Bên bờ hạnh phúc

Nông dân ở nhiều tỉnh, đặc biệt là Bến Tre – địa phương có diện tích trồng ca cao nhiều nhất, đã chặt bỏ hàng loạt cây ca cao trồng xen vườn dừa do giá thấp và chuyển qua trồng bưởi da xanh hay chanh, khi cây đang vào giai đoạn cho năng suất cao.

Điều đó khiến không ít người thấy vừa tiếc vừa thương nông dân. Không những thế, thời gian qua ở một số địa phương, nhiều người đã chặt bỏ cây mít ta để trồng mít Thái với hy vọng tăng thu nhập…



 

 

Điệp khúc trồng – chặt

Thực tế cho thấy, không có mặt hàng nông sản nào ổn định, ngược lại luôn biến động. Trong đó, sự biến động này có phần không nhỏ của chính người nông dân khi không ít bà con đổ xô trồng hay nuôi một loại cây con nào đó, tạo thành một hiện tượng nhất thời, một phong trào “sớm nở, tối tàn” hơn là có sự nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ.

Thông thường mặt hàng mới còn khan hiếm, thị trường tiêu thụ còn lớn nên giá cao, nhưng khi nhà nhà cùng trồng dẫn đến dư thừa, giá sụt giảm mạnh là bài học không mới của ngành nông nghiệp, như phong trào nuôi nhím, heo rừng… Chỉ những người đi đầu hưởng lợi nhờ bán cây, con giống giá cao. 

Trong trường hợp cây ca cao, mặc dù Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Bến Tre đã khẳng định về lâu dài ca cao trồng xen vườn dừa vẫn là mô hình bền vững, nhưng không thể ngăn được việc chặt bỏ cả ngàn ha ca cao. Vấn đề ở đây là bà con phải tuân thủ quy trình chăm sóc để cây ca cao có thể cho năng suất cao nhất, cũng như có biện pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến năng suất vườn dừa.

Điều quan trọng là người trồng cần kiên nhẫn, bình tĩnh và chịu khó ủ chua trái ca cao để nâng cao giá trị sản phẩm thay vì chỉ bán hạt thô. Việc vội vàng chặt và chuyển qua trồng bưởi da xanh luôn ẩn chứa những bất cập, bởi không phải vùng nào của Bến Tre cũng phù hợp với cây có múi do điều kiện thổ nhưỡng.

Vì vậy, không thể thấy người ta “ăn khoai” mình cũng “vác mai đi đào”. Bài học chặt tràm, trồng lúa rồi bỏ lúa trồng tràm, hay chặt mía trồng lúa rồi quay lại trồng mía; nhiều trang trại vùng Đông Nam bộ đã từng có bài học chua cay khi đồng loạt chặt bỏ cao su trồng cây ăn trái cuối thập niên 1990, nhưng sau đó phải đốn bỏ cây ăn trái trở lại trồng cao su.

Ồ ạt trồng mít Thái

Thời gian qua nhiều nhà vườn ở khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long chuyển qua trồng mít Thái Lan. Đây là giống mít siêu sớm so với mít ta (mít nghệ, mít dừa) và có múi to, ít mủ, ít xơ, khi chín da chậm đổi màu. Đó là những ưu điểm mà mít ta chưa thể sánh bằng nên người tiêu dùng thích ăn và nhờ đó mít Thái bán được giá cao, tạo ra phong trào trồng mít Thái.

Nhưng mít Thái chỉ là cách nói chung chung, mít Thái được bán ở các nhà vườn có nhiều giống và chất lượng không giống nhau. Điều lo ngại là do người trồng bị tác động bởi tâm lý đám đông, nên đổ xô tìm giống mít Thái để trồng, không mua giống mít ta, đặc biệt là mít nghệ, loại đặc sản của nước ta, rất ngon, nhất là khi chế biến.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit cho biết, trước đây ông cùng một người bạn cũng là doanh nhân ở Đồng Nai từng đi Thái Lan nhiều lần, đến rất nhiều nhà vườn để tìm giống mít Thái phù hợp với mít ta để dùng làm giống cho việc cung cấp nguyên liệu chế biến, nhưng cũng chỉ tìm được một giống mà khi về Việt Nam được lai tạo và đặt tên là giống Viên Linh, hiện được trồng nhiều ở vùng Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, sau đó lan rộng sang các tỉnh khác ở Đông Nam bộ.

Nhưng giống này cũng không thể thay thế được giống mít nghệ của Việt Nam khi chế biến, do Thái Lan lai tạo các giống mít với mục đích để ăn tươi và đóng hộp, trong khi ở Việt Nam, ngoài ăn tươi khoảng 10%, còn lại 90% để sấy và trở thành loại thức ăn nhanh hợp thời nhờ hương vị tự nhiên từ mít ta, mà mít Thái không thể bằng.

Điều quan ngại của nhà chế biến mít trong nước là hiện nay vùng nguyên liệu mít tập trung ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên, tỷ lệ mít Thái có xu hướng tăng nhanh hơn, gần ngang bằng về diện tích. Lý giải về điều này là do ngoài ăn tươi trong nước, mít Thái cũng được người Trung Quốc ưa chuộng nhờ những ưu thế kể trên.

Hiện nay, Long Khánh gần như là vựa tập trung mít để vận chuyển đi Trung Quốc mỗi ngày hàng chục container. Vì vậy, giá mít trong nước bị biến động tùy vào thị trường này ăn hàng ra sao. Sự lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường luôn tiềm ẩn những nguy cơ mà người trồng mít không thể hiểu, trong khi những người am hiểu thì lại không thể làm gì được.

Điều mà bà con không hiểu là mít Thái do không có lớp lụa bọc múi nên khi đưa vào sấy, mít Thái nhanh chóng mất vị ngọt, cứng và nhạt màu. Nếu thu hoạch vào mùa mưa, mít Thái ngậm nước nên vị càng nhạt.

Theo SGGP.org.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *