Bên bờ hạnh phúc

Những vật dụng sinh hoạt hằng ngày như chiếc rổ tre, cây chổi… tuy đơn sơ, giản dị nhưng rất gần gũi, thân quen với mỗi gia đình. Và phía sau câu chuyện về những cây chổi mang đến nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống cho một phần bà con lao động nghèo còn là câu chuyện về tình thương và nghị lực vươn lên của những người bà, người mẹ, người chị… một đời chăm lo cho tổ ấm.

Hoàn cảnh gia đình chị Trần Thị Mộng Tuyền, ấp Đông Thạnh, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre

Công việc bó chổi bằng cọng dừa vốn không cần nhiều sức vóc nhưng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, chắc tay trong từng mối dây mới có được một cây chổi bền đẹp đến tay người tiêu dùng. Thế mới biết, những sản phẩm làm ra không chỉ mang đến nguồn thu nhập cho một số bà con lao động nghèo như chị Tuyền mà còn mang theo bao cố gắng, niềm say mê với nghề cho dù số tiền kiếm được mỗi ngày không thấm vào đâu với những khó khăn của gia đình. Để rồi, những lúc bó chổi bấp bênh, cuộc sống thiếu hụt, chị đành chôn chặt nỗi buồn riêng khi nhìn chồng đang mang căn bệnh suy thận phải bôn ba tận TPHCM phụ hồ để chị nhẹ vơi đôi gánh nặng…

Không đất đai, không công việc ổn định, cuộc sống gia đình chị Tuyền phụ thuộc vào mấy đồng tiền công ít ỏi nên luôn thiếu trước hụt sau và càng khó khăn hơn khi các thành viên trong nhà mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Bà Cúc – mẹ chị Tuyền – một thời gian dài phải chống chọi với căn bệnh tiểu đường, suy thận, suy tim phải uống thuốc Nam cầm chừng. Không điều kiện đến bệnh viện chữa trị, tình trạng bệnh của bà ngày một chuyển biến xấu hơn và hầu như bà không thể làm nổi việc gì phụ giúp gia đình. Mặc cảm, day dứt cứ đè nặng trong lòng để rồi những lúc khỏe thế này, bà lại gắng gượng nấu cho chồng con bữa cơm no hay lo lắng cho đứa cháu thơ đang lên cơn sốt khi mẹ vắng nhà…

Cơn mưa đã bắt đầu nặng hạt nhưng ông Hai – cha chị Tuyền – vẫn cố nhận đất thùng cho xong để trọn ngày công kiếm tiền thang thuốc cho gia đình. Hơn nửa đời người miệt mài với những công việc làm mướn nơi thôn quê, ông vẫn không thể cho vợ con một cuộc sống ấm no như bao người. Để rồi, tuổi cao sức yếu, chứng thoái hóa cột sống khiến 3 đốt sống lưng bị hư tổn nặng, công việc làm thuê vì thế mà thưa dần. Vậy là, manh áo chén cơm của cả nhà chỉ còn biết trông nhờ vào đồng tiền bó chổi của chị. Vào những buổi chiều, chị Tuyền còn tranh thủ đi xúc từng con tép, con cá để dành cho bữa sớm mai…

Khát khao đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo, khát khao về một hạnh phúc bình dị, đơn sơ bên tổ ấm… tất cả những điều ấy đã hun đúc cho chị Tuyền sức mạnh vượt qua lao nhọc. Thế nhưng, làm sao chị có thể chống chọi được lâu hơn khi đứa con trai Quốc Thanh vẫn đến trường trong điều kiện thiếu thốn: cây viết, quyển tập này là nhờ bà con thương tình mua giúp cho em. Bệnh tật thì kéo dài mà công việc lại bấp bênh, cố gắng để tìm một lối đi giữa bao thử thách, chông gai với niềm tin mạnh mẽ từng ngày, chị vẫn mong một ngày mới lên, đôi tay này sẽ thêm vững vàng, lạc quan hơn với cái nghề mà mình đã chọn…

Hoàn cảnh gia đình bà Bùi Thị Màu ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh 

Đôi tay vẫn đều đặn ghì chặt từng mối kẽm, bàn chân nhịp nhàng nương theo mỗi động tác, cứ như vậy, ngày qua ngày, những cây chổi được bó tỉ mỉ khéo léo vẫn theo bà Màu ra chợ đổi ít tiền đong gạo cho cả nhà qua bữa. Nghề bó chổi bằng cọng dừa này, tính đến nay đã gắn bó với bà được 3 năm, bất kể những sóng gió của đời nghèo đeo đẳng hay sức khỏe đang dần bị bào mòn vì sớm hôm lao nhọc.

Dù không phải bỏ nhiều vốn vì cọng dừa sẵn có, nhưng bù lại bà phải vất vả đi đốn lá dừa về chuốt cẩn thận, rồi tự tay buộc thành từng tép nhỏ trước khi bó. Trải qua nhiều công đoạn mới hoàn thành nhưng mỗi cây chổi bó xong chỉ bán được chừng 10 ngàn, nguồn thu nhập ít ỏi đó ai ngờ lại là niềm hạnh phúc lớn lao đối với người phụ nữ một nắng hai sương này. Bỏ lại sau lưng những buổi lặn lội đồng xa để giũ rơm, cấy lúa, bà chọn công việc bó chổi không chỉ vì đây là nghề yêu thích mà còn để được cận kề chăm sóc cho người chồng mà đôi mắt đang ngập trong bóng tối…

Hơn 1 năm sống cảnh mù lòa do chứng cườm nước trở nặng là hơn 1 năm ông Liêm – chồng bà Màu – vừa phải cố quen dần với cuộc sống tối tăm, vừa ráng tập tành chuốt cọng dừa để đỡ đần vợ một tay. Lần mò vót từng cọng dừa hay dò dẫm mỗi bước đi khó nhọc cho đến tự sinh hoạt cá nhân, ông làm ngần ấy việc không chỉ bằng xúc giác nhạy bén của một người khiếm thị mà còn bởi tình yêu thương dành cho vợ, bởi hơn ai hết ông cảm thấu được những vất vả nhọc nhằn đang oằn nặng trên vai bà mà chẳng ai san sẻ….

Mái lá cũ dột qua bao mùa đã trống trải vì người con trai duy nhất lập gia đình rồi trôi dạt xứ người không về, nay càng thêm quạnh quẽ khi thiếu đi tiếng nói cười của Thúy Linh – cô cháu nhỏ mà vợ chồng bà đã dang tay bảo bọc lúc cha mẹ em mỗi người một ngả tìm hạnh phúc riêng. Lên TPHCM xin vào làm cho một xưởng may, thời gian rảnh thì Linh nhận giữ trẻ cho người quen để kiếm thêm tiền mua tập sách sang năm vào lớp 9. Em đang làm tất cả để một mai có thể đáp đền ơn cưu mang dưỡng dục của dì -dượng. Nặng lòng vì chẳng thể lo tròn chuyện cơm áo, học hành để đứa cháu thơ phải sớm bôn ba vất vả, bà Màu càng dốc lòng chắt chiu dành dụm, lót lòng khi thì vài con cá câu được, lúc thì mớ rau quanh nhà mà đắp đổi qua ngày…

Vì mái tranh nghèo trống trước hở sau đang cần được sửa sang, vì số nợ 7 triệu đồng vẫn nhọc lòng mỗi đêm và tương lai còn thăm thẳm của 3 mảnh đời mà bà Màu chưa lúc nào ngừng cố gắng. Sau những giờ miệt mài bó chổi, cái dáng còm cõi của người phụ nữ ấy lại đơn độc trên chiếc xuồng con lắc lư, nhẫn nại nhặt nhạnh từng mớ cây, cọng củi về cưa rồi bán lại cho người ta, quên cả bản thân tuổi cao sức yếu với những mối nguy hiểm chốn sông nước đang chực chờ. Công việc nhọc nhằn mà đồng tiền tích góp chẳng là bao, nhưng vì còn tin vào đôi bàn tay mình mà người vợ, người bà ấy còn dốc sức chèo chống, mong một ngày không xa đưa con thuyền của cả nhà cập bến yên bình….

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ :

1/ Chị Trần Thị Mộng Tuyền, ấp Đông Thạnh, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre

2/ Bà Bùi Thị Màu, ấp Giồng Nổi , xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh

3/ Chương trình “Vượt qua thử thách, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

4/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long
– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long
– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh long

Kim Thơ – Thy Liễu                      

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *