Bên bờ hạnh phúc

Chúng tôi về miền duyên hải Trà Vinh vào những ngày tháng 6. Trà Vinh là tỉnh có địa hình giáp biển, giữa sông Tiền và sông Hậu. Vùng ven biển Trà Vinh chủ yếu dọc huyện Duyên Hải, từ Trường Long Hòa qua Dân Thành, Đông Hải, đến xã Long Vĩnh ven cửa biển Định An, nhưng được xem là bắt đầu từ khu vực Mỹ Long huyện Cầu Ngang , nơi mở ra cửa Cung Hầu.

 

 

 Hành trình qua miền duyên hải Trà Vinh của chúng tôi cũng được bắt đầu từ nơi sông Cổ Chiên về với biển ở cửa Cung Hầu, và dự kiến sẽ kết thúc ở cửa Định An.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là vùng biển Mỹ Long. Nơi sông và biển gặp nhau này, từ lâu đã lưu dấu cư dân, với cuộc sống gắn liền với biển.

Với nhiều nguồn lợi từ biển, không chỉ khai thác, đánh bắt…, cư dân Mỹ Long còn phát triển nhiều loại hình nuôi trồng thủy hải sản khác, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Năm nay, người Mỹ Long cũng vừa rộn ràng những ngày hội biển, cầu mong làm ăn sung túc.

Chúng tôi đã đến ngôi làng có lịch sử hình thành khá lâu đời ở vùng ven biển Mỹ Long-Cầu Ngang-Trà Vinh. Nơi đây cách thành phố Trà Vinh khoảng 30km. Trước đây, Mỹ Long được xem như một làng cổ gắn liền với lịch sử rất lâu đời và đi cùng cuộc sống của cư dân, gắn bó với bao thế hệ người xứ biển. Ngày nay thì người ta không còn gọi nơi này là “làng cổ” nữa mà đơn vị hành chính đã được thay đổi khá nhiều so với trước.

 Mỹ Long xưa bao gồm một khu vực rộng lớn, trải dài ven biển, nằm nép mình bên cửa sông Cung Hầu, là trung tâm của làng cổ Long Hậu vào đầu đời nhà Nguyễn, và là một trong số ít thôn làng ở vùng nầy được ghi danh vào “địa bạ triều Nguyễn”.

Ngôi làng này có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa đặc sắc, đã đi cùng đời sống cư dân Mỹ Long trong suốt quá trình hình thành và phát triển vùng đất này. Và cũng là một trong những dấu tích xưa còn lưu lại trong hành trình mở cõi của các bậc tiền nhân. Từ đây, ruộng vườn được khai phá, xóm làng được xây dựng, hình thành một tiền đồn canh phòng cho vùng đất biên cương được bình an. 

… Những cư dân đầu tiên vào phương Nam lập nghiệp, đi đến đâu họ thường xây dựng đình, miếu… để làm chỗ dựa văn hóa tâm linh và là nơi sinh hoạt cộng đồng. Đình thường được thờ thần hoàng bổn cảnh, cầu mong thần đất, thần sông, thần biển che chở cho cuộc sống của cư dân trên vùng đất mới. 

  Từ năm 1996, Mỹ Long được chia tách thành 3 đơn vị hành chính là xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và Thị Trấn Mỹ Long, thuộc huyện Cầu Ngang. Ngày nay, biển Mỹ Long còn là một trong những địa chỉ du lịch được nhiều người biết đến.

Đến Thị Trấn Mỹ Long – một trong những trung tâm thị tứ mới được hình thành trong những năm gần đây, góp phần làm nên nét đẹp riêng, nét duyên riêng của một làng ven biển. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp, bởi hội đủ các yếu tố: có sông, có biển, có rừng… Cư dân sống và gắn bó lâu đời với nghề đi biển.

 Năm 1925, nơi đây đã có Bến Đáy do người dân tự lập nên với số lượng tàu bè tấp nập, hàng hóa sung túc. Nghề Đáy được xem là nghề truyền thống của bà con. Lâu dần, những công cụ cũng như phương tiện đánh bắt càng đa dạng. Tuy nhiên, mọi kế mưu sinh vẫn nặng tình với biển. 

Nếu như cách đây không lâu, làng biển Mỹ Long chỉ là một xóm nhỏ ven biển, cuộc sống  chật vật, khó khăn phải nhờ sự giúp đỡ của địa phương; thì về Mỹ Long hôm nay xóm biển đã có nhiều đổi khác. Mỹ Long đã vươn dậy thành một vùng đất giàu tiềm năng.

Cư dân ven biển Mỹ Long chủ yếu sống bằng nghề đi biển, cuộc sống dựa vào biển khơi. Hàng năm có hơn 6.000 lượt tàu cập bến để trao đổi hàng hóa với sản lượng hàng chục ngàn tấn.

Ngoài nghề khai thác biển , bà con tham gia vào những dịch vụ khác kèm theo như: đan lưới, vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa, nhưng nhiều lao động nhất vẫn là chế biến thủy sản.

Từ hoạt động nhỏ lẻ của bà con xóm biển, ngày nay Thị trấn Mỹ Long đã  thành lập được xóm nghề chế biến thủy sản với thương hiệu riêng. Trong đó, có nhiều thương hiệu đã trở nên nổi tiếng được nhiều người biết đến.

Đối với nghề đi biển, mỗi chuyến ra khơi thường mang theo nhiều hy vọng. Và mỗi chuyến tàu về luôn là sự mong đợi của người thân. Do vậy, bến ghe không chỉ là bến đậu, mà còn là bến đợi người thân từ mênh mông sóng biển trở về.

Đây là khu vực được quy hoạch Cảng cá Vàm Lầu. Và sau một thời gian xây dựng thì Cảng đã được đưa vào sử dụng. Đây cũng là nét mới của địa phương trong năm nay.

Trước kia, nơi đây là bến Cá; Ngày nay được gọi là Cảng Cá Vàm Lầu. Ngoài việc làm nơi neo đậu của tàu bè, vận chuyển hàng hóa,… thì Cảng Vàm Lầu còn là nơi tránh bão cho ghe tàu khi hoạt động trên vùng biển Mỹ Long.

Bây giờ thì chúng tôi đang ở địa phận của xã Mỹ Long Nam. Điều đặc biệt nhất của địa phương này là có nhiều cồn bãi. Bởi vì nơi đây là phía cuối dòng. Nơi sông Cổ Chiên đổ ra biển. Phù sa lắng lại làm nên những bãi bồi và cồn cát. …. Phía xa xa có những chòi canh là Cồn Nghêu. Còn phía bên này, nơi có rặng cây xanh um là cồn Bần. Và xung quanh đây vẫn còn có nhiều cồn bãi khác nữa…

Cồn Nghêu là cồn cát mới nổi giữa cửa biển Cung Hầu, cách bờ biển Mỹ Long Nam chừng 3 cây số. Khi thủy triều lên, cả cồn cát chìm trong biển nước ,nhưng khi nước ròng sát, hàng trăm hecta bãi cát nổi lên giữa nắng gió. Người dân Mỹ Long tận dụng cồn cát này thành bãi nuôi nghêu. Tuy phải phụ thuộc vào thủy triều, nhưng khách du lịch vẫn ưa thích đến với Cồn Nghêu, để được sống giữa biển trời và trải nghiệm cảm giác tự tay mình bắt nghêu trên cồn cát. 

Mùa này, Bãi Nghêu vẫn chưa vào mùa thu hoạch rộ. Cồn Bần do phù sa kết tụ, mới nổi giữa cửa biển Cung Hầu cách Cồn Nghêu chừng 5 cây số về phía thượng nguồn. Cả cù lao có diện tích hơn 200 hecta là một bãi rừng bần nguyên sinh hoang sơ. Trên tán bần quanh năm xanh mát ,là nơi trú ngụ ưa thích của chim muông. Dưới cội bần ngâm chân trong nước là môi trường cư trú tự nhiên của loài thủy sinh có giá trị phục vụ cuộc sống con người và tái tạo nguồn lợi thủy hải sản ven bờ.

Sống trong rừng bần là những người nông dân yêu lao động, thích sống cuộc đời tự do, cá nước chim trời, bằng chính đôi tay và sức lực của mình, ngày đêm lấn biển mở rừng, dựng nhà lập nghiệp.

Làm nghề đi biển, bà con ngư dân chẳng những nặng tình mà còn rất xem trọng cái nghĩa với biển khơi.Ở các Làng ven biển Nam bộ, nơi nào cũng có ngôi miếu thờ Cá Voi mà bà con ngư dân gọi là Cá Ông hoặc Nam Hải Đại tướng quân. Ngoài thờ cúng thì Cá Voi cũng được xem như tổ nghiệp.

 

 

Hàng năm, ngư dân mỗi Làng ven biển tùy theo mùa gió của từng vùng, chọn cho mình ngày lễ hội Nghinh Ông để tạ ơn biển khơi đã cho gia đình họ sự trù phú, ấm no và cầu cho “dân an quốc thới”. Đây cũng đúng vào thời điểm bà con chuẩn bị vào mùa Nam chính vụ đáy hàng khơi.

Hành trình của chúng tôi lại trùng với dịp hội biển Mỹ Long, khởi mùa làm ăn thuận lợi trong năm. Những ngày dừng lại Mỹ Long, không chỉ vui hội, mà còn là để tìm về với cuộc sống thường nhật của những ngư dân suốt đời sống cùng với biển.

Lễ hội qua đi….Cư dân làng biển lại trở về với biển, với công việc thường nhật của mình.

Mỹ Long xưa nay vốn nổi tiếng với nghề đáy biển. Nghề xuất hiện ở Mỹ Long từ rất lu, ban đầu chỉ hoạt động gần bờ, với công cụ thô sơ. Về sau, công cụ đánh bắt ngày càng hiện đại hơn.

Ngoài nghề Đáy hàng khơi thì làng ven biển Mỹ Long còn phát triển hệ thống đánh bắt gần bờ. Nghề đi ghe lưới, ghe câu, cào biển..vv… cũng đã mang lại cho cư dân xóm biển này một cuộc sống ổn định hơn. Không chỉ là cuộc mưu sinh hàng ngày, mà nghề còn là thói quen, là tình cảm bền chặt của con người gắn liền với biển.

Với chiều dài giáp biển không nhiều, nhưng Làng ven biển Mỹ Long thực sự mang đến cho chúng ta một nét văn hóa, nếp sinh hoạt độc đáo của cư dân vùng biển. Đặc biệt là những thế hệ cư dân đã sống, gắn bó thủy chung, nghĩa tình với biển.

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *