Bên bờ hạnh phúc

Để hỗ trợ cho hội viên nông dân có điều kiện sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế tại gia đình, góp phần nâng cao mức sống cho người dân xã nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực trong việc vận động và tranh thủ các nguồn vốn khác nhau, giúp hàng chục ngàn hội viên nông dân trong tỉnh có điều kiện làm ăn, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Gia đình bà Phạm Thị Dễ ,ấp Thanh Tân ,xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm có trên 10 công vườn, trước đây trồng bưởi năm roi và nhãn đã lão hóa, thu nhập kém. Mấy năm nay, gia đình bà muốn cải tạo vườn, trồng lại bưởi da xanh, nhưng do thiếu vốn mà bà không thực hiện được. Đầu năm 2012, nhờ dự án cho vay từ quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình bà có điều kiện thay đổi giống mới, giúp bà mua được 200 cây giống về trồng, nay bưởi đang phát triển khá tốt, bà rất phấn khởi.           

 Bà Dễ cho biết, tuy 10 triệu đồng không nhiều, chưa đủ để bà cải tạo hết 12 công vườn, nhưng đó là đồng vốn rất kịp thời . Nếu phải vay bên ngoài để đầu tư thì gia đình bà không dám mạo hiểm. Phải nói rằng với lãi suất 0,8%/tháng, bà yên tâm vay từ nguồn quỹ này.

 

Hộ của bà Nguyễn Thị Tiết ở xã Thanh Bình cũng có niềm vui tương tự như gia đình bà Dễ, vì nhờ vay được vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân được 15 triệu đồng để trồng mới 4 công bưởi da xanh một cách đồng loạt, hơn nữa thủ tục cho vay cũng khá đơn giản. Bà cho biết, để đầu tư cải tạo vườn cũ và trồng mới 01 công bưởi da xanh, cần ít nhất là 7 triệu đồng cho năm đầu tiên. Nếu đầu tư trồng 4 công, gia đình bà cần gần 30 triệu đồng, hơn nữa các năm tiếp theo cũng cần đầu tư hàng chục triệu nữa để chăm sóc cây tốt và đạt hiệu quả. Tổng cộng , gia đình bà cần khoảng 50 triệu đồng để cải tạo đồng loạt mảnh vườn. Theo tính toán, gia đình hụt vốn trên 15 triệu, nhờ ông và bà là Hội viên lâu năm của Hội Nông dân nên được xem xét vay vốn trong dự án cho vay lần này.           

Được biết, đây là dự án cho vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội nông dân tỉnh triển khai. Trên địa bàn xã Thanh Bình được rót về 300 triệu đồng cho dự án trồng bưởi da xanh.

Không chỉ riêng xã Thanh Bình, nhiều xã điểm Nông thôn mới khác cũng được nguồn quỹ này rót về từ 300 triệu đến 600 triệu đồng với nhiều dự án khác nhau như nuôi bò, trồng thanh long,… triển khai thực hiện tại các huyện, thị. Hầu hết người dân đều phấn khởi khi vay được nguồn vốn này.

Quỹ hỗ trợ nông dân được thành lập từ 1995 theo chỉ đạo của TW Hội Nông dân Việt Nam. Quỹ được thành lập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có việc vận động sự đóng góp của Hội viên nông dân cơ sở nhằm giúp vốn trở lại cho Hội Viên nông dân, không vì mục tiêu lợi nhuận. Từ khi triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, cả Trung ương hội Nông dân và lãnh đạo tỉnh đều quan tâm đến nguồn này để tăng vốn cho Hội Viên nông dân sản xuất. Năm 2011, Hội Nông dân Vĩnh Long được Trung ương Hội phân bổ 5,2 tỷ đồng và UBND tỉnh cấp thêm 2 tỷ đồng cho nguồn Quỹ này. Như vậy,  nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh có gần 8 tỷ đồng. Và tỉnh hội cũng lập 22 dự án cho các xã điểm, xã diện nông thôn mới để giúp vốn cho hội viên nông dân. Đến nay, nguồn vốn được đánh giá là sử dụng khá hiệu quả. Được biết, trong thời gian tới, sẽ có lộ trình để tăng nguồn quỹ này ngày càng lớn hơn, nhằm giúp vốn cho nhiều hội viên hơn.

 

Ngoài nguồn vốn từ quỹ Hỗ trợ nông dân, còn có các nguồn khác mà Hội Nông dân tỉnh đã triển khai trong thời gian qua gồm: vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn hình thành từ Phong trào nông dân thi đua, sản xuât kinh doanh giỏi, giúp nhau vượt khó thoát nghèo, vốn xoay vòng của các Hội viên Nông dân,… trong đó, nguồn vốn lớn nhất trong thời gian quan là vốn ủy thác từ ngân hàng. Nguồn này trước đây chủ yếu chỉ cho vay hộ nghèo, nhưng những năm gần đây cả về đối tượng và diện cho vay đều tăng lên. Nếu năm 2003, đối tượng cho vay chỉ có một đối tượng là hộ nghèo, thì đến nay đã có 12 đối tượng được vay như: Vay giải quyết việc làm, vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn, vay nước sạch vệ sinh mối trường, vay hộ nghèo về nhà ở, vay vùng dân tộc thiểu số đồng bào khó khăn,….

 Như hộ của anh Kiên Sô Thanh ở ấp Phù Ly 2, xã Đông Thành, Thị xã Bình Minh, nhờ vay được 30 triệu đồng từ hơn 1 năm qua, gia đình anh có điều kiện duy trì nghề mua bán cốm dẹp, nghề này đang mang lại thu nhập rất khá cho gia đình anh.

 Hoặc như hộ của anh Sơ Dữ, ở ấp Hóa Thành 1, xã Đông Thành, gia đình vươn lên từ hộ nghèo, cần tiền cho con học Cao đẳng sư phạm, nên anh cũng phải vay, và nhờ vậy, gia đình anh có điều diện bảo toàn nguồn vốn sản xuất. Nay hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.028 tổ tiết kiệm vay vốn ủy thác từ ngân hàng chính sách xã hội của Hội nông dân cơ sở, tổng số dư nợ là 384 tỷ đồng, với 34.607 lượt hộ là hội viên vay. Theo đánh giá, bà con đang sử dụng khá hiệu quả  nguồn vốn vay này.

Ngoài ra, nguồn vốn được hình thành từ góp vốn xoay vòng giữa các hội viên nông dân và từ phong trào Nông dân sản xuất giỏi cũng có ý nghĩa lớn. Nguồn vốn được hình thành từ trong dân như thế này, có thể nói là việc làm “lá lành đùm lá rách”, nên nhiều bà con còn gọi đó là vốn tương trợ. Nguồn này giúp ích cho những hộ nghèo mà không có tư liệu sản xuất, không đủ điều kiện để vay ngân hàng hay vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Có nhiều hình thức để hỗ trợ như bằng tiền, bằng cây, con giống, hay chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức canh tác,….

Ông Ngô Văn Hòa thuộc hộ nghèo, không có đất đai. Mấy năm qua nhờ chí thú làm ăn, ông thuê được 7 công đất ruộng, vụ trồng khoai, vụ trồng hẹ, vụ trồng cải bắp,… nhờ sự trợ giúp của ông Nguyễn Văn Nhanh bằng cây giống và gạo hàng tháng, giúp gia đình ông trụ được ở địa phương.

Về phần mình, ông Nguyễn Văn Nhanh cho biết, gia đình trồng hơn chục công khoai nên cũng có điều kiện để giúp đỡ nhiều người khác. Việc làm này không những để hưởng ứng cuộc vận động của Hội Nông dân các cấp về việc Hội viên nông dân giúp nhau vượt khó thoát nghèo, mà bản thân ông cũng thấy đây là trách nhiệm của bản thân cần phải làm theo lời Bác Hồ đã dạy “phải có tinh thần tương thân tương ái” với cộng đồng.

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Tân, ở mỗi ấp đều thành lập một tổ hùn vốn, tổ này, ngoài việc cho vay vốn xoay vòng giữa các thành viên, còn xem xét giúp đỡ cho những hộ bên ngoài vay vốn sản xuất.

Như hộ của ông Nguyễn Văn Dầy ở xã Tân Quới, nhà nhiều nhân khẩu nhưng chỉ có 2 công vườn, ông phải đi mua dừa tươi bán lại . Nhưng mấy năm qua vốn ít không mua được nhiều, nay nhờ những hộ khá hơn hùn vốn cho ông vay nên có điều kiện làm ăn tốt hơn.

Được biết, thời gian qua, nguồn vốn được hình thành trong dân từ phát động của Hội Nông dân phát triển mạnh và hiệu quả nhất là ở huyện Bình Tân, nhờ đó đã góp phần rất lớn vào việc giảm hàng trăm hộ nghèo tại địa phương mấy năm qua. Đặc biệt, phong trào này còn được phát động mạnh mẽ hơn vào thời kỳ Xây dựng Nông thôn mới như hiện nay.

Nhu cầu vay vốn để sản xuất của những Hội viên nông dân cần cù lao động, chí thú làm ăn, muốn vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững là nhu cầu cần thiết và chính đáng, và cần được đáp ứng tốt. Điều đó, càng quan trọng hơn trong giai đoạn xây dựng Nông thôn mới, sẽ góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhanh các tiêu chí: nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo, nhà ở dân cư, cơ cấu lao động,…cho các địa phương. Vì vậy, với kết quả đạt được phấn khởi như thời gian qua, hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa những hội viên nông dân khá lên nhờ các nguồn vốn từ những chương trình, những phong trào của Hội nông dân. 

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *