Bên bờ hạnh phúc

Hàng năm cứ vào khoảng tháng 8, hàng triệu thí sinh trên cả nước lại hồi hộp thấp thỏm mong chờ kết quả thi ĐH của mình sau 12 năm vất vả đèn sách. Mỗi năm cả nước có hàng triệu thí sinh tham gia thi tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thế nhưng trong đó ước tính chỉ có khoảng 1/5 các em trúng tuyển, được bước vào giảng đường ĐH.

Số còn lại đành phải ngậm ngùi nhìn cánh cửa ĐH từ từ khép lại với tâm trạng hết sức u buồn và trăn trở, lo âu: Rớt ĐH, làm sao để ăn nói với cha mẹ, những người đã luôn kì vọng vào mình? Mình sẽ làm gì trước bước ngoặt cuộc đời? Mình có nên ôn thi ĐH lại hay không? Liệu ĐH có phải là con đường duy nhất hay không? 

 

Từ xưa đến nay, đất nước ta luôn có truyền thống hiếu học, lấy việc học đặt lên hàng đầu. Bất cứ ai từ nhỏ đến lớn khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng luôn được thầy cô, cha mẹ dạy dỗ rằng: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy. Ráng công mà học có ngày thành danh”, hay “Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi”, hoặc “Học, học nữa, học mãi”…

Những người có trình độ học vấn cao luôn được xã hội coi trọng và gặp nhiều thuận lợi hơn trong nghề nghiệp, dễ dàng thành đạt và có một cuộc sống tương đối dễ chịu hơn về mặt vật chất và tinh thần so với những người không được học hành đến nơi đến chốn. Chính vì lẽ đó, ước mơ vào ĐH luôn là ước mơ cao đẹp, chính đáng và đáng trân trọng của những bạn trẻ muốn vươn lên trong cuộc sống bằng tài năng và thực lực của mình.

Tuy nhiên, liệu vào ĐH có phải là con đường duy nhất để thành công? 

Cho con vào ĐH luôn là ước muốn tha thiết của nhiều bậc phụ huynh. Bỏ bao thời gian và công sức nuôi dạy con đến ngày lớn khôn, hẳn nhiên những bậc làm cha mẹ, ai ai cũng mong muốn con mình được thành người, học hành đến nơi đến chốn. Không ít bậc phụ huynh còn cho rằng: chỉ có con đường vào ĐH mới có tương lai! Họ đặt rất nhiều kì vọng vào chuyện thi cử của con mình. Điều đó vô hình trung đã tạo rất nhiều áp lực về tâm lý cho các em. 

Trong kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, cả nước có hơn 1.500.000 thí sinh đăng kí dự thi. Đông nhất vẫn là thí sinh dự thi vào các ngành khối A, B, D v.v… Thế nhưng, vừa qua khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, đã có hàng trăm ngàn thí sinh không đủ điểm, phải ngậm ngùi nhìn cánh cửa ĐH đóng lại với mình. Rất nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh tin rằng, nếu không có tấm bằng ĐH trong tay sẽ rất khó tìm được cho mình một công việc tử tế.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải bất cứ ai đậu ĐH và sau khi tốt nghiệp ra trường cũng có thể tìm được cho mình một công việc dễ dàng, phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Thực tế cho thấy rằng, có đến 60% sinh viên làm trái ngành và thất nghiệp trong khoảng thời  gian từ 6 tháng – 1 năm sau khi tốt nghiệp. Đây là một con số đáng buồn, và cần phải suy nghĩ. Vậy, nguyên nhân của thực trạng này là do đâu?

Em Phan Thị Ngọc Trâm, đã tốt nghiệp ngành Kinh tế trường Cao đẳng kinh tế kĩ thuật Cần Thơ từ tháng 10.2012. Mang hồ sơ đi xin việc ở nhiều nơi nhưng em vẫn chưa tìm được việc làm đúng ngành học của mình mặc dù ra trường đã 10 tháng. Chọn cho mình công việc làm nhân viên phục vụ ở một nhà hàng cũng là một cách để em trau dồi và tích lũy kinh nghiệm cho mình trong thời gian chờ đợi một công việc phù hợp hơn với trình độ và năng lực bản thân.

Không chỉ khó tìm được việc làm, đôi khi các bạn trẻ mới ra trường cũng khó có thể tìm được cho mình một công việc phù hợp với ngành mà mình đã học. Đôi khi các em phải tạm gác chuyên môn và sở thích của mình sang một bên  và chuyển sang làm một nghề khác không hề liên quan đến ngành nghề mà mình đã được đào tạo. Em Phạm Thị Phương Thảo là một trường hợp điển hình như thế. Tốt nghiệp ngành Việt Nam Học của Trường ĐH Đồng Tháp, tuy nhiên hiện tại em lại đang làm nhân viên thu ngân cho một quán ăn ở Cần Thơ. Tình trạng làm trái ngành diễn ra rất phổ biến đối với các bạn trẻ hiện nay.

Đậu ĐH là một sự khởi đầu tốt đẹp cho ước mong được lập thân lập nghiệp của mỗi cô cậu học trò. Tuy nhiên, kết quả ĐH không thể phản ánh hoàn toàn năng lực và quá trình học tập của các em thí sinh. Có thể do các em chọn thi vào một trường có tỉ lệ chọi quá cao, hoặc chưa sẵn sàng tâm lí khi bước vào phòng thi …từ đó làm ảnh hưởng đến kết quả bài thi v.v…

Khi không đậu ĐH, các em học sinh thường có tâm lí buồn bã, chán nản, mặc cảm… điều các em cần làm bây giờ là hãy tạm gác nỗi buồn sang một bên, và xác định năng lực, sở trường của mình để có thể chọn một con đường khác, như ôn thi lại, xét tuyển nguyện vọng 2, hoặc đi làm thêm, phụ giúp gia đình… Các bạn có thể chấp nhận chọn một con đường vòng, tuy còn nhiều gập ghềnh nhưng biết đâu con đường ấy cũng sẽ dẫn đến thành công. Mỗi người có một con đường khác nhau để đi đến thành công và con đường đó không nhất thiết phải mang tên Đại học!

Nếu không có đủ năng lực thi đậu vào ĐH, các em có thể chọn con đường xét tuyển vào các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề…phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Theo các công ty tuyển dụng, học sinh tốt nghiệp các trường nghề hiện nay không đủ cung cấp cho nhu cầu của doanh nghiệp; các doanh nghiệp cần nhiều “thợ” hơn “thầy” trong khi xã hội lại đang thừa “thầy” thiếu “thợ”. Việc học nghề cũng có nhiều ưu điểm. Ngoài thời gian học ngắn, có cơ hội thực hành nhiều, bạn còn được tiếp xúc trực tiếp với các thầy là những người đang làm nghề thực tế ngoài xã hội. Những bài giảng của các thầy là những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế công việc mà không một giảng đường nào dạy hết được. Khi học các trường nghề, bạn trẻ vẫn có cơ hội vào làm ở những nơi tốt nhất, chứ không phải học ĐH mới là con đường tốt nhất, duy nhất.

Ở Công ty TNHH Honda Tân Thành, phần lớn nhân viên của công ty chỉ tốt nghiệp trình độ CĐ, còn bộ phận kỹ thuật hầu hết là trung cấp nghề. Tuy nhiên, các nhân viên đều cố gắng học hỏi, vươn lên. Anh Ngô Minh Thành, dù chỉ học qua trường đào tạo nghề ở Vĩnh Long nhưng bằng tài năng và sự phấn đấu của bản thân, nhiều năm qua anh đã đạt được các giải cao trong các kỳ sát hạch nghề trong nước và khu vực, hiện nay anh đang đảm nhiệm vị trí tổ trưởng tổ sửa chữa ở Cty, là tấm gương để nhiều nhân viên mới vào nghề học hỏi và noi theo.

Chị Nguyễn Trương Kim Phụng, là một trường hợp điển hình không học ĐH mà vẫn thành công trong cuộc sống. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng cộng đồng Vĩnh Long, chị Phụng dự định lên TP.HCM để học tiếp lên ĐH. Tuy nhiên sau khi xin vào làm ở Doanh nghiệp bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), được sự hướng dẫn của các anh chị đi trước cộng với  tinh thần phấn đấu, ham học hỏi của bản thân, chị Phụng cảm thấy ngày càng yêu nghề và gắn bó với nghề làm bánh cho đến tận bây giờ. Sau 7 năm làm việc, chị đã đạt rất nhiều giải cao trong các cuộc thi làm bánh trong nước và quốc tế, nhiều lần làm rạng danh nước nhà với các cuộc thi làm bánh quy mô lớn và uy tín ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp… Sang năm 2014, chị Phụng sẽ được mời làm đại diện của Việt Nam tham dự giải cá nhân kì thi làm bánh Quốc tế tổ chức tại Pháp 2 năm 1 lần. Hiện tại, chị đang giữ vị trí bếp trưởng và cửa hàng trưởng tại Chi nhánh ABC Bakery Phạm Ngũ Lão, TP.HCM.

 
 

Có thể nói, để đi đến thành công sẽ có nhiều con đường khác nhau. Trước ngưỡng cửa cuộc đời, bạn trẻ hãy tìm cho mình một con đường phù hợp nhất. Và con đường đó dù chông gai đến cỡ nào đi chăng nữa thì rất cần ý chí phấn đấu và sự đam mê theo đuổi đến cùng. Đó chính là chìa khóa quan trọng để bạn trẻ mở cánh cửa dẫn đến thành công của cuộc đời mình. 

Nguyệt Hằng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *