Bên bờ hạnh phúc

Chuẩn bị bước vào năm học 2013-2014, Vĩnh Long tiếp tục  quan tâm đầu tư cơ sở vật chất , vừa đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô trường lớp , vừa chủ động không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

 

 

Công trình xây dựng trường tiểu học Song Phú B, ở ấp Phú Điền, xã Song Phú, huyện Tam Bình là một trong những công trình xây dựng phòng học nhằm từng bước kiên cố hóa trường lớp ở vùng nông thôn sâu của tỉnh Vĩnh Long. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 ở năm học trước, sang năm học này, nhà trường tiếp tục được đầu tư xây dựng giai đoạn 2 gồm 10 phòng học, với kinh phí hơn 5 tỉ đồng. Đến nay, trường có 22 phòng, đáp ứng được yêu cầu học tập 2 buổi / ngày của hơn 200 học sinh, từ khối lớp Một đến khối lớp Năm, mỗi khối 2 lớp, với đầy đủ các phòng làm việc và phòng chức năng, đồng thời hướng đến một ngôi trường nông thôn có đủ điều kiện đạt chuẩn Quốc gia trong năm học 2013-3014.

Mừng năm học mới 2013-2014, người dân vùng căn cứ cách mạng Cái Ngang- Tam Bình sẽ có thêm niềm vui đón nhận ngôi trường mới. Xuất phát từ chủ trương tách mảng trung học cơ sở ra khỏi trường trung học cấp 2-3 Phan Văn Hòa, trường trung học cơ sở Cái Ngang được xây dựng trên địa bàn xã Hậu Lộc.

 Với mong muốn là có một ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia ngay từ khi mới thành lập, nhà trường được đầu tư cả về nhân lực lẫn tài lực, vật lực. Ban Giám hiệu trường trung học cơ sở Cái Ngang cho biết hiện thời nhà trường đã đáp ứng được các tiêu chí của một trường đạt chuẩn Quốc gia.Trong điều kiện  xây dựng xã nông thôn mới, Hậu Lộc nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền cùng các cơ quan ban ngành đoàn thể để từng bước kiện toàn điều kiện hạ tầng cơ sở ở địa phương, trong đó có cả điện – đường – trường – trạm. Riêng hệ thống trường học ở xã Hậu Lộc có thể nói là khá hoàn chỉnh từ mầm non, tiểu học, đến trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

Trước khi lập kế hoạch xây dựng trường lớp, ngành Giáo dục huyện Mang Thít đã cùng các địa phương điều tra, khảo sát thực trạng cụ thể về chất lượng trường lớp ở từng nơi; từ đó, xác định nhu cầu và phương án phân bổ kinh phí theo từng năm, đúng kế hoạch, đúng quy định. Vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương  khó khăn được ưu tiên bố trí cho các dự án ở những nơi thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa. Ngoài ngân sách trung ương, tỉnh còn bố trí ngân sách địa phương để đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa trường lớp.

Điểm qua danh mục xây dựng trường lớp trong năm 2013, điều dễ nhận thấy trong năm nay là việc đầu tư xây cất mới một loạt các Trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện thị. Từ khi thực hiện chủ trương công lập hóa các trường bán công ở bậc trung học phổ thông và tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 ở một số trường trung học phổ thông, thì các Trung tâm Giáo dục thường xuyên ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong việc giải quyết chỗ học cho những thí sinh thi trượt kỳ thi tuyển lớp 10, hệ công lập…Đây cũng là nơi tổ chức triển khai các hoạt động dạy nghề có tính chất hướng nghiệp cho đông đảo học sinh phổ thông. Chính vì thế, nhu cầu xây mới các Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở các huyện thị đang trở nên cấp thiết mỗi khi lên kế hoạch xây dựng trường lớp sao cho có thể kịp đưa vào sử dụng ngay mỗi dịp đầu năm học mới.

Nhu cầu xây dựng kiên cố hóa trường lớp là rất lớn , vì trường lớp có khang trang thì mới đáp ứng tốt các điều kiện phục vụ việc dạy và học của thầy và trò. Từ khi huyện Bình Minh được nâng lên thành thị xã, trong yêu cầu chỉnh trang bộ mặt đô thị mới,một trong những hạng mục ưu tiên là đầu tư xây mới trường lớp. Bước vào năm học mới 2013-2014 này, trường trung học phổ thông Hoàng Thái Hiếu mà tiền thân là trường bán công Bình Minh, với tên thường gọi là trường trung học phổ thông Bình Minh B , đã được đầu tư xây mới một dãy phòng học 2 tầng, với kinh phí gần 6 tỉ đồng.

Trong thực tế, Ban Giám hiệu các trường đã chủ động đề xuất xây mới thêm nhiều phòng học, hoặc chủ động đề xuất những phần việc có liên quan đến công tác sửa chữa, cải tạo, nâng cấp phòng ốc từ nguồn vốn được cấp phát. Nhiều trường thường xuyên làm xanh, sạch , đẹp trường lớp, từ khuôn viên ngôi trường đến trong từng lớp học. Riêng chương trình kiên cố hóa trường lớp ở thành phố Vĩnh Long có nhiều thuận lợi, vì đa phần các trường đều khang trang, sạch đẹp .  Với những ngôi trường xây dựng đã lâu năm và hiện đang xuống cấp, ngành Giáo dục thành phố Vĩnh Long đều lên kế hoạch đầu tư xây mới để góp phần tạo vẻ mỹ quan đô thị cho một thành phố trực thuộc tỉnh.

Một trong những ngôi trường cổ kính từng lưu dấu nhiều ký ức tuổi học trò của bao thế hệ học sinh Vĩnh Long là trường trung học phổ thông Lưu Văn Liệt mà tiền thân là trường Nguyễn Thông, trường Tống Phước Hiệp…đã có hơn sáu mươi năm tuổi với 5 lần thay đổi tên trường. Ngay cả việc xây mới lại ngôi trường này cũng thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Và giờ đây, ngôi trường đang bước vào giai đoạn xây mới từng phần theo hình thức cuốn chiếu qua từng năm. Chỉ tính riêng trong năm 2013 này, trường đã kịp xây mới một dãy lớp học có 27 phòng, đang ráo riết hoàn thiện để đưa vào sử dụng ngay ngày tựu trường tới.

Đi cùng với công việc xây dựng trường mới, công tác tu bổ sửa chữa các ngôi trường đang xuống cấp cũng là một công việc khá quan trọng của các trường, của ngành giáo dục các huyện thị thành trên địa bàn toàn tỉnh. Tại huyện Long Hồ, với nguồn kinh phí trên 5 tỉ đồng, ngành giáo dục huyện đã tu sửa được 5 ngôi trường, gồm các trường  mẫu giáo Phú Đức, mẫu giáo Thanh Đức, mẫu giáo Đồng phú, mẫu giáo Họa Mi – thị trấn Long Hồ và trường trung học cơ sở Long An.

Trước đây, trong phạm vi địa bàn thị xã Vĩnh Long, nay là thành phố Vĩnh Long, không ít trường không có chỗ cho các phòng chức năng, sân chơi, nhà để xe, vì diện tích đất vốn chật chội lại được huy động tối đa để xây dựng phòng học. Với quy định 6 mét vuông/ 1 học sinh ở khu vực nội thành, với nhiều trường là khó có thể đáp ứng được. Điều này lý giải vì sao thành phố Vĩnh Long là đơn vị xuất sắc về nhiều mặt trong lĩnh vực giáo dục nhưng lại khá chật vật trong việc phấn đấu để có được những ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia. 

Trên tinh thần cố gắng dành đất cho trường học xây dựng đạt chuân Quốc gia, trong những năm qua, thành phố Vĩnh Long liên tiếp đầu tư xây mới các trường tiểu học Phạm Hùng, trường Mầm non phường 9, và mới đây là trường mầm non B phường 1, trường trung học cơ sở Lê Quí Đôn. Trên thực tế, diện tích đất trường học chính là rào cản trong việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở khu vực thành thị, mà trường mẫu giáo Mầm non B phường 1 là một điển hình. Giờ đây, công trình xây mới ngôi trường mầm non này với kinh phí hơn 6 tỉ đồng lại ở ngay vị trí trung tâm thành phố Vĩnh Long sẽ giúp cho mơ ước đạt chuẩn Quốc gia của nhà trường sẽ trở thành hiện thực. 

 

 

Từ nhiều năm nay, đang có một nghịch lý phát sinh, trong khi nhiều ngôi trường đã chật chội lại gánh thêm áp lực học sinh trái tuyến nên lâm vào tình trạng quá tải, thì lại có những ngôi trường được xây dựng khang trang nhưng ít khi tuyển sinh đủ chỉ tiêu trên giao. Đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia còn là một giải pháp tốt để giải quyết những bất cập do đặc điểm lịch sử để lại. Tuy nhiên, chuyện làm thế nào để tạo quỹ đất trường học cho các trường học cũng là điều khá nan giải trong tình hình hiện nay. 

Việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp mỗi năm đã làm cho bộ mặt trường lớp từ thành thị đến nông thôn ngày một thêm khang trang. Có thể nói đây là một thuận lợi hết sức cơ bản để các trường tổ chức phong trào thi đua dạy tốt – học tốt đạt hiệu quả cao. Để có một diện mạo trường học ngày một chỉnh chu hơn, cần lắm một quy hoạch dài hơi đảm bảo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo tỉnh Vĩnh Long có những bước tiến vững chắc trong tương lai./.

An Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *