Bên bờ hạnh phúc

Gần mười năm sau lần gặp gỡ đầu tiên, mới đây, chúng tôi đã trở lại xã Thuận Thới ở huyện Trà Ôn để thăm những người du kích từng rất nổi tiếng một thời trong thời kỳ kháng chiến. Từ đó đến nay, bộ mặt nông thôn vùng sâu đã có nhiều đổi thay, trong đó, ngoài cầu – đường thì dễ thấy nhất là những ngôi nhà tường khá khang trang đã thay thế cho những căn nhà lá cũ kỹ của năm nào.

  

38 năm đã qua đi kể từ khi kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ. Thời gian đã làm những người du kích đầu xanh tuổi trẻ năm xưa trở thành những ông chú, ông bác tóc muối pha sương . Chuyện nhớ chuyện quên, song tinh thần một thời cầm súng chiến đấu giúp nước giữ làng thì trong ký ức của họ không hề mờ phai. 

Như rất nhiều đội du kích vùng nông thôn, sau phong trào Đồng khởi 1960, toàn dân vũ trang kháng chiến, Đội du kích Thuận Thới đã chiến đấu cầm cự với địch trong nhiều năm. Với tương quan lực lượng giữa ta và địch vào khoảng 1:10 hoặc 1:15, trong điều kiện bị địch thường xuyên tìm diệt, đánh phá, vũ khí vừa thô sơ vừa ít ỏi, du kích tồn tại được là nhờ lòng dũng cảm ngoan cường và tinh thần chiến đấu bất khuất. Giống như cây rừng, lớp du kích này ngã xuống, lớp sau lại tấn lên.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Hinh – nguyên Xã đội trưởng Thuận Thới – hy sinh năm 1962 lúc mới hai mươi bốn tuổi. Năm ấy, con trai đầu lòng của ông là Nguyễn Văn Hoàng mới vừa tròn sáu tuổi. Năm 1971, mười lăm tuổi, Nguyễn Văn Hoàng gia nhập Đội du kích Thuận Thới, mười bảy tuổi trở thành Xã đội phó. Lúc mới gia nhập du kích, cán bộ xã đặt cho anh biệt danh là “cò con”, dù bản thân họ cũng chẳng lớn tuổi hơn anh là bao. Phần nhiều trong số họ đều là thiếu niên mới mười ba, mười bốn tuổi. Người giữ chức Bí thư Chi bộ và Xã đội trưởng cũng chỉ mới mười chín tuổi. 

Ở cái tuổi mà người khác còn ăn chưa no, lo chưa tới thì nợ nước thù nhà đã khiến họ lao vào cuộc chiến đấu giáp mặt với cái chết, sống mái với kẻ thù trong từng ngày. Vũ khí của họ chỉ là lòng dũng cảm cùng những phương tiện thật thô sơ, thí dụ như hầm chông và lựu đạn, trong đó, gài lựu đạn đã trở thành lối đánh sở trường, chủ yếu. Trong chiến tranh du kích, gài trái đánh giặc có thể nói là một nghệ thuật thật sự rất phong phú. Khi đánh đồn, họ bắn lựu đạn bằng giàn thun. Lại còn có cách lấy đồn giặc bằng trái hột vịt kết hợp với bao vây – bắn tỉa – bức rút.

Năm 1972, Tiểu đoàn 108 thuộc Trung đoàn 3 tổ chức hạ đồn Ngã ba Vĩnh Thuận, mở màn cho trận đánh yếu khu Thầy Phó nổi tiếng. Nguyễn Văn Quang – Xã đội trưởng và Nguyễn Văn Hoàng – Xã đội phó xung phong dẫn mũi. Trước giờ xuất kích, cùng với 69 chiến sĩ khác, họ đã được đơn vị làm lễ truy điệu sống. Trận đánh kết thúc thắng lợi, Nguyễn Văn Hoàng được kết nạp vào Đảng ngay trên trận địa. Năm đó, anh mười bảy tuổi. 

Tháng 11 năm 1974, chỉ với 5 tay súng, Nguyễn Văn Hoàng đã chỉ huy tiểu đội du kích kiên cường bám trụ suốt một ngày, chiến đấu ngăn chặn Tiểu đoàn 520 cùng hai đội thiết giáp của địch càn vào hậu cứ Trung đoàn 3, bảo vệ thành công 800 giạ lúa mà đơn vị này chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử mùa xuân năm 1975.

Trên tấm bia Anh hùng của xã Tích Thiện – huyện Trà Ôn khắc một dòng chữ tuy đơn giản nhưng luôn làm cảm động các thế hệ hôm nay: Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong lịch sử kháng chiến của Tích Thiện cũng có ghi: Nét nổi bật của du kích Tích Thiện là tinh thần tự lực cánh sinh, tự lực tự cường, càng đánh càng trưởng thành, càng đánh càng lớn mạnh, chẳng những phát huy tốt vai trò tại địa bàn xã, mà còn tích cực chi viện đắc lực cho các xã bạn trong vùng.

Bên cạnh sức chiến đấu mạnh mẽ, dũng cảm có tính truyền thống của lực lượng vùng căn cứ kháng chiến, du kích Tích Thiện còn có biệt tài xạ kích, tức bắn tỉa. Những tay súng được quần chúng tôn vinh, gọi là thần sầu, làm run sợ, khiếp vía mọi kẻ địch gồm có những người như Hai Nho, Tư Tưởng, Hai Đém, Hai Thạch, vân vân… Trong đó, Hai Nho – tức Nguyễn Văn Nho – được coi là chiến sĩ giết giặc theo đơn đặt hàng. Thời kháng chiến, ông từng được tuyên dương là chiến sĩ du kích ưu tú nhất của ba huyện vùng ven sông Hậu. 11 năm cầm súng trong Đội du kích Tích Thiện, bằng tài xạ kích, ông đã loại khỏi vòng chiến đấu 75 tên địch, trong đó  nhiều tên là ác ôn có nợ máu với nhân dân. 

 

Kinh hãi trước tài bắn tỉa của ông, kẻ thù quyết định điều động cảnh sát Chà ở cù lao Mây về Tích Thiện. Cảnh sát Chà nổi tiếng khôn ngoan, tàn bạo và khát máu, đến nỗi đồng bào Lục Sĩ Thành từng treo giải thưởng cho ai giết được tên ác ôn này. Về Tích Thiện, cảnh sát Chà thề trong ba hôm sẽ lấy mạng Hai Nho. Nhưng thực tế đã diễn biến ngoài dự kiến.

Trải mình bên dòng sông Măng hiền hòa, nhưng Hòa Hiệp một thời từng là địa bàn tranh chấp rất ác liệt giữa ta và địch, đặc biệt là giai đoạn sau năm Mậu Thân cho đến năm 1975. Kẻ thù tập trung mọi sức mạnh, quyết triệt hạ địa bàn cách mạng, xóa sổ quân du kích. Trong tình thế ấy, ở Hòa Hiệp xảy ra trận chiến sáu ngày đêm.

Về sau này, trận chiến ấy đã đi vào lịch sử kháng chiến của Hòa Hiệp cũng như của Vĩnh Long. 

Trong sáu ngày, từ ngày 27 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1971, địch mở trận càn quy mô nhất từ trước đến nay, càn vào lõm du kích ở ngọn Giữa ấp 8. Ngoài các đơn vị bảo an, biệt động quân, tất cả khoảng 700 tên, lực lượng của chúng còn có 6 khẩu pháo 105 ly, 4 tàu chiến, nhiều máy bay phản lực, cán gáo, cá lẹp dưới sự chỉ huy của 6 cố vấn Mỹ. Lọt thỏm giữa hệ thống đồn bót dày đặc của kẻ thù, lõm du kích Hòa Hiệp chỉ rộng khoảng hơn 1.000 mét vuông, lực lượng thời điểm đó chỉ có 11 tay súng cộng với một nữ y tá, do Xã đội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Võ Văn Giàu chỉ huy. Đến hôm nay, ba trong số 11 người ngày ấy vẫn còn sống, đó là y tá Năm Hường, chú Ba Hưng – Xã đội phó và anh Năm Tuội – chiến sĩ.

So mấy mươi năm trước,  Hòa Hiệp hôm nay đã có quá nhiều thay đổi. Trên mọi nẻo đường, nhà cửa, ruộng vườn yên bình san sát nối tiếp nhau, nhưng riêng nơi đây thì cảnh xưa còn đó, bởi trận chiến ấy đã nổi tiếng đến mức chính quyền địa phương quyết định giữ nguyên địa hình, chờ đầu tư xây dựng thành khu di tích lịch sử kháng chiến của xã nhà. Nhiều nhân chứng còn sống đến hôm nay.

Trên các công sự chiến đấu năm xưa, tre đã mọc lên san sát. Một trái bom xăng còn sót lại, làm dấu tích cuộc chiến ngày nào. 

Tại đây, trong sáu ngày đêm, địch mở nhiều đợt tấn công, bằng nhiều ngả. Đội du kích chia làm 4 tổ, mỗi tổ hai người, dựa vào địa hình và hệ thống phòng thủ, cơ động, linh hoạt bẻ gãy toàn bộ các đợt tấn công của kẻ thù. 

Trừ đồng chí Ba Thu leo lên ngọn dừa quan sát bị trúng đạn hy sinh và hai đồng chí khác bị thương, Đội du kích đã dũng cảm chiến đấu, cầm cự cho tới ngày giặc rút. Theo dõi tình hình, diễn biến trận đánh, nhân dân Hòa Hiệp, kể cả Huyện ủy Tam Bình lúc bấy giờ đều không tin rằng họ có thể sống sót qua trận chiến.

Chính tại nơi đây, vào ngày thứ năm của trận chiến, đồng chí Ba Hưng đã bắn chết Thượng sĩ Bo – chỉ huy một cánh quân địch. Tên này chết cách vị trí nổ súng của Ba Hưng chỉ 4 mét. 

Qua ngày thứ sáu, cũng là ngày kết thúc trận so sức, địch bắt bà con phải vào lõm du kích lấy xác Thượng sĩ Bo.

Tích Thiện và Hòa Hiệp chỉ là hai trong số 31 đơn vị xã – phường được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, chiếm khoảng 30% số xã – phường trong toàn tỉnh. Không chỉ góp phần giữ gìn sự bình yên cho quê hương thời kỳ chiến tranh và phối hợp với các lực lượng vũ trang chiến đấu giành lấy thắng lợi cuối cùng, chiến tranh du kích ở nông thôn Việt Nam còn là bài học quý giá về tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tính sáng tạo trong chiến đấu của người dân Việt Nam, một minh chứng hùng hồn cho lời nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước… Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn. Nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước…

Mới đó mà gần bốn mươi năm đã qua đi. Kết thúc cuộc kháng chiến gian khổ kéo dài suốt 21 năm,  phần lớn những người du kích lại trở về với ruộng vườn, tay cày chân đất. Họ tiếp tục sống một cuộc đời giản dị, thanh sạch, hòa vào trời đất mà xanh.

Cho đến nay, ngoài lịch sử hình thành và phát triển được viết chung cho các địa phương, ở Vĩnh Long chưa có những tổng kết, những nghiên cứu, đánh giá chính thức về cuộc chiến tranh du kích, song, những công lao và đóng góp, những hy sinh và máu xương của họ sẽ mãi mãi được khắc ghi giữa những trang sử viết về thời chiến, mãi mãi được nhớ ghi, lưu truyền trong ký ức làng quê. 

Du kích cầm súng giữ làng – họ chính là những chiến sĩ vệ quốc thời khắc gian nguy.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *