Bên bờ hạnh phúc

Hoài bão lớn nhất của Bác Hồ là nước Việt Nam độc lập, tự do và thống nhất. Khi Bắc Nam vẫn chưa thể sum họp một nhà, lòng Người day dứt khôn nguôi. Bác thương “miền Nam đi trước về sau”, “miền Nam thành đồng Tổ quốc”. Tình thương yêu bao la Bác dành cho tất cả mọi người, nhưng riêng với miền Nam thì đó là tình cảm rất đặc biệt.

 

 

Bác từng nói : “Mình sinh ra ở xứ Nghệ An, ra đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng, Qua Pháp, qua Anh, qua Mỹ, các nước châu Phi, đến Liên Xô rồi Trung Quốc, thế mà đến nay mới vào đến Đồng Hới, chứ chưa được vào tới miền Nam… Quê mình thật sự trải dài cả đất nước. Ở những nơi như Phan Thiết, Sài Gòn… trước lúc ra nước ngoài mình đã từng sống và từng đi đến nơi. Nhưng nay về nước đã bao năm rồi mà mình vẫn chưa về đến chốn… Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi khổ của tôi…

Bác yêu cầu các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mỗi ngày báo tin 2 lần về tình hình chiến đấu của quân dân miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968. Bác tha thiết được vào thăm miền Nam trước khi quân ta mở màn đợt 3 cuộc tổng tấn công. Bác ra sức luyện tập thể dục hàng ngày để chuẩn bị sức khỏe cho chuyến đi thăm ấy.

 Cuối tháng 1 năm 1968, Bác liên tiếp nhận được tin chiến thắng ở miền Nam. Bác nói : “…Sức khỏe ngày càng yếu, khó mà chờ đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Muốn vào sớm cho yên lòng, giữ được trọn vẹn với miền Nam… Tôi muốn vào là vào lúc này, chứ thắng giặc Mỹ mới vào thì còn nói làm gì…” 

 Những ngày cuối đời, dù đang phải chống chọi với nỗi đau bệnh tật, mỗi khi tỉnh lại, Người vẫn luôn hỏi về tình hình chiến sự miền Nam – “Hôm nay miền Nam đánh thắng những đâu?”. Phút lâm chung, Người xin uống một ngụm nước dừa từ cây dừa miền Nam gửi tặng được trồng trước sàn nhà. Người muốn mang theo nỗi thương nhớ miền Nam cùng đi vào cõi vĩnh hằng.

  Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Bác ra đi khi miền Nam chưa được giải phóng. Biến đau thương thành hành động cách mạng, lời căn dặn trong bản Di chúc lịch sử của Người trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ cả nước. “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định sẽ rút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. 

 Ngày 29 tháng 9 năm 1969, Bộ chính trị TW Đảng lao động Việt Nam ra chỉ thị “…Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân học tập và làm theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho mọi người thấy rõ hơn công lao và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng thế giới, thấy rõ hơn phẩm chất Cách mạng cao đẹp trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó tăng thêm lòng tự hào phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm vươn lên, tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện bằng được di chúc của Người…” 

Đây cũng là khoảng thời gian cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn. Nhưng di ngôn của Bác là sức mạnh để quân dân miền Nam kiên cường trong suốt hành trình chiến đấu và chiến thắng. 

Ở chốn địa ngục trần gian- nhà tù Côn Đảo, hình ảnh và lời dạy của Bác luôn là điểm tựa, là niềm tin vững chắc để hàng trăm ngàn cán bộ chiến sĩ Cách mạng của ta kiên trì theo đuổi lý tưởng Cách mạng mà Bác đã soi đường, chỉ lối.

 Đầu xuân 1975, ở chiến trường Vĩnh Long, lực lượng cách mạng không ngừng lớn mạnh. Trung đoàn 3 phối hợp cùng địa phương quân mở cuộc tấn công tiêu diệt  yếu khu Thầy Phó, loại khỏi vòng chiến đấu 2 tiểu đoàn địch, thu giữ nhiều vũ khí…

Ngày 30- 4-1975, với khí thế tiến công của quân dân miền Nam, đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng thị xã Vĩnh Long . Cờ đỏ tung bay trên khắp các nẻo đường. Vĩnh Long giải phóng, miền Nam giải phóng. Bắc Nam sum họp một nhà, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đi lên chủ nghĩa xã hội. Quân dân Vĩnh Long tự hào đã góp phần xứng đáng để hoàn thành di nguyện của Bác Hồ.

Trong quá trình gian khổ ấy, lịch sử đã ghi lại không biết bao nhiêu tấm gương cán bộ chiến sĩ Cách mạng miền Nam dũng cảm kiên trung trong chiến đấu bằng sự trung thành tuyệt đối làm theo lời dạy và mong ước của Người, trung thành với lý tưởng mà Người đã vạch ra… 

44 năm Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng, nhớ thương và yêu kính Bác, nhiều người tổ chức cúng giỗ Bác hàng năm.

 Ở xã Đông Thạnh thị xã Bình Minh ,có nhiều người mỗi năm đến ngày 2 tháng 9 cùng nhau làm giỗ Bác Hồ. Các cô chú, anh chị, quyết tâm sống tốt, xứng đáng là con cháu của Bác.

44 năm thực hiện di huấn của Bác về “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi cán bộ đảng viên, đoàn viên hội viên ra sức làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”, toàn Đảng đã phấn đấu tự đổi mới về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ, phấn đấu xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

 

Từ năm 2007, phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM” được khơi dậy mạnh mẽ với chỉ thị 06 đến chỉ thị 03 của Bộ chính trị. Qua gần 8 năm thực hiện 2 chỉ thị này, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã đề ra kế hoạch cụ thể những việc làm theo Bác phù hợp với công việc, hoàn cảnh của bản thân. Từ lãnh đạo đến nhân viên các cơ quan đơn vị, từ cán bộ đảng viên đến quần chúng nhân dân đều phấn đấu làm theo lời Bác.

Các công việc hàng ngày khi mang ý nghĩa “làm theo gương Bác” trở nên hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao và tình cảm sâu sắc dành cho Người.

Qua các chuyên đề hàng năm như : Thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, quan liêu ; Sửa đổi lề lối làm việc ; Hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân ; Xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh ; Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…; Học tập và làm theo Bác về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp… , nhận thức của cán bộ đảng viên được nâng lên, thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trau dồi đạo đức cách mạng, rèn luyện trở thành cán bộ đảng viên gương mẫu, công dân  trách nhiệm. 

Việc làm theo Bác đã góp phần xây dựng các chuẩn mực, quy chế tập thể, cá nhân, như ban hành quy định, quy chế về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ công chức đơn vị. Trong đó , có 4 chuẩn mực đối với tập thể, 6 chuẩn mực đạo đức lối sống của cán bộ công chức viên chức…, góp phần nâng cao nhận thức của từng cá nhân trong rèn luyện, phù hợp với cương vị, nhiệm vụ của mình, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. 

 Thực hiện nghị quyết 12 Hội nghị lần thứ IV ban chấp hành TW khóa XI, các cấp ủy Đảng từ trung ương đến địa phương đã nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống… xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo di nguyện của Bác.

Đảng cầm quyền theo lời căn dặn của Bác, đã và đang tiếp tục ra sức xây dựng, chỉnh đốn để củng cố niềm tin của dân với Đảng, để tiếp tục thực hiện thắng lợi sứ mệnh mà Bác đã giao phó trước lúc đi xa. 

 Đã 44 năm Bác ra đi, tình thương yêu bao la của Người dành cho Đảng, cho dân thể hiện trong Di chúc thiêng liêng vẫn lan tỏa mãi trong mỗi người dân Việt Nam, trở thành động lực tinh thần vô giá, dẫn dắt Đảng và toàn dân xây dựng thành công xã hội mới theo lý tưởng cao đẹp của Người ./.

 Hoàng Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *