Bên bờ hạnh phúc

Mặc dù đến nay trình độ kỹ thuật của bà con nông dân trong việc trồng các loại rau ăn lá đã được nâng lên đáng kể. Song, sản xuất rau trong mùa mưa thì bà con vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, trở ngại. Do chúng rất dễ bị các loại sâu bệnh tấn công. Vì vậy đòi hỏi người trồng rau ăn lá trong mùa mưa này phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho chúng, thì mới mang lại hiệu quả sản xuất cao.

 

 

Các loại rau ăn lá như cải ngọt, cải xanh, xà lách, mồng tơi, rau muống… có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường. Thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 4-5 tuần sau khi gieo trồng là thu hoạch. Do việc trồng rau ăn lá không cần đất có diện tích lớn, thích hợp với những nông hộ có diện tích đất  canh tác nhỏ, thiếu vốn ở ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long.

Theo những người trồng rau giàu kinh nghiệm thì trồng rau trong mùa mưa tuy năng suất không cao bằng sản xuất ở mùa nắng, nhưng rau ăn lá trồng mùa này vẫn đạt từ 800 kg đến 1 tấn / 1000 m2, với giá bán bình quân trên 5000 đồng/kg, thì nông dân cũng thu được từ 5 đến 6 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lời trên 3 triệu đồng.

Tuy nhiên trong mùa mưa thì việc sản xuất đại trà các loại rau màu nói chung, rau ăn lá nói riêng sẽ gặp nhiều trở ngại, do thời tiết không được thuận lợi, nhất là dịch hại xuất hiện nhiều, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của rau.  Do đó phải có kỹ thuật canh tác tốt  thì mới đạt hiệu quả mong muốn.

Để cây rau phát triển tốt, nên chọn nền đất cao ráo, tầng canh tác dày, đất tơi xốp, có bờ bao để tránh ngập nước và có hệ thống thoát nước tốt. Bởi các loại rau ăn lá hầu hết đều có bộ rễ tỏa rộng và dễ bị hư hại khi bị ngập úng. Lên liếp phải cao từ 2 -3 tấc, bề mặt rộng khoảng 1 m. Đồng thời phải dọn các tàn dư cây trồng ở vụ trước để loại bỏ nơi trú ẩn của côn trùng, sâu bệnh gây hại cho cây trồng.

Trước khi trồng phải làm đất thật kỹ, đảo lớp mặt xuống dưới để đất thoáng khí; xử lý đất bằng vôi bột. Đất phải được cuốc cho tơi xốp, nhưng không quá nhuyễn sẽ dễ bị lèn mặt, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Khi gieo sạ bà con thường áp dụng kỹ thuật gieo hạt trực tiếp ngoài đồng. Vì vậy cần lưu ý, đối với rau ăn lá như tần ô, rau muống và các loại cải… có kích thước của hạt rất nhỏ, nên rắc tro trấu để lắp các kẻ đất và tưới đẫm nước trước khi gieo hạt. Có thể phủ lên trên luống một lớp rơm mỏng sau đó mới gieo hạt và khi tưới nước để không làm văng hạt ra ngoài luống.

Cần chọn giống tốt, có độ nẩy mầm cao và gieo trồng với mật độ vừa phải, không nên trồng dày quá sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh gây hại.

Tất nhiên, cũng như các loại cây trồng khác, việc cung cấp phân bón cho rau màu cũng phải đảm bảo cân đối. Tuy các rau ăn lá có nhu cầu đạm cao, nhưng không nên bón quá nhiều phân đạm, vì làm như vậy cây sẽ có bộ lá xum xuê, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch hại tấn công, mà còn để lại một lượng dư tồn nitrac trong rau, làm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người tiêu dùng

Ở từng giai đọan sinh trưởng của rau màu nên điều chỉnh lượng phân bón thích hợp để giúp cho cây trồng phát triển tốt, tăng cường khả năng chống chịu với những yếu tố bất lợi của thời tiết và dịch hại. Cung cấp phân bón cho rau ăn lá cần chia ra thành nhiều lần, nhắm giúp cây trồng hấp thu tốt. 

Phải thường xuyên vệ sinh đồng ruộng và phòng ngừa cỏ dại để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng của chúng với cây trồng. Đồng thời tránh để rau ngập úng, và cũng không nên để đất  quá khô, sẽ làm hạn chế sự phát triển  của rau.

 

 

Trong quá trình canh tác rau ăn lá sẽ có rất nhiều loài sâu và côn trùng gây hại. Trong đó nguy hiểm nhất phải kể đến là bọ nhảy, sâu tơ, sâu đục ngọn, sâu ăn tạp… Chúng tấn công trên lá, hoặc cắn đứt ngang thân cây con … làm giảm năng suất và chất lượng rau thương phẩm. Bà con cần kiểm tra thường xuyên để sớm phát hiện và phòng trị kịp thời, hữu hiệu.

Bệnh hại trên các loại rau ăn lá cũng cần được quan tâm đúng mức, nhất là các loại bệnh: chết héo cây con, bệnh đốm lá, thối nhũn do vi khuẩn, bệnh thối gốc có tơ nấm …. Các loại bệnh này gây hại trên cây rau ở hầu hết các thời kỳ sinh trưởng, từ lúc chúng còn nhỏ cho đến khi thu hoạch. Vì vậy bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, để chủ động có biện pháp phòng trị thích hợp.

Đối với việc phòng trừ sâu bệnh hại trên các loại rau ăn lá bằng thuốc BVTV, bà con cần đặc biệt chú ý không dùng nhiều lần cùng một loại thuốc, mà phải luân phiên các loại thuốc với nhau để tránh khả năng kháng thuốc của các đối tượng dịch hại. Đồng thời phải đảm bảo thời gian cách ly từ 7 đến 10 ngày trước khi thu hoạch, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *