Bên bờ hạnh phúc

Trong giai đoạn hiện nay, những làng nghề truyền thống không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí Xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Thật vậy, thực tế đã cho thấy, địa phương nào phát huy được lợi thế của mình về  kinh tế làng nghề thì một số tiêu chí nông thôn mới có liên quan cũng không khó để thực hiện.

 

Đã từ lâu, Ngãi Tứ rất nổi tiếng với các mô hình như hoa màu và cây giống hoa màu như thế này. Nếu các ấp An Phong, Đông Thạnh, Bình Quý nhiều năm qua bà con khấm khá nhờ chuyển đổi từ ruộng sang màu, thì ở ấp  Nhứt này đã trên 30 năm nay bà con vẫn giữ được nghề bầu cây giống.

 Có thể nói đây là một nghề truyền thống của Ngãi Tứ. Hiện nay, tuy số hộ tham gia giảm hơn trước, chỉ còn khoảng 19 hộ, không đủ điều kiện để thành lập làng nghề, nhưng rõ ràng nghề này cũng đã giúp giải quyết lao động cho trên 30 hộ dân ở đây có thu nhập ổn định.

 Hộ của ông Nguyễn Văn Sáu, làm nghề bầu cây giống nhiều năm, ông hiểu, nhờ có những bí quyết riêng mà nhiều hộ ở đây mới sống được với nghề và duy trì ổn định đến nay. Nhờ có lượng khách hàng ngày càng đông mà nay bình quân mỗi ngày gia đình ông xuất bán khoảng 10 thiên cây giống, tính ra mỗi năm ông sản xuất vài ngàn thiên cây giống, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Điều đáng mừng là giờ đây, những hộ làm cùng nghề này còn hình thành nên tổ nhóm liên kết để cùng nhau nhận và thực hiện hợp đồng.

 Sự phát triển ổn định của những hộ dân làm nghề sản xuất cây giống ở đây đã giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều hộ khác, với những công việc khá đơn giản như quấn bầu hay lên giàn. Theo đó, thu nhập của họ cũng khá ổn định.

Như hộ của chị Lê Thị Lạc, nhờ làm việc chăm chỉ mà mỗi ngày đã quấn được từ 3 đến 4 thiên bầu, thu nhập từ 40 đến 50 ngàn đồng, mỗi tháng cũng có thu nhập trên 1 triệu đồng. Đây là nguồn thu rất cần thiết đối với gia đình mới thoát nghèo như chị.

Tính chung, hiện nay nghề sản xuất cây giống đã góp phần mang lại cho hàng trăm lao động ở Ngãi Tứ có mức thu nhập từ 800 ngàn đến 1,5 triệu đồng/tháng. Rõ ràng, nếu nghề truyền thống này được duy trì và phát triển tốt ở Ngãi Tứ, thì nó sẽ có khả năng giúp cho địa phương thực hiện được nhiều nội dung quan trọng trên con đường xây dựng Nông thôn mới.

Điều đó càng được minh chứng rõ ràng khi đến với 02 làng nghề đan thảm lục bình ấp Bình Ninh và Bình Quý của xã Ngãi Tứ. Hai làng nghề này được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề nông thôn theo tiêu chí của Bộ NN và PTNT vào năm 2008. Và hiện tại ở đây cũng đã hình thành nên 01 Hợp tác xã để giúp bà con trong xã phát triển nghề.

Trước khi có chương trình xây dựng Nông thôn mới, Ngãi Tứ đã từng là địa phương điển hình của tỉnh về phong trào đào tạo nghề nông thôn cho chị em phụ nữ, và chính phong trào đan thảm lục bình đã làm cho Ngãi Tứ trở nên nổi tiếng và được nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập.

Không chỉ Ngãi Tứ, mà rất nhiều địa phương khác cũng vậy, ngoài công việc ruộng vườn, chăn nuôi hàng ngày, những người dân nông thôn mà nhiều nhất là chị em phụ nữ, còn rất nhiều thời gian để có thể làm thêm một việc khác kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Do đó họ rất cần được học một cái nghề gì đó nhằm đảm bảo cuộc sống. Thực tế là thời gian qua, cũng vì nhu cầu mưu sinh đã có rất nhiều gia đình phải rời quê, lên thành thị tìm việc làm, và không phải ai cũng tìm được việc tốt, ổn định lâu dài. Vậy nên, việc tạo được một cái nghề tại chỗ, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ và lứa tuổi cho phần đông lao động nông thôn là việc làm rất cần thiết đối với các địa phương. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn khi các địa phương đang thực hiện các tiêu chí Xây dựng Nông thôn mới.

Tuy nhiên việc phát triển kinh tế làng nghề có phát huy được sức mạnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà trong đó yếu tố nỗ lực tự thân của bà con là chính.

Có yêu nghề thì nghề mới phát triển. Từ vài ba chị em đi học nghề ban đầu, dần dần mở rộng, đến nay nghề đan thảm lục bình ở Ngãi Tứ đã lan ra trên địa bàn toàn xã, giúp giải quyết trên 1.500 lao động nông thôn, với mức thu nhập từ 1 triệu đến 2 triêu đồng/tháng. Nhờ vậy nhiều hộ nghèo trước đây, nay đã vươn lên thoát nghèo.

Hộ của chị Nguyễn Thị Lam, nhà không có ruộng vườn, phải nuôi cha bệnh, con nhỏ, nhờ nghề đan thảm mà 10 năm qua chị luôn sống ổn định với nghề.

Nhà chị Võ Thị Phấn cũng thuộc diện hộ nghèo nhiều năm, nhờ nghề đan thảm mà chị có tiền nuôi con ăn học, thoát nghèo.

Không chỉ có những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn mới tham gia đan lục bình, mà giờ đây những hộ khá giả, có nhiều ruộng vườn, nhưng vì còn nhiều thời gian nông nhàn nên cũng tham gia học thêm nghề đan này để kiếm thêm thu nhập. Gia đình Chị Nguyễn Thị Biết – nhà có 4 lao động chính đều tham gia đan thảm.

Có rất nhiều chị em đã gắn bó với nghề này từ khi nó mới được mang về địa phương, và nay đã trở thành những thợ đan rất giỏi, sản phẩm của các chị làm ra đều đạt yêu cầu chất lượng và thẩm mỹ, do đó ít bị trả về. Vậy là uy tín ngày càng được củng cố, và đến nay sau khi đã phát triển lớn mạnh, tự thân bà con đã hình thành nên HTX để giúp nhau trong các việc như tìm mẫu mới, hợp đồng mới, phân phối nguyên liệu và thu gom sản phẩm, giao hàng cho công ty.

Mặc dù nghề đan thảm lục bình thời gian gần đây cũng gặp không ít khó khăn, nhất là giá cả nguyên liệu cứ ngày càng tăng. Nếu năm 2012 giá 1kg lục bình khô từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, thì nay đã lên 12.000 đồng/kg, giá lục bình tươi 400 đồng/kg, với giá này bà con đan thảm đĩa không có lời. Tuy nhiên, nhờ HTX nhận được nhiều hợp đồng với nhiều mẫu mã khác nhau, quy cách dễ hơn nên nghề đan ở đây mới có cơ hội duy trì được. Và với sự cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay, HTX đang rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn.

 

Ngoài khó khăn về vốn, hoạt động của HTX còn có một khó khăn không kém phần quan trọng nữa là khó khăn về nguyên liệu. Mặc dù mấy năm qua, người dân ở đây đã tận dụng ao mương, để nuôi trồng lục bình, nhưng xem ra vẫn không đủ. Bởi hàng năm HTX này đã sản xuất và tiêu thụ hàng trăm ngàn sản phẩm, với sản lượng gần 1.000 tấn nguyên liệu lục bình khô. Giải pháp hiện nay là mua nguyên liệu từ nơi khác, nhưng chất lượng nguyên liệu chưa đảm bảo yêu cầu của bà con.

Mặc dù còn gặp khá nhiều khó khăn, nhưng Làng nghề đan thảm lục bình ở Ngãi Tứ vẫn được xem là một trong những làng nghề lớn, làm ăn có hiệu quả tại địa phương. Năm 2012, tổng giá trị sản xuất của 2 làng nghề lên đến 6 tỷ đồng, và chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay con số này đã đạt trên 4 tỷ đồng, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến từ nay đến cuối năm tổng giá trị sản xuất của 2 làng nghề này sẽ không thu kém 6 tháng đầu năm.

Những còn số đó cho thấy, làng nghề đan thảm lục bình ở Ngãi Tứ đã có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đặc biệt trong giai đoạn Xây dựng NTM hiện nay, với sự tồn tại và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn của làng nghề đã góp phần không nhỏ vào việc giúp Ngãi Tứ đạt các tiêu chí như: số 13 về hình thức tổ chức sản xuất, tiêu chí về cơ cấu lao động, tiêu chí thu nhập, tiêu chí giảm hộ nghèo, tiêu chí nhà ở, giao thông, hay tiêu chí về y tế,…

Kể ra thì còn khá nhiều tiêu chí khác nữa ở Ngãi Tứ mà có sự đóng góp từ việc giả quyết vấn đề nền tảng là tăng thu nhập cho người dân.

Quan tâm đầu tư phát triển kinh tế làng nghề là một trong những giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để nhanh chóng hoàn thành nhiều tiêu chí Nông thôn mới tại các địa phương. Với 01 tổ hợp tác nghề cây giống hoa màu và 02 làng nghề đan thảm lục bình, giải quyết gần 1.600 lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tạo giá trị sản xuất gần chục tỷ đồng mỗi năm, điều đó góp phần giúp cho Ngãi Tứ có thêm nhiều sức mạnh nội tại để tiếp tục phát triển ở giai đoạn tiếp theo, mà công cuộc xây dựng Nông thôn mới luôn rất cần đến nguồn lực này.

Thúy Hằng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *