Bên bờ hạnh phúc

ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu khi mùa mưa cũng bắt đầu. Điều kiện thu hoạch bất lợi, năng suất thấp, chi phí sản xuất cao trong khi giá lúa trong xu hướng giảm dần. Trong khi chờ một đợt thu mua tạm trữ mới thì lúa đến kỳ thu hoạch khó bán do các nhà kho đều chưa giải phóng hết lượng gạo tồn kho từ vụ đông xuân.

 

 

Hiện nay, một số địa phương thuộc các tỉnh ĐBSCL như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang đã bắt đầu thu hoạch vụ lúa hè thu. Vụ lúa thứ hai trong năm bắt đầu thu hoạch cũng là lúc Nam bộ vào mùa mưa. Do vậy, nhiều nơi lúa ngã đổ khi còn trên đồng. Đặc điểm vụ lúa này là chi phí sản xuất cao trong khi nắng nóng kéo dài nên năng suất không cao. Dự báo của ngành nông nghiệp thì năng suất lúa vụ hè thu đạt hơn 5,5 tấn/ ha. Điều đáng quan tâm là vụ này diện tích lúa IR 50404 phẩm cấp thấp vẫn được gieo trồng với diện tích lớn. Dễ trồng và thời gian thu hoạch sớm, chỉ từ 85- 87 ngày là một trong nhiều lý do khiến nhà nông chọn giống lúa này để trồng trong nhiều vụ gần đây.

Theo tính toán của ngành chức năng thì sản lượng lúa vụ này ước đạt hơn 9 triệu tấn, tăng trên 300 ngàn tấn so vụ hè thu năm trước. từ cuối tháng 5 đến nay lúa đã bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ tại nhiều tỉnh. Tuy nhiên, nỗi lo của bà con nông dân tăng lên từng ngày khi mà diện tích lúa thu hoạch nhiều lại tỷ lệ nghịch với số lượng thương lái thu mua. Ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, hồi đầu vụ thương lái bỏ cọc 4.200 đồng/ kg lúa IR 50404 nhưng sau đó lúa giảm dần và đến đầu tháng 6 này chỉ còn 3.800 đồng/ kg. Lúa giảm giá nhưng cũng ít thương lái hỏi mua.

Theo tính toán của Bộ Tài chính thì giá thành sản xuất mỗi kg lúa hè thu năm nay cao hơn vụ lúa này năm trước, khoảng 4.142 đồng/ kg. Song, giá này cũng chênh lệch nhau tùy từng tỉnh. Trong đó giá thành thấp nhất  tại Sóc Trăng, với 3.283 đồng/ kg và cao nhất tại Hậu Giang, giá 4.816 đồng/ kg. Đồng Tháp là tỉnh được Bộ Tài chính chọn công bố với mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ hè thu năm 2013 là 4.619 đồng/kg, tăng 342 đồng/kg so với giá thành lúa thực tế vụ hè thu năm trước.Rõ ràng với giá lúa tươi đang được nông dân bán tại ruộng thì nông dân đã lỗ hơn 1 ngàn đồng kg nếu tính theo giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ hè thu mà Bộ Tài chính công bố.

Với giá bán này, nông dân còn khó trang trải chi phí sản xuất chứ không thể đạt lợi nhuận tối thiểu 30% mà Chính phủ đề ra. Hộ ông Nguyễn Ngọc Được canh tác 3 ha lúa. Mấy ngày nay thương lái kêu giá 3.500 đồng/ kg nên ông đành phơi lúa để lưu kho tại nhà thay vì bán lúa tươi tại ruộng như nhiều người khác. Với năng suất vụ này 6 tấn/ ha thì sản lượng lúa nhà ông đã lên đến 18 tấn. Đó còn chưa kể lượng lúa đông xuân vụ trước còn lại 18 tấn đang chất kho cao đụng trần nhà chưa biết phải bán ra sao.

 

 

Trong khi lúa ngày càng khó bán, giá giảm nhanh từng ngày khiến cho không chỉ nông dân bị thiệt mà ngay cả thương lái cũng thua lỗ. Ở nhà kho này tháng trước đây mỗi ngày có vài chục ghe cặp bến thì nay mỗi ngày chỉ có đôi ba ghe đến bán gạo nguyên liệu. có điều gạo nguyên liệu này cũng từ vụ đông xuân còn lại chứ không phải vụ hè thu. Phẩm chất gạo IR 50404 đầu vụ thường không cao nên cũng không được nhà kho ưa chuộng.

Từ đầu năm đến nay giá lúa gạo trên thị trường đứng ở mức thấp, từ vụ đông xuân kéo dài sang vụ hè thu. Điều này khiến cho lượng gạo tồn ở các nhà kho cao. Giá gạo nguyên liệu hiện đã giảm 500 đồng/ kg so với đầu vụ. Trong khi đó, khách hàng chỉ có nhu cầu tiêu thụ gạo đông xuân với chất lượng cao. Công ty TNHH Phước Thành 4, mỗi tháng xuất ủy thác sang thị trường Trung Quốc khoảng 3 ngàn tấn cho biết hiện nay thị trường nước này chỉ có nhu cầu gạo cũ với chất lượng cao. Chính vì vậy, chênh lệch giá gạo hạt dài vụ đông xuân và vụ hè thu chênh nhau xấp xỉ 1 ngàn đồng/ kg.

Dự kiến sản lượng gạo vụ hè thu này của ĐBSCL đạt hơn 4,6 triệu tấn, trong đó có trên 3,1 triệu tấn gạo hàng hóa. Trong khi đó, lượng gạo đông xuân mà 98 doanh nghiệp thu mua tạm trữ còn tồn kho là 900 ngàn tấn. Đáng lưu ý là vào thời điểm đó, giá thị trường xuất 1 tấn gạo 5% tấm là 405 đôla Mỹ thì nay giảm xuống chỉ còn 365 đôla Mỹ/ tấn. Như vậy, bình quân mỗi tấn gạo doanh nghiệp đã lỗ 60 đôla Mỹ. Do vậy, áp lực giải phóng hàng tồn kho của các doanh nghiệp là có thật, nhất là từ tháng 6, thời điểm hết hỗ trợ lãi suất vay vốn tạm trữ. Trong khi đó, Hiệp hội lương thực Việt Nam và các địa phương vẫn còn loay hoay về chính sách tạm trữ như thế nào cho có hiệu quả thật sự.

Mới đây, Hiệp hội lương thực Việt Nam đã có kiến nghị chính phủ tiếp tục gia hạn vốn vay tạm trữ thu mua 1 triệu tấn gạo vụ hè thu. Thời gian thu mua tạm trữ trong vòng 60 ngày, từ ngày 15/ 6 – 15/ 8/ 2013. Đây cũng là cao điểm thu hoạch lúa hè thu tại nhiều tỉnh ĐBSCL. Việc tạm trữ góp phần ngăn chặn đà giảm giá mạnh của lúa hè thu hiện nay, nhất là khi ĐBSCL đang vào mùa mưa, việc bảo quản và tiêu thụ lúa hàng hóa tiếp tục gặp nhiều trở ngại.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *