi lẽ bưởi 5 roi từng được một doanh nghiệp ở TX. Bình Minh xây dựng thương hiệu riêng, thiết lập trang web để quảng bá từ năm 2002 nhưng nay không còn phát huy hiệu quả. Mối liên kết nông dân, doanh nghiệp và nhà nước tuy được đề cập từ lâu nhưng vẫn còn nhiều trở ngại để xây dựng một thương hiệu bền vững cho trái bưởi 5 roi. 

 Điều này thể hiện rõ bưởi 5 roi Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh từng được chứng nhận Global GAP vào tháng 9/ 2008, với sự tài trợ 40 ngàn đôla Mỹtừ dự án “Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng hoá tại Việt Nam” do Bộ thương mại, nay là Bộ công thương và Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức, gọi tắt là GTZ và công ty Metro Cash & Cary Việt Nam cùng tổ chức. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, không một đơn vị nào bỏ ra khoản chi phí để tái cấp chứng nhận Global GAP này. Nguyên nhân là do chi phí cao trong khi doanh nghiệp chưa thấy hiệu quả từ việc đầu tư này. Từ đó thương hiệu của loại trái cây có múi đặc sản này sa sút. Thêm vào đó là tình trạng sâu bệnh trên cây bưởi ngày càng phổ biến, giá bán có lúc sụt giảm đã khiến cho các nhà vườn giảm đầu tư chăm sóc. Tuy vậy, đa số nhà vườn đã sản xuất theo qui trình GAP trước đây đều nhận thấy lợi ích của việc này và xem đây là giải pháp để nâng cao uy tín và chất lượng bưởi 5 roi Bình Minh. 

 Tín hiệu đáng mừng là mới đây HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi 5 roi Mỹ Hòa vừa được củng cố lại. Ban chủ nhiệm HTX cũng đang xúc tiến những thủ tục cần thiết tiến tới đề nghị tái cấp giấy chứng nhận Global GAP. Đây sẽ là giấy thông hành để đưa trái bưởi 5 roi Bình Minh xuất khẩu sang châu Âu. Theo HTX thì chỉ riêng thị trường nôi địa, mục tiêu đề ra là sẽ cung ứng cho thị trường 100 tấn bưởi/ tháng. Tuy nhiên, do khả năng tài chính còn hạn chế nên hiện chỉ mới đáp ứng 30% và cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ ngành chức năng cũng như chính quyền. 

Đối với cam sành Tam Bình, việc tái chứng nhận thương hiệu đã mở ra thị trường tiêu thụ triển vọng không những trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Cam sành Tam Bình có đặc điểm là trái to, trọng lượng từ 300-400g/quả, vỏ sần sùi có màu xanh đậm, nước nhiều và có vị ngọt nên được thị trường ưa chuộng. Trước đây do nhà vườn trồng cam tự phát, đầu tư giống chưa đạt nên vườn cam bị nhiễm bệnh vàng lá nên năng suất giảm, chất lượng không ổn định. Thêm vào đó là tin đồn cam Trung Quốc đội lốt cam Tam Bình đã ảnh hưởng đến giá cả, thương hiệu và thị trường tiêu thụ của loại trái cây đặc sản này. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà vườn đã được trang bị kiến thức kỹ thuật cao hơn bắt đầu quay lại với cây cam nhờ có đầu ra và giá cả ổn định.

 

 

 

 

Để khôi phục lại thương hiệu, nâng cao chất lượng cam sành Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long kết hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện dự án Jica trồng cam Tam Bình trên diện tích hơn 20 ha với 36 nhà vườn tham gia. Theo đó, nhà vườn tham gia Dự án được đầu tư cây giống chất lượng cao, được tư vấn hướng dẫn kỹ thuật trồng thưa xen canh với cây ổi không hạt, sử dụng phân, thuốc hợp lý để đảm bảo năng suất và chất lượng ổn định. Thay vì mở rộng  diện tích ồ ạt, nay ngành nông nghiệp huyện chủ trương duy trì diện tích xấp xỉ 2 ngàn ha để quản lý tốt chất lượng. Để duy trì thương hiệu cam sành Tam Bình, địa phương bàn giao thương hiệu cam sành Tam Bình cho một Hợp tác xã thương mại của địa phương. Qua đó tổ chức mạng lưới điểm thu mua tại các xã. Về lâu dài là đầu tư kho trữ và công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị thương hiệu, hướng đến xuất khẩu. 

Hiện tỉnh Vĩnh Long tập trung nguồn lực nhằm xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho trái cây. Những thị trường được nhắm đến là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore…Trong kế hoạch năm 2013, ngành nông nghiệp tỉnh xác định việc xây dựng thương hiệu cho cây ăn trái là một trong những mục tiêu quan trọng. Theo đó, Sở nông nghiệp và PTNT Vĩnh Longđề ra kế hoạch phát triển thâm canh vườn cây lâu năm, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân để đầu tư thâm canh phát triển bưởi Năm Roi, cam sành, chôm chôm và tiếp tục phát triển các chủng loại cây ăn trái khác như sầu riêng, thanh long…

 

 

Cả nước hiện có trên 776 ngàn ha cây ăn trái, trong đó riêng các tỉnh, thành phía Nam trên 460 ngàn ha. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 407 triệu đôla Mỹ, thì năm 2012 đạt 800 triệu đôla Mỹ và dự kiến trong năm 2013 sẽ đạt 960 triệu đôla Mỹ. Tuy nhiên, cả vùng Nam Bộ số lượng trái cây có đăng ký thương hiệu chưa nhiều và chưa ổn định nguồn cung cho thị trường. Vì vậy, theo Hiệp hội trái cây VN thì mục tiêu thời gian tới là sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển thêm 30 thương hiệu trái cây để nâng sức cạnh tranh với trái cây các nước trên thị trường xuất khẩu. Để làm được điều này thì phải có sự nỗ lực chung giữa hai đối tác chính là nông dân và doanh nghiệp. Quan trọng là bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, yếu tố quan trọng đề liên kết bền vững.

Để trái cây ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng hướng đến xuất khẩu cần nhất là có thương hiệu. Ngoài sự tích cực của các bên liên quan trực tiếp là nông dân và doanh nghiệp thì sự tham gia của các ngành chức năng là quan trọng. Trong đó bao gồm xây dựng các chính sách ưu đãi trong sản xuất, bảo quản, chế biến và xúc tiến thương mại. Qua đó nâng dần trình độ sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gia tăng giá trị cây ăn trái và bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định. Hoạt động xúc tiến thương mại sau khi xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý là cần thiết nhằm đưa các sản phẩm trái cây chủ lực củatỉnh Vĩnh Long thâm nhập thành công và có uy tín trên thị trường thế giới.

Quốc Dũng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *