Bên bờ hạnh phúc

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt mặt hàng nông sản ĐBSCL như lúa gạo, cá tra, tôm, … gặp nhiều bất lợi trong sản xuất. Nguyên nhân chính là do giá thị trường liên tục sụt giảm khiến cho sản xuất có nguy cơ đình đốn, thu nhập nông hộ bị giảm sút. Cần có thêm nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông sản ĐBSCL phát triển.

 

Đầu tháng 7/2013, tại Cần Thơ, diễn ra một hội nghị liên bộ với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ gạo và thủy sản ĐBSCL. Sự kiện này cho thấy sự khó khăn trong tiêu thụ và giá cả của hai mặt hàng nông sản thế mạnh đặc thù của ĐBSCL đang thật bức thiết. Chưa bao giờ người nông dân trong vùng lại chứng kiến cảnh nông sản rớt giá nhiều vụ liên tiếp như thế , trong khi chi phí sản xuất thì ngày một tăng lên.

Đối với cây lúa, vụ hè thu này là vụ thứ hai kế tiếp sau vụ đông xuân tăng về sản lượng , nhưng giá trị thì lại giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong hai vụ qua, sản lượng gạo hàng hóa cả nước cần tiêu thụ là 6 triệu 900 ngàn tấn. Thế nhưng trong nửa đầu năm nay, số lượng gạo mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu chỉ đạt hơn 5 triệu 200 ngàn tấn. Hiện lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp là gần 1 triệu 700 ngàn tấn. Trong đó, gạo vụ hè thu đang bị nhà nhập khẩu ép giá dochưa được đánh giá cao về độ thuần chủng, độ dài hạt, màu sắc và chất lượng. Điều này khiến cho gạo vụ đông xuân và hè thu chênh nhau 30 đôla Mỹ/ tấn. Việc các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội lương thực VN triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hè thu trong thời gian từ 15/ 6 – đến hết tháng 7 này chỉ là giải pháp trước mắt.

Yếu tố quan trọng để vực dậy giá gạo lệ thuộc nhiều vào khả năng cung cầu trên thị trường thế giới. Trong nửa đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu gần 3 triệu rưỡi tấn gạo, trị giá 1 tỷ rưỡi đôla Mỹ. Với giá xuất bình quân chỉ đạt 431 đôla Mỹ/ tấn thì so với cùng kỳ năm nước giá trị xuất khẩu sụt giảm 2% trong khi sả lượng lại tăng hơn 2,5%. Điều đáng quan tâm là  dự báo sản lượng gạo trên toàn cầu năm nay ước tăng 2% trong khi sản lượng gạo thương mại lại giảm 3%. Việc giá giảm là khó tránh khỏi và còn khả năng kéo dài.

Tuy nhiên, về lâu dài, muốn nâng cao giá trị hạt gạo VN thì cần nhiều giải pháp, từ điều chỉnh giảm diện tích đất lúa, không tăng sản lượng, thay đổi cơ cấu sản xuất các mùa vụ, v.v…. Điều cần thiết là phải xây dựng được thương hiệu gạo VN bên cạnh những thương hiệu nổi tiếng đã được thế giới công nhận, như: Khaodak mali, Basmati, Jasmine, … Có như vậy mới khắc phục tình trạng đấu trộn nhiều giống để xuất khẩu. Tuy là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới nhưng gạo VN chỉ được biết với tên gọi gạo 5% tấm, 25% tấm, v.v… Từ đó khiến cho lợi nhuận mà hạt gạo mang lại cho người nông dân không thể đạt 30% như kỳ vọng  của chính phủ.

Hiện nay gạo 5% tấm của Việt Nam có giá thấp hơn 100 đôla Mỹ/ tấn so với gạo của Thái Lan và thấp hơn nhiều nước xuất khẩu gạo khác như: Ấn Độ, Pakistan. Để tạo được sự đồng nhất và nâng cao giá trị hạt gạo, hiện nay có một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra với nông dân thông qua mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Đây là một giải pháp được nhiều địa phương ủng hộ và đông đảo bà con nông dân phấn khởi.

Gắn với vùng nguyên liệu cũng được xem là xu hướng chung hiện nay đối với ngành hàng cá tra. Mục đích là giúp doanh nghiệp chế biến chủ động nguồn nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả. Bởi lẽ vào đỉnh điểm tháng 11 năm 2011, một kg cá tra nguyên liệu có giá 28.500 đồng thì tháng 7 năm 2013 này đã giảm 48%, chỉ còn 18.500 đồng. Trong khi đó, giá thành cá tra từ 20 ngàn – 24.500 đồng/ kg do giá thức ăn không ngừng tăng lên trong nhiều năm qua. Như vậy, người nuôi cá thua lỗ từ 1.500 đồng – 5 ngàn đồng/ kg. Kết quả khảo sát của Chi cục thủy sản Vĩnh Long cho thấy từ năm 2007 – 2012, duy chỉ có 2 năm 2007 và 2012 người nuôi cá tra đạt hiệu quả, 4 năm còn lại đều thua lỗ với tỷ lệ cao nhất gần 15%.

Giá cá tra nguyên liệu thấp thì người làm cá giống cũng lao đao. Toàn vùng có 132 cơ sở sản xuất cá tra giống. Với giá bán hiện nay chỉ từ 17 ngàn đồng/ kg, tức bằng 50% so với thời điểm này năm trước thì cả người làm giống và người nuôi cá đều thua lỗ. Từ đó diện tích nuôi cá tra kéo giảm từ chỗ xấp xỉ 6 ngàn ha nay giảm chỉ còn hơn 4.300 ha, giảm trên 4% so với cùng kỳ năm trước. Còn người nuôi cá tra từ chỗ làm chủ ao nay phải chuyển sang nuôi gia công cho doanh nghiệp, thu nhập giảm sút và nợ nần kéo dài. Còn doanh nghiệp dù nguồn vốn dồi dào hơn nhưng do phải vay ngắn hạn đầu tư dài hạn cho vùng nuôi dẫn đến thiếu vốn lưu động, nợ quá hạn và hoạt động cầm chừng.

Tuy chưa thể khẳng định giữa hộ cá thể và doanh nghiệp, ai nuôi cá tra sẽ đạt hiệu quả hơn nhưng rõ ràng doanh nghiệp đầu tư vùng nuôi cá sẽ chủ động vùng nguyên liệu hơn, kiểm soát tốt giá thành. Điều căn bản nhất mà ngành chức năng khuyến cáo là kéo giảm sản lượng hàng năm ít hơn 1 triệu 200 ngàn tấn cá tra như hiện nay. Thay cho việc mở rộng diện tích vùng nuôi là cần chú trọng hơn về chất lượng để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá bán. Điều này không chỉ đem lại rủi ro cho doanh nghiệp chế biến mà còn rủi ro từ nhà nhập khẩu và bị các nước nhập khẩu áp thuế chống bán phá giá hay ngăn chặn bằng các rào cản kỹ thuật như thời gian qua.

Do nhiều mặt hàng thủy sản ở ĐBSCL như cá tra, tôm ngày càng kém hiệu quả nên ngân hàng từng bước thu hẹp dần hạn mức tín dụng đối với người nuôi thủy sản và cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Báo cáo của Ngân hàng nhà nước VN cho thấy, dư nợ cho vay nuôi trồng chế biến cá tra trong 5 tháng đầu năm 2013 giảm 3,5% so với cuối năm 2012. Cho dù các giải pháp hỗ trợ người nuôi thủy sản cũng đã được thực thi, trong đó bao gồm hạ lãi suất cho các khoản vay phát triển sản xuất chăn nuôi, chế biến cá tra và tôm xuất khẩu xuống còn 9%/ năm từ ngày 28/ 6/ 2013 và giãn nợ đến 24 tháng cho hộ gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên, do sản xuất kinh doanh thủy sản không hiệu quả nên thật sự số hộ và doanh nghiệp đủ điều kiện vay mới là không nhiều do phần lớn đều chưa tất toán các khoản vay cũ.

Để giải quyết những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ cá tra, cần nhất hiện nay là một nghị định của chính phủ về sản xuất và xuất khẩu cá tra. Riêng đối với các vụ tranh chấp từ các nước nhập khẩu, như: chống trợ cấp tôm nước ấm và bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ; việc kiểm soát dư lượng hóa chất, vi sinh, v.v, … cần có sự hỗ trợ giải quyết tích cực của các bộ ngành liên quan.

Đối với mặt hàng lúa gạo, cơ cấu giống lúa chất lượng thấp cần được các địa phương khuyến cáo nông dân giảm tỷ trọng xuống dưới 20% ngay trong vụ thu đông tới đây. Song song đó là đẩy mạnh thực hiện chương trình giống theo quyết định 2194 của Thủ tướng chính phủ. Các hình thức liên kết sản xuất như cánh đồng mẫu lớn theo hướng tạo vùng nguyên liệu tập trung gắn với xây dựng thương hiệu cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích phát triển.

 

Rõ ràng sản xuất lúa gạo và thủy sản đã đến lúc chuyển đổi để nâng cao giá trị, tạo lợi ích hài hòa giữa nông dân và doanh nghiệp, trên hết là lợi ích quốc gia. Nhất là khi VN ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới thì nông nghiệp là ngành dễ bị tổn thương. Song, với gần 90 triệu người tiêu dùng trong nước sẽ có những lợi thế từ các hiệp định mậu dịch tự do đã ký kết.

Nghị quyết 26 của Ban chấp hành TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ban hành năm 2008, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và nhà nước trong việc đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh sản xuất hàng hoá. Giải pháp nâng cao đời sống nông dân và phát triển bền vững luôn được chú trọng. Biện pháp trước mắt và lâu dài đối với 2 mặt hàng chiến lược là lúa gạo và thủy sản vẫn phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường và thực hiện nghiêm các qui định quốc tế. 

Giá trị xuất khẩu nông sản của nước ta hàng năm chiếm gần 1/ 4 tổng kim ngạch xuất khẩu của  cả nước. Do vậy, nông nghiệp vẫn là thế mạnh đặc thù của VN trên thị trường thế giới. Việc cơ cấu lại sản xuất thông qua triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn và đấu tranh với những chính sách phi lý của các nước nhập khẩu nhất định sẽ có những chuyển biến cơ bản. Về lâu dài, triển khai thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là vấn đề quan trọng, gắn sản xuất với cung cầu thị trường nhằm tăng hiệu qủa sản xuất của nông dân và kinh doanh của doanh nghiệp.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *