Bên bờ hạnh phúc

Hiện nay các trà lúa Thu Đông ở ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là do diễn biến thời tiết có chiều hướng bất lợi, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng dịch hại phát triển, mà nếu không có biện pháp phòng trị hữu hiệu thì sẽ ảnh hưởng không ít đến năng suất lúa. Do đó, làm thế nào để cây lúa an toàn và phát triển tốt là vấn đề đang được ngành nông nghiệp và bà con nông dân rất quan tâm.

 

 

Vụ Thu-Đông năm nay, dự kiến các tỉnh ở ĐBSCL sẽ sản xuất khỏang 800 ngàn ha. Riêng trong tháng 6 sẽ xuống giống khoảng 200 ngàn ha, tháng 7 -400 ngàn ha, và tháng 8 – 200 ngàn ha. Đến nay toàn vùng đã xuống giống được gần 600 ngàn ha, đạt trên 75% so với kế hoạch. Riêng tỉnh Vĩnh Long đã xuống giống trên 58 ngàn ha, đạt gần 112 % so với kế hoạch . Nếu so với lịch thời vụ chung của khu vực ĐBSCL, thì Vĩnh Long là địa phương xuống giống vụ lúa Thu – Đông khá sớm. Hiện cả tỉnh có gần 8000 ha lúa đang ở thời kỳ đẻ nhánh, và khoảng 48000 ha đang ở thời kỳ đòng trổ đến chín, trong đó có gần 20000 ha ở giai đọan vào chắc xanh.  

Theo bà con nông dân, việc sản xuất vụ Thu – Đông  năm nay được tiến hành sớm hơn mọi năm trước tiên là nhằm đảm bảo khi thu hoạch sẽ tránh được lũ, sau đó lại có thời gian để xả lũ, cho phù sa vào đồng ruộng trước khi sản xuất vụ đông xuân. Do đó khâu dọn đất, vệ sinh đồng ruộng đã không được thực hiện kỹ, khiến cho xác bã rơm rạ vùi trong đất không có đủ thời gian phân hủy, nên hiện tượng ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ đã xảy ra khá phổ biến, làm ảnh hưởng không ít đến sự sinh trưởng cua cây lúa ở giai đoạn đầu.

Còn về cuối vụ thì  thời tiết lại diễn biến khá phức tạp, tạo điều kiện  thuận lợi  cho nhiều đối tượng dịch hại xuất hiện, gây thiệt hại đáng kể trên lúa Thu – Đông  , nhất là các trà lúa trong giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ.

Theo thống kê của Chi cục BVTV Vĩnh Long thì hiện tại trên đồng có trên 7.100ha lúa bị nhiễm các loại sâu bệnh với tỷ lệ từ nhẹ đến trung bình. Trong đó có các đối tượng phổ biến là rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié, bệnh vàng lá vi khuẩn, cháy bìa la, đạo ôn, đốm vằn,…

Trong đó diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu gần 500ha, với mật số từ 500 đến 800 con/m2.  Hiện rầy ngoài đồng phổ biến là rầy cám từ tuổi 1 đến tuổi 2, xuất hiện trên các trà lúa từ đẻ nhánh đến đòng trổ.

Bên cạnh rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié cũng là đối tượng dịch hại nguy hiểm mà bà con nông dân cũng rất quan tâm. Do chúng có khả năng làm cho lúa bị giảm năng suất và phẩm chất vì  hạt bị lép lững. Do kích thước của nhện gié rất nhỏ, khó phát hiện, nên bà con nông dân chỉ có thể áp dụng biện pháp phun ngừa là chính, mà chỉ có những loại thuốc đặc trị nhện, có khả năng thấm sâu vào bẹ lá lúa mới có thể phòng trừ nhện gié đạt hiệu quả.

Ngoài các loại côn trùng, thì các đối tượng bệnh hại cũng đã xuất hiện không ít trên các trà lúa Thu – Đông  ở Vĩnh Long. Trong đó, phổ biến nhất là bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá, vàng lá vi khuẩn, lép vàng. Theo Chi cục bảo vệ thực vật Vĩnh Long, tuần qua có gần 2000ha lúa Thu đông trong giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ của tỉnh bị nhiễm bệnh đạo ôn, với tỷ lệ từ 5 đến 10%, nơi cao 20%, chủ yếu là ở những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm. Và theo dự báo thì bệnh đạo ôn còn có xu hướng tiếp tục phát triển mạnh, do vậy  bà con nông dân cần phải hết sức cảnh giác, và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời không cho bệnh phát triển và lây lan trên diện rộng.

 Bên cạnh, vụ Thu-Đông cũng là thời điểm có nhiều điều kiện thuận lợi cho bệnh cháy bìa lá phát triển và gây hại cho cây lúa. Do vậy bà con nông cần phải luôn cảnh giác, tranh để chúng lây lan ra diện rộng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và phẩm chất hạt lúa.

 Để ngăn ngừa các đối tượng dịch hại đạt hiệu quả cao, bà con nông dân cần thực hiện phương châm phòng bệnh là chính , bằng cách tăng  cường  kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại và xử lý kịp thời, không để bị  lúa nhiễm nặng và lây lan trên diện rộng.

 

 

 

Trong vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, bà con nông dân cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 4 đúng. Đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các loại thuốc có gốc lân hữu cơ phổ rộng, hoặc gốc cúc tổng hợp trừ sâu ăn lá trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, nhằm bảo vệ thiên địch, tránh rầy nâu bộc phát ở giai đoạn cuối vụ. Thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trừ  bệnh cháy bìa lá kịp thời trong giai đoạn lúa sắp làm đòng.

Để đảm bảo cho vụ lúa Thu – Đông  năm 2013 kết thúc thắng lợi, hiện ngành Bảo vệ thực vật Vĩnh Long đang tăng cường cán bộ kỹ thuật theo dõi diễn biến của tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời. Khuyến cáo  các địa phương và bà con nông dân triển khai thực hiện các biện pháp tổng hợp từ khâu chăm sóc, phát hiện và phòng trừ sớm sâu bệnh. Đồng thời  bà con cũng cần chú ý tăng cường sử dụng phân lân và kali để giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất lợi của thời tiết.      

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *