Bên bờ hạnh phúc

Về miệt Cần Thơ ai cũng biết nổi tiếng có dâu Hạ Châu, tuy nhiên có nhiều loại dâu khác của vùng này cũng giúp nhiều hộ nông dân ổn định kinh tế gia đình. Có một nông dân đã biết khai thác thế mạnh của giống dâu bòn bon tạo thu nhập cao cho gia đình. Đó là ông Trần Văn Tư ở khu vực 4, phường Ba Láng, Quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

 

Ở khu vực 4, phường Ba Láng, thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ hầu như ai cũng biết gia đình ông Trần Văn Tư còn gọi là tư Lâm. Mọị người biết và quý mến ông không chỉ ông là người có đức tính hiền lành, điềm đạm mà còn vì là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi tại địa phương. Hiện tại gia đình ông canh tác 4 công dâu bòn bon, lợi nhuận ổn định hàng năm trên 120 triệu đồng. Ba người con của ông đều được học hành và có nghề nghiệp ổn định, kinh tế cũng khấm khá như ông.

Ông Tư xuất thân trong gia đình có khá ông anh em. Cha mẹ ít đất canh tác, nên khi lập gia đình riêng, thấy mình có thể tự bươn chải được nên ông không nhận phần đất cha mẹ chia mà nhường lại cho các anh em khác. Không đất đai, ông và vợ phải sống bằng nghề buôn bán. Những năm còn kinh tế bao cấp, các loại trái cây mà quốc doanh thu mua như chuối, bưởi, quýt,…thì buôn bán khá thuận lợi, ông sắm một chiếc ghe nhỏ, mỗi ngày một chuyến đi mua của nhà vườn rồi chở ra cân cho Nhà nước, tuy lời lãi không nhiều nhưng cũng đủ sống. Vài năm sau, tích góp một ít tiền ông mua được 4 công ruộng ở gần nhà.

Làm ruộng được vài năm, đến khoảng đầu năm 1990, ông bắt đầu lên liếp lập vườn như một số mô hình mà ông từng gặp. Thời gian đó, phổ biến là trồng cam mật. Nhưng không may, đất nhà ông không canh tác cây có múi, đến cây được 3 năm tuổi cho trái lần đầu thì bị bệnh vàng lá gân xanh chết hàng loạt. Sau đó ông chuyển sang trồng mận, nhưng không bao lâu giá mận cũng rớt khiến ông phải suy nghĩ đến một mô hình khác ổn định hơn.

 Khu vực 4, phường Ba Láng có địa bàn giáp ranh với xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền – nơi có đặc sản là cây dâu – và tất nhiên xung quanh có nhiều hộ ăn nên làm ra nhờ cây dâu. Vì thế, đó là điều kiện tốt để ông Tư học tập, nghiên cứu mô hình. Rút kinh nghiệm từ những mô hình trước, lần trồng dâu này, ông Tư cẩn trọng hơn. Ông nghiên cứu kỹ lưỡng về giống dâu bòn bon này, sau cùng ông chọn chúng. Ông cho biết, cái tên dâu bòn bon trước nay nghe ông bà gọi như vậy thì cứ gọi theo chứ không biết vì sao có tên đó. Nhưng vấn đề tên gọi không quan trọng, đối với ông Tư điều quan trong là cây dâu này dễ trồng, dễ làm trái và ông đã biết rõ về nó.             

Năm 2007 vườn dâu cho trái lần đầu, tuy không nhiều, nhưng điều đó cũng cho biết, bước đầu ông Tư đã thành công về cây trồng này. Những năm sau đó, vườn dâu lớn dần năng suất ngày càng cao, tuy giá cả còn khá bấp bênh, nhưng đầu ra của cây dâu không gặp khó khăn nhiều. Hàng năm ông đều có lợi nhuận từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Giờ đây ông Tư đã thật sự vui mừng vì sự thành công của mình.

Năm 2012, vườn đâu cho thu hoạch trên 12 tấn trái, nhờ bán được giá khá cao nên lợi nhuận khá. Mùa dâu năm nay, tuy tiết trời nắng nóng nhiều không thuận lợi cho lắm nhưng với giống dâu bòn bon không bị ảnh hưởng nhiều, năng suất tiếp tục tăng. Đầu vụ đến giờ ông đã thua được trên 5 tấn, theo ước tính của ông, vườn dâu năm nay sẽ cao hơn năm rồi, đạt trên 16 tấn, lợi nhuận sẽ tăng hơn năm rồi từ 20 đến 30%.

 

Ông Tư cho biết thêm, trồng dâu cũng như nhiều loại cây trồng khác. Hễ nói đến trồng để làm kinh tế thì phải có sự quan tâm đầu tư đúng mức của nhà vườn chứ không thể bỏ lơi “trồng theo kiểu ăn trái” như trước. Muốn năng suất cao phải biết kỹ thuật tỉa cành tạo tán. Muốn làm trái đạt thì phải biết kỹ thuật tưới nước, bón phân, đặc biệt phải biết khắc phục một số khó khăn khi thời tiết không thuận lợi. Trồng dâu theo kiểu ngày xưa, thường phó mặc cho thiên nhiên, năm nào tiết trời thuận thì đậu, năm nào tiết không thuận thì bỏ vụ. Nay nhờ những tiến bộ của KHKT cộng với tính cần cù và sáng tạo của người nông dân, nên trồng dâu không còn bỏ vụ như trước nữa.

 Với sự thành công từ mô hình trồng dâu bòn bon của ông Trần Văn Tư, địa phương đang có kế hoạch cải tạo gần 100 ha vườn tạp kém hiệu quả trên địa bàn phường Ba Láng hiện nay nhằm nâng cao kinh tế nông hộ. Có thể nói, với quan điểm của nhiều người, dâu bòn bon chỉ là giống thông thường, giá rẻ. Tuy nhiên, nếu người nông dân biết khai thác thế mạnh của chúng là năng suất cao, dễ làm trái như gia đình ông Tư thì cây dâu bòn bon vẫn cho hiệu quả kinh tế cao không thua kém nhiều giống cây đặc sản khác, và người nông dân vẫn có thể giải quyết được bài toán về kinh tế gia đình. 

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *