Bên bờ hạnh phúc

Bang Sarawak nằm ở phía đông bắc của đảo Borneo, Malaysia. Nơi này cuốn hút du khách bởi cảnh đẹp thiên nhiên hoang dã và nền văn hóa đa dạng. Hàng năm, các chuyên gia sinh vật học đều phát hiện ra nhiều loài động – thực vật mới trong những cánh rừng mưa nhiệt đới trên đảo Borneo.

Khu rừng rậm quốc gia Batang Ai nằm ở phía đông thành phố Kuching, thủ phủ của bang Sarawak. Trong tiếng Malaysia, Kuching có nghĩa là mèo, vì vậy hình ảnh con mèo trở thành biểu trưng của thành phố này. Cư dân địa phương quan niệm rằng mèo là con vật mang lại sự may mắn. Họ rất vui mừng nếu nhìn thấy một con mèo đang nằm trước cửa nhà, và hầu như nhà nào ở đây cũng nuôi mèo. Người ta sưu tầm và lưu giữ tất cả những gì liên quan đến mèo như tranh, tượng, phim ảnh để thu hút khách du lịch.

Nằm len lỏi giữa những khu rừng xanh tươi, những ngôi nhà dài ở Nanga Sumpah phần nào thể hiện được truyền thống cũng như cách sống bình dị của cư dân địa phương. Đây cũng được xem là nét văn hóa rất độc đáo của Malaysia.

Cư dân ở đây thuộc tộc người Iban, phần lớn họ sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản của con sông chảy qua khu rừng Batang Ai. Mọi người đánh bắt cá trên sông bằng nhiều cách như chài lưới, đặt lợp, giăng lưới.. Số cá thu được giúp họ có những bữa ăn giàu dinh dưỡng. Khi khai thác hết nguồn lợi tự nhiên tại khu vực định cư, họ sẽ di chuyển tới một nơi khác của rừng già để vùng đất cũ có thể tự tái sinh.

Trong rừng quốc gia có trồng rất nhiều cây cọ, cư dân địa phương thường đốn hạ các cây cọ và lấy củ hũ, tức phần non nhất của cây, bao gồm chồi non chưa nhú ra bên ngoài của lá và cuống lá để làm thức ăn. Củ hũ cọ là loại thực phẩm nhiều chất xơ và giàu chất dinh dưỡng.

Cách chế biến món ăn của người dân làng Nanga Sumpah khá đơn giản. Họ lần lượt cho nguyên liệu tìm được gồm cá và củ hũ cọ vào trong từng ống tre rồi mang đi nướng là xong. Trong rừng rậm có hơn một trăm loại rau dại và trái rừng có thể ăn được, cư dân địa phương rất dễ dàng nhận dạng đâu là rau dại có thể ăn được và cách chế biến riêng từng loại. Nhiều thế kỷ qua, cuộc sống của người Iban gắn bó với rừng quốc gia Batang Ai như máu thịt, bởi rừng đã nuôi nấng, che chở họ.

Trong rừng quốc gia Batang Ai, ngoài những thứ mà người Iban dùng làm thức ăn hàng ngày còn có hơn 140 loại thảo dược quý.

Cây rừng có tên là Bintangor tức Cây của sự sống trông giống như cây cao su. Chiều cao của cây có thể hơn 9 m. Hàng thế kỷ nay, người dân địa phương đã biết công dụng chữa bệnh của cây Bintangor. Thuốc đắp làm từ vỏ và lá cây Bintangor dùng để làm dịu cơn đau đầu, chữa mụn nhọt trên da, bệnh thấp khớp, tiêu chảy …. Còn chất nhựa tiết ra từ cây này có thể dùng để đánh cá.

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng của Viện Ung thư quốc gia Mỹ – NCI vào năm 1991 cho thấy, chất Calanolide A được chiết xuất từ nhựa cây Bintagor có khả năng làm giảm mật độ HIV trong máu. Với tiềm năng này, hiện nay Bộ Lâm nghiệp bang Sarawak đã ban hành nhiều quy định về bảo tồn và cấm chặt cây Bintangor . 
Rừng quốc gia Batang Ai còn là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Batang Ai là một trong những điểm lý tưởng nhất để quan sát bầy đười ươi trong môi trường sống tự nhiên ở đảo Borneo, Malaysia. Tuy nhiên không phải lúc nào khách du lịch cũng nhìn thấy được đười ươi nô đùa cùng nhau, bởi chúng khá nhút nhát khi gặp con người. Loài động vật linh trưởng đáng yêu này đã thu hút nhiều khách du lịch đến với Batang Ai hàng năm.

Đười ươi ăn, nghỉ và ngủ trên những cây cổ thụ, lấy những cành cây có lá rộng kết thành tổ để ngủ và trú ẩn dưới những trận mưa rào nhiệt đới. Khi ăn uống, thường chúng không cần xuống mặt đất vì thức ăn của chúng là hoa quả, côn trùng, đọt lá non và nước uống chúng lấy từ những bọng cây quen thuộc.

Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế số lượng đười ươi đã giảm 80% trong 75 năm qua, nay chỉ còn khoảng 7.000 con sống ở rìa rừng phía bắc đảo Sumatra, Indonesia và 50.000 con ở đảo Borneo, Malaysia. Vấn nạn phá rừng để lấy gỗ cũng như phát triển và khai thác dầu cọ là mối đe dọa chính đối với những loài động vật ăn quả sống trên cây này.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *