Bên bờ hạnh phúc

 Ai đến vùng đất phèn muốn thành công không phải dễ. Nhưng nếu đã xác định phải bám trụ và lập nghiệp với những nơi này, người nông dân ngoài tính kiên nhẫn ra, họ còn phải là người biết sáng tạo, nhạy bén, dám nghĩ dám làm, và còn pha chút mạo hiểm nữa.

 

Vùng đất thuộc ấp Tân Vinh, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, cũng là nơi gia đình ông Lê Văn Thành đang sinh sống. Cách nay hơn 22 năm, vì cuộc sống khó khăn, con cái nhiều, nhưng đất ít, ông Thành phải quyết định rời quê hương ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vào tận vùng  đất phèn hoang hóa này lập nghiệp.

Ông Thành chia sẻ, đã xác định rằng cả cuộc đời mình phải sống bằng nghề nông, thì trong tay cần phải có nhiều ruộng đất mới mau khá giả. Ở tại quê nhà, ông có 3 công đất, gia đình có đến 6 nhân khẩu, biết trước sẽ khó phát triển nên ông Thành đã lần theo chính sách kinh tế mới của vùng Tân Phước để vào đây nhận 4 ha đất hoang để khai phá.

Nếu ai đã từng hiểu được sự vất vả của những người đầu tiên đi khai hoang vùng kinh tế mới như Đồng Tháp Mười, hay Tứ Giác Long Xuyên, đều thấu hiểu nỗi gian truân, cơ cực và lắm thăng trầm của gia đình ông Lê Văn Thành. Tuy có đến 6 miệng ăn, nhưng gia đình chỉ có 2 lao động chính là ông và vợ. Đất đai tuy được cấp khá nhiều, nhưng toàn đất rừng tràm, rừng năng, muốn trồng lúa được phải bỏ công khai phá. Ở cái thời máy móc, thiết bị chưa nhiều, gia đình lại ít vốn liếng, việc khai phá đất đai bằng biện pháp thủ công đã khiến ông bà càng trở nên vất vả hơn. Khai hoang đến đâu thì trồng lúa đến đó. Năm nào thuận thì trồng lúa được 2 vụ, năm nào không thuận, nước về sớm thì chỉ một vụ lúa chống đói mà thôi. Có năm trồng khóm, trồng chuối bị ngập nước ngập tan tác, lỗ hết vốn liếng, phải về quê vay nợ.

Ngày tháng trôi qua, các con của ông lớn dần và biết lao động phụ giúp ông. Bởi vậy, tuy không có máy móc hỗ trợ nhiều, chỉ làm bằng thủ công là chính, nhưng cái ý tưởng lên liếp lập vườn tại vùng đất phèn trũng này của gia đình ông Lê Văn Thành cũng được thực hiện khá nhanh.  Trong số 4 người con, ông có 3 người con trai, làm việc rất chăm chỉ. Trong vòng vài năm, 4 ha ruộng của ông đã được lên liếp thẳng tắp, để thành đất vườn trồng cây ăn trái. Và nợ nần giờ cũng đã hết, cuộc sống trở nên khấm khá hơn. Ông bà còn mua được thêm 3 ha ruộng nữa để canh tác. Ông Thành tâm sự, tuy sống xa quê hương, nhưng ông lúc nào cũng nhớ quê mình với hình ảnh những vườn cây trái sum suê, đầy bóng mát. Vậy là ông nghĩ ra mình sẽ lập một vườn cây ăn trái tại đây. Vừa đỡ nhớ quê, lại vừa để làm kinh tế cho gia đình.

Vườn nhà ông rộng 4 ha, giờ đây có gần 1.000 cây dừa đã 4 năm tuổi, có trên 150 cây đã cho trái, ông chen vào đó vài trăm gốc chanh bông tím, vài trăm gốc mận An Phước, vài công ổi không hạt, vài công mít siêu sớm,… hiện nay, chỉ tính riêng mảnh vườn, hàng tuần đều cho ông nguồn thu nhập gần 10 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình ông đã ổn định hơn trước.

 

Ông Thành cho biết, cây khóm tuy có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng có lẽ gia đình ông không quen lắm với loại cây trông này, mà đã không quen thì dễ thất bại, nên cuối cùng ông cũng chọn con đường phát triển vườn cây ăn trái.

 Hình ảnh ở giữa cánh đồng lúa – khóm bao la, lại xuất hiện một mảnh vườn vừa xanh tốt, vừa hiệu quả là điều hết sức ý nghĩa, một tín hiệu vui cho những ai còn hoài nghi về khả năng phát triển của những vùng đất nhiễm phèn này. Tất nhiên, để có được kết quả này, nó đã được trải qua một quá trình dài trên 20 năm mà cả gia đình ông Thành đã kiên trì tạo dựng, đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và tiền của vào đấy.

Giờ đây, ông Lê Văn Thành được xem là một trong những nông dân nòng cốt và đi đầu trong việc chinh phục thành công vùng đất phèn bằng mô hình kinh tế mới tại địa phương.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *