Bên bờ hạnh phúc

Trên đường về các huyện thuộc vùng U Minh Hạ, Cà Mau như các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, huyện U Minh, ngoài những công trình mang dấu ấn công nghiệp như: tuyến lộ mở rộng Tắt Thủ- U Minh, công trình Khí- điện- đạm… chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngôi trường kiên cố dưới tán rừng tràm, biểu hiện sự thay đổi mạnh mẽ của miệt rừng Cà Mau.

 

 

Chỉ cách đây chừng 10 năm, người lạc quan nhất cũng khó có thể hình dung ra diện mạo hôm nay của những trường học trên vùng rừng U Minh…

Những thế hệ học sinh “quần buộc cổ, cơm nguội cầm tay” ở U Minh giờ đã trưởng thành, có nhiều người trở thành nhà giáo, lại đang dồn sức chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Cả một dãy đất rừng U Minh này, trước đây chỉ có một ngôi trường đặt ở Khánh Lâm. Có những học trò vùng U Minh, từng phải vượt qua hàng chục cây số đường rừng, vừa lội bộ, vừa bơi xuồng mới “gặp mặt” con chữ, nuôi ước mơ ăn học nên người. 

Giờ đây, chỉ trên một dòng kênh, thuộc ấp 14, xã Khánh Hòa, từ đầu đến cuối con kinh, khoảng 3.500 m với hơn một trăm gia đình, chưa kể mùa thi năm nay thì đã có trên 30 người tốt nghiệp đại học hoặc đang đến với giảng đường ở Cần Thơ, TPHCM và cả nước ngoài. Còn số người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp hoặc trung học phổ thông thì không thể nhớ hết. 

Năm 2003, anh Phạm Trung Triều là một trong số ít người đầu tiên chở cây lá ra cất chòi phía sau trường huyện cho con mình đi học. Hằng tuần vợ chồng anh chèo xuồng vượt hàng chục cây số ra thăm, chở theo nào gạo, nào chuối, nào dừa, nào cá mắm… Anh nói với con những điều đơn giản, đơn giản mà chí lý vô cùng: “Nếu không học hành đến nơi đến chốn thì chỉ có cách quay về cày sâu cuốc bẫm, mà đất của mẹ cha thì chỉ có bao nhiêu đó, nếu chia hết cho con cái thì mỗi đứa chỉ được vài công, tụi con sẽ nghèo từ đời này sang đời khác, chỉ có con đường học vấn là lối thoát duy nhất”.

 Năm 2007, cậu con trai lớn Phạm Trọng Hữu đậu vào Đại học Sư phạm Cần Thơ; anh Triều, một nông dân bình thường bỗng được cả xóm làng ngưỡng mộ và lấy đó làm gương để nuôi dạy con cái học hành. Bốn năm sau, cậu Hữu ra trường về làm giáo viên ở huyện thì những người con khác của anh cũng lần lượt đậu vào các trường đại học và trung cấp.

Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Dung ở ấp 8, xã Khánh Hội. Nếu như anh Triều là niềm tự hào của dòng họ Phạm ở xã Khánh Hòa thì chị Dung là niềm tự hào của dòng họ Nguyễn ở xã Khánh Hội. Năm 2002, chồng mất, chị bắt đầu cuộc sống tự lập bằng một nhánh me, gắn vào một mảnh lưới cũ để ra biển đẩy ruốc mang về làm mắm. Cứ được vài trăm ký thì chị mượn một chiếc xuồng của hàng xóm chèo đi bán tận Long Xuyên, Cao Lãnh, cách U Minh hàng trăm cây số. Năm tháng đi qua, chị tích cóp từng đồng vốn để nuôi heo, mua đất ruộng, năm công, mười công, rồi hai mươi công. Cực khổ thế , nhưng chị lại lấy chính cuộc đời mình ra để dạy cho con cái học hành.

Chuyện lo cho con học đại học làm cả ấp 8, xã Khánh Hội mất ăn mất ngủ đã xảy ra hồi năm 2000. Năm đó, ấp 8 có đến 11 em trúng tuyển đại học. Nhiều người chạy ra sân la lớn vì mừng. Rồi sau đó lại ngồi bên ngọn đèn dầu không ngủ được vì phải suy nghĩ tìm ra tiền cho con đi học đại học xa nhà.

Có một câu chuyện xảy ra đã vài năm nhưng người ở xóm biển xã Khánh Hội không quên. Em Phạm Thị Phương Trinh đậu vào trường đại học Cần thơ nhưng gia cảnh quá nghèo . Cha mẹ Phương Trinh cầm giấy báo trúng tuyển của con, khóc mướt: “Học bốn năm trời, làm sao nuôi nổi”. Nhờ Chi hội khuyến học vận động, mỗi người trong xóm tự nguyện cho gia đình em Trinh mượn chút ít , trả dần suốt mấy năm, giúp cô sinh viên miệt rừng thắp sáng niềm tin. Câu chuyện ấy được lan truyền sang các dòng họ khác, các xóm ấp khác, có giá trị gấp vạn lời rao giảng.

 

Ở nông thôn ngày nay, việc học thường là gánh nặng đối với những gia đình nghèo. Đã có nhiều trường hợp học sinh phải bỏ học vì cảnh gia đình thiếu trước hụt sau. Tuy nhiên, vẫn có không ít những tấm gương biết vượt lên số phận để theo đuổi ước mơ của mình

Hai chị em Thái Thị Ni, Thái Thị Diệu, con chị Lử Thị Phương, ở Ấp 2, xã Khánh Hòa, huyện U Minh là một tấm gương điển hình.

Thái Thị Ni đang là học sinh lớp 12 và Thái Thị Diệu học lớp 11 ở Trường THPT Khánh Lâm. Học chung trường, hằng ngày hai chị em Ni, Diệu cùng chở nhau trên chiếc xe đạp cũ, ngày hai bận đi về gần 30km. Đường xa nên hai chị em phải dậy từ 4h sáng để chuẩn bị và đi học lúc 5h. Có hôm trời mưa phải đi sớm hơn, bỏ áo dài vào cặp, tới nhà bạn gần trường mới thay vào, vì sợ bị ướt. Những hôm học  buổi chiều, hai chị em đem theo mì gói để ăn thay cho bữa trưa. Vì chỉ có một chiếc xe đạp, nên nếu Ni học buổi chiều thì Diệu cũng phải ở lại với chị để cùng về. Nhưng những lúc chờ chị là thời gian quý báu để Diệu xem lại bài vở, vì khi về  thì việc nhà thường chiếm hết quỹ thời gian của hai chị em. Khó khăn là thế , nhưng với sự nỗ lực và những lời động viên của cha mẹ nên từ cấp tiểu học đến giờ, hai chị em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và được nhận học bổng Trần Đại Nghĩa của Đài PT – TH Vĩnh Long.

Chuyện tìm chữ cho con ở vùng U Minh Hạ là lối mở  cho tương lai của thế hệ trẻ ở vùng quê hẻo lánh, xa xôi này. Lớp đàn anh ra trường có công ăn việc làm, tiếp tục nâng cao trình độ. Lớp sinh viên đang ngồi ghế nhà trường cố công học tập, phần lớn được nhận học bổng.

… Chứng kiến những em nhỏ tung tăng đến trường bằng xe đạp trên con đường tráng nhựa, ánh mắt hân hoan tiếp bước cho bằng chị, bằng anh đã đi xa từ mái trường làng nghèo khó ngày nào, chúng tôi tin rằng mai đây các em cũng sẽ nên người, viết nên những điểm sáng từ rừng U Minh.

Trường THPT Khánh Lâm, một ngôi trường thuộc huyện U Minh, nhưng có nhiều thành tích đạo tạo học sinh giỏi quốc gia và cấp tỉnh..

Trong những lớp học của vùng U Minh trước đây, chuyện học sinh hơn kém nhau chục tuổi là bình thường. Có những học sinh cấp  một không chịu đi học chỉ vì… mắc cỡ. Đời sống của giáo viên cũng đầy những chuyện “cười ra nước mắt”.

Sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước đã tạo nên “cú hích” cho ngành giáo dục U Minh. Những con đường xẻ rừng, nối gần thêm khát vọng đến trường . Những ngôi trường mới trên đất rừng ngày nào, đang mang lại sắc màu tươi sáng của tương lai.

U Minh bây giờ, có đến 2/3 giáo viên chính là con em địa phương, trở lại nối tiếp sự nghiệp trồng người. Dưới những tán rừng, chuyện chăm lo cho con em học hành đã trở thành thói quen, nếp nghĩ, kể cả trong những mái lá nghèo. Người U Minh, đặt niềm tin vào lớp trẻ, vẫn đang ngày đêm vượt qua gian nan cuộc sống, quyết lòng tìm chữ cho con…Hình ảnh các bậc làm cha, làm mẹ tảo tần lo cho con mình vào giảng đường đại học, những ngôi trường khang trang giữa vùng U Minh là những hình ảnh mang lại nhiều cảm xúc khó quên. Dù sống trong điều kiện  kinh tế hết sức khó khăn, nhưng người dân miệt rừng U Minh luôn khát khao tri thức và họ đặt nhiều niềm tin vào thế hệ mai sau. Chắc chắn rằng trong tương lai không xa, vùng đất U Minh sẽ còn thay đổi lớn lao hơn.

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *