Bên bờ hạnh phúc

Chỉ còn 3 tuần lễ nữa, nước Đức đầu tàu kinh tế của châu Âu bước vào cuộc bầu cử Quốc hội. Đây được xem là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất ở Lục địa già trong năm 2013 vì kết quả cuộc bầu cử này sẽ không chỉ tác động tới chính sách của Berlin mà còn ảnh hưởng tới nhiều vấn đề hệ trọng của khu vực vốn đang chìm trong khủng hoảng nợ công.

Áp phích cổ động tranh cử của một số đảng trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức.

Bước vào chặng cuối cùng của cuộc đua, bầu không khí tranh cử tại Đức như nóng lên từng ngày, khi các chính đảng nỗ lực hết mình nhằm tìm kiếm cách thức gây ấn tượng nhất để thu hút phiếu bầu từ cử tri.

Trong bối cảnh kinh tế Đức và khu vực chưa thoát khỏi khó khăn, hầu hết các chương trình vận động tranh cử của các đảng phái đều hướng vào các chính sách tài chính – thuế, năng lượng, lao động – xã hội. So với mức độ phức tạp của tương lai khu vực đồng euro (Eurozone) thì những vấn đề nội bộ của nước Đức như: cuộc cách mạng năng lượng hay công bằng xã hội, bao gồm cả mức lương tối thiểu và thuế đã được các đảng tập trung khai thác mạnh. Bởi, đây là những vấn đề "cơm áo gạo tiền" hết sức nóng bỏng đang được đông đảo người dân quan tâm.

Dẫu thế, năm 2013, cuộc khủng hoảng tại Eurozone tiếp tục là vấn đề khiến giới chính trị ở Berlin phải bận tâm. 5 trong số 17 quốc gia thành viên Eurozone hiện đang phụ thuộc vào các gói cứu trợ của châu Âu và Đức đang đóng vai trò là nhà tài trợ lớn nhất, đồng thời là nhà bảo lãnh có tiếng nói có trọng lượng nhất tại khu vực. Vì vậy, các vấn đề liên quan tới việc giải quyết khủng hoảng ở Eurozone như kế hoạch lập quỹ cứu trợ mới (hay Cơ chế Bình ổn châu Âu), các cuộc đàm phán cứu trợ giữa bộ ba chủ nợ với Chính phủ Ireland, rồi kế hoạch thành lập Liên minh ngân hàng châu Âu… dường như đang bị treo lơ lửng để chờ kết quả từ cuộc bầu cử ở Đức.

Nhiều người Châu Âu hy vọng Thủ tướng Merkel sẽ tái đắc cử trong tháng 9 tới để giúp họ nhiều hơn nữa. Ảnh: Reuters

Hiện, nhiều quốc gia châu Âu có lý do khi mong muốn đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Những con nợ lớn như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha, CH Síp đều có chung hy vọng, bà Merkel sẽ nới lỏng yêu cầu các nước này cắt giảm ngân sách và chấp nhận chia sẻ gánh nặng nhiều hơn nếu bà tiếp tục "chèo lái" con thuyền Đức thêm một nhiệm kỳ nữa.

Chưa rõ đảng nào ở Đức sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua quyền lực này, nhưng giới phân tích chắc chắn rằng kết quả bầu cử sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại chính sách tiền tệ, kinh tế ở Eurozone vốn đang chìm trong khủng hoảng nợ công.

Minh Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *