Hiện nay đang có một ngịch lý là người tiêu dùng luôn mong muốn được sử dụng các loại nông sản sạch trong nước sản xuất nhưng hàng ngoại nhập lại đang chiếm tỷ lệ áp đảo tại các chợ. Và câu chuyện nông sản ngoại đội lốt hàng Việt lại là câu chuyện dài cần có sự quan tâm sâu sát hơn từ phía quản lý của các ngành chức năng.

 

Sau hàng loạt thông tin về khoai tây, carot ngoại nhập đột lốt hàng Việt có chứa dư lượng hóa chất vượt mức cho phép có thể gây ung thư thì người tiêu dùng mới chợt giật mình vì khi đi chợ, nhìn đâu cũng thấy hàng nông sản ngoại đội lốt hàng Việt . Bởi vì không chỉ có hai loại nông sản thông dụng trên mà còn có gừng, hành tây, bắp cải, cà chua, cải thảo, bông cải…, đều có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. 

Có một điều đáng lo lắng là với tâm lý muốn được sử dụng nông sản Việt của đa số người dân hiện nay, nên các loại hàng ngoại nhập, mà chủ yếu là có nguồn gốc từ  Trung Quốc đã được chuyển sang hàng Việt một cách khá dễ dàng.  Và người tiêu dùng chỉ còn biết trong chờ vào ý thức và lương tâm của người bán. 

Thực tế này đặt ra vấn đề từ phía quản lý, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Do thiếu các văn bản quy định rõ ràng về mặt pháp lý từ cấp trung ương nên đã gây ảnh hưởng dây chuyền đến khâu quản lý tại mỗi địa phương. Bởi hàng hóa khi về các chợ nhỏ lẻ thì không có đầy đủ chứng cứ để chứng minh nên không thể xử lý được. Trong khi đó, tại các chợ đầu mối, số lượng nông sản ngoại nhập không rõ chất lượng vẫn nhập về ồ ạt từ trái cây như nho, táo, lê, cho đến các loại rau củ quả phục vụ bữa ăn hàng ngày và  khi về đến các chợ như thế này thì nó lại dễ dàng trở thành hàng Việt. Vì vậy, việc lập lại trật tự kinh doanh đối với hàng nông sản cần phải bắt đầu từ khâu nhập hàng, vận chuyển cho đến kinh doanh ra thị trường.

 Hiện tại, người tiêu dùng Việt vẫn còn phải tự mò mẫm, trang bị cho mình những kỹ năng mua hàng sạch. Và trong bữa cơm của mỗi gia đình vẫn mang nặng mỗi nỗi lo sợ về các loại rau củ quả không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc. Bởi vì đây là những mặt hàng thiết yếu cho bữa ăn hàng ngày.

 

Dạo một vòng các chợ nông thôn có thể thấy, hàng nông sản ngoại nhập vẫn chiếm một số lượng áp đảo so với hàng Việt. Thực tế này đặt ra rất nhiều vấn đề: Tại sao hàng kém chất lượng lại dễ dàng len lỏi ra thị trường và tại sao cho đến hiện nay, nước ta vẫn chưa có một hệ thống quy định, rào cản kỹ thuật như các nước đã áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. 

Thêm một thiệt hại khác về mặt kinh tế nữa chính là về lợi nhuận thì những thương lái nước ngoài hưởng nhưng các mối nguy hại về sức khỏe thì do chính người tiêu dùng gánh chịu. Một điều đáng buồn là Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng người nông dân Việt Nam gần như lại đang đầu hàng ngay trên sân nhà do hàng nông sản sản xuất không tiêu thụ được, rớt giá. Nghịch lý là ở chỗ: người nông dân sản xuất và người tiêu dùng không gặp nhau còn hàng hóa ngoại nhập lại được tiêu thụ tràng lan không kiểm soát được. 

Tình trạng các loại nông sản đội lốt hàng Việt được bày bán tràn lan không rõ nguồn gốc xuất sứ, không rõ chất lượng không chỉ tạo nên mối nguy hại về sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn gây những thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất trong nước. Người tiêu dùng cần được bảo vệ về sức khỏe, người nông dân cần được bảo vệ về mặt sản xuất. Thực tế này đều bắt nguồn từ việc cần có sự điều chỉnh kịp thời từ phía cơ chế quản lý của các ngành chức năng.

Trong khi chờ đợi ngành chức năng có những biện pháp quản lý hữu hiệu hơn thì hiện tại các mặt hàng nông sản đội lốt hàng Việt vẫn được bày bán công khai tại các chợ và nó đa dạng đến mức dù có trang bị kiến thức đến đâu, người tiêu dùng cũng khó nhận biết đâu là hàng Việt đâu là nông sản không rõ nguồn gốc. Làm gì để người tiêu dùng tự bảo vệ mình là một câu hỏi không dễ có lời giải đáp.

 Rõ ràng, người tiêu dùng Việt luôn mong muốn tìm được những nguồn nông sản sạch do chính người nông dân trong nước sản xuất để tiêu thụ. Nhưng rõ ràng cung cầu vẫn chưa gặp nhau. Là một nước nông nghiệp nhưng người dân lại chỉ sử dụng những loại nông sản ngoại nhập đội lốt hàng Việt không rõ nguồn gốc. Nghịch lý này đòi hỏi các ngành chức năng từ cấp địa phương đến trung ương cần có sự vào cuộc chấn chỉnh kịp thời. Để cho ước mơ bình dị của mỗi người dân là được sử dụng hàng nông sản “ made in Việt Nam” sẽ không còn là mơ ước quá đỗi khó thực hiện.

Kim Phụng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *