Bên bờ hạnh phúc

Đã qua 3 vụ nuôi liên tiếp, tức trong 2 năm qua, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL luôn duy trì ở mức thấp. Còn hiện nay khi giá bán cá tra đã rơi tận đáy thì cũng là lúc người nuôi cá không còn đủ khả năng để tái đầu tư do thua lỗ kéo dài. Hướng đi nào cho con cá tra ĐBSCL trở lại thời hoàng kim vẫn là một câu hỏi lớn cần có lời giải.

 

Diện tích nuôi cá tra ở 10 tỉnh ĐBSCL hiện còn hơn 4.300 ha, giảm 4% so với cùng thời điểm này năm trước. diện tích ao nuôi cá tra đã thu hoạch là trên 2.100 ha, sản lượng hơn 545 ngàn tấn. Như vậy, so với 6 tháng đầu năm trước, sản lượng cá tra nửa đầu năm nay tăng hơn 2%. Tình trạng dư thừa nguồn cung kéo dài suốt hơn 1 năm qua là một trong những nguyên nhân khiến cho giá cá tra giảm tận đáy hiện nay, khiến cho người nuôi cá không đủ vốn để đầu tư khi liên tiếp thua lỗ,  do giá bán thấp hơn giá thành sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Phúc ở xã Chánh An, huyện Mang Thít có 2 ao nuôi cá tra thì nay chỉ còn 1 ao và hiện đang đắn đo khi thả nuôi vụ tiếp theo . Bởi lẽ sau 8 tháng thả nuôi, 300 tấn cá vừa thu hoạch đợt rồi ông chỉ bán được 20.500 đồng/ kg, lỗ đến 2000 đồng kg và là 3 vụ thua lỗ liên tiếp trong suốt 2 năm qua. 

Rủi ro của người nuôi cá còn là do tình trạng treo nợ kéo dài. Thông lệ hiện nay là các hợp đồng mua cá giữa nhà máy chế biến thủy sản và người nuôi cá sẽ được thanh toán sau 1 tháng. Song, thực tế  để lấy được toàn bộ số tiền bán cá , thường là người nuôi phải mất đến 6 tháng hoặc dài hơn, tùy khả năng tài chính của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Từ đó phát sinh nhiều rủi ro mà chính người nuôi cá gánh chịu.

Trong khi chu kỳ quay đồng vốn của người nuôi cá thường kéo dài hơn 1 năm thì hiện nay tất cả các ngân hàng chỉ đầu tư vốn ngắn hạn. Do vậy, người nuôi cá không có tiền để trả vốn ngân hàng đúng hạn. Đây cũng là lý do chính khiến cho những chính sách ưu đãi lãi suất thấp theo văn bản 1149 của Thủ tướng Chính phủ khó thực thi. Cho dù từ ngày 28/ 6/ 2013, lãi suất cho vay nuôi cá tra đã được điều chỉnh giảm còn 9%/ năm, áp dụng đối với hộ gia đình, trang trại, HTX, doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra, nhưng thực tế do không đủ điều kiện để được vay mới nên vốn không tới được người nuôi cá. 

Có thể thấy, dư nợ mà ngân hàng đầu tư cho cá tra cứ giảm dần trong những năm qua, đặc biệt là từ đầu năm đến nay. Dư nợ cho vay cá tra vùng ĐBSCL tại 5 ngân hàng thương mại Nhà nước đến hết tháng 5 đã giảm 3,5% so với đầu năm, còn 17.479 tỷ đồng. Trong đó thực sự vốn đầu tư cho vay nuôi cá chỉ 6.655 tỷ đồng, còn lại là cho các doanh nghiệp vay chế biến xuất khẩu. Như vậy, việc thiếu vốn như là căn bệnh nan y lan truyền từ người nuôi sang nhà máy chế biến cá tra. Nhiều nhà máy đã phải sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, tức đầu tư cho vùng nuôi qua hình thức trực tiếp hoặc cho người nuôi gia công. 

 

 

Không những khó khăn từ trong nước, cá tra Việt Nam ngày càng phải dối diện nhiều hơn từ các rào cản kỹ thuật và phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu.  Một số đơn vị xuất khẩu vì chạy theo lợi nhuận đã hạ giá bán, đưa phụ gia, tạp chất, nước đá vào trong cá tra philê khiến cho sản phẩm cá tra mất uy tín. Gần đây là việc Bộ thương mại Hoa Kỳ tăng mức thuế chống bán phá giá và Ucraina ra quyết định đình chỉ nhập khẩu cá tra Việt Nam do nhiễm vi sinh vật hiếu khí và kỵ khí vượt quá giới hạn cho phép. Từ những khó khăn từ bên ngoài và trong nội tại ,nên trong 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cá tra giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 800 triệu đôla Mỹ. Trong số 70 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra thì một tỷ lệ lớn thiếu vốn, hoạt động cầm chừng. Một cuộc sàng lọc để tái cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến là cần thiết khi mà xuất khẩu cá tra sẽ được xem là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. 

Các chuyên gia đều thống nhất rằng , đã đến lúc phải điều chỉnh căn cơ ngành nuôi cá tra, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Từ việc chú trọng tăng diện tích, nâng sản lượng, nay chuyển sang chất lượng, lấy hiệu quả lên hàng đầu và giảm chi phí giá thành. Ở Vĩnh Long, mô hình quản lý cộng đồng trong sản xuất cá tra đã được hình thành thông qua việc thành lập Liên hiệp Hợp tác xã thủy sản. Mục đích là lo nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra cho người nuôi cá. Song, giá cả đầu ra vẫn là mối quan tâm lớn và không thể giải quyết được ở cấp độ địa phương.

Như vậy là với nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra sắp được ban hành, mục tiêu đưa ngành hàng thủy sản đặc thù của ĐBSCL đi vào chiều sâu, với nhiều qui định ràng buộc cho cả người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Trong đó, cuối năm 2014 là thời hạn để các cơ sở nuôi cá tra phải đạt chứng nhận qui phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, tức Viet GAP hoặc tiêu chuẩn quốc tế tương đương như: Global GAP, v.v… Đây cũng là mục tiêu dài hạn mà ngành sản xuất và chế biến cá tra Việt Nam hướng đến.

Cuối tháng 6 vừa qua, Hội chợ Triển lãm Thủy sản quốc tế Việt Nam 2013, còn gọi là Vietfish 2013, khai mạc tại Tp. Hồ Chí Minh. Năm nay chỉ có 79 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước tham gia trong tổng số 163 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực trong và ngoài nước, đã cho thấy tình hình thương mại thủy sản khó khăn.

Song, đáng chú ý là tuy bối cảnh xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng còn khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá tra vẫn có thị trường tốt và mang đến hội chợ nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao,thay vì chỉ là sản phẩm phi-lê. Vietfish 2013 diễn ra ngay trước các hội chợ chuyên ngành thủy sản quốc tế ở Boston, Hoa Kỳ và Brussels của Bỉ, nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đây cũng là một trong những giải pháp trước mắt để củng cố lại ngành chế biến cá tra nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *