Bên bờ hạnh phúc

4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm trở lại đây. Trong tháng 5 này nhiều ngân hàng thương mại nhà nước liên tục giảm lãi suất huy động thấp hơn nhiều so với trần lãi suất qui định của Ngân hàng Nhà nước. Liệu đây sẽ là cơ hội để khơi thông nguồn vốn ở ngân hàng hiện nay nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% và kiểm soát lạm phát ở mức 6 – 6,5% trong năm nay?

 

 

Đầu tháng 5 này, Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, tức Vietcombank là ngân hàng tiên phong khi hạ lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 1 tháng xuống còn 6%/ năm. Kỳ hạn 2 tháng là 6,5%/ năm và 3 tháng là 6,8%/năm.

Ngay sau đó, ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam và Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam tiếp tục hạ lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tương tự Vietcombank.

Còn ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tuy giảm chậm hơn nhưng mức giảm sâu hơn khi lãi suất tiết kiệm khách hàng cá nhân kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 5%/năm, mức thấp nhất trên thị trường.

Với 2 lần điều chỉnh liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng, mức lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại Nhà nước qui mô lớn thấp hơn cả mức trần quy định của NHNN đến 1,5%/năm. Bởi lẽ, theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại được tự thỏa thuận với khách hàng về lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng mà không áp dụng mức trần 7,5%/năm.

Cùng với quyết định cắt giảm lãi suất, các ngân hàng lớn nhỏ hiện đang tập trung triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi như: Ngân hàng Nam Việt dành gói tín dụng 2 ngàn tỷ đồng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; VPbank cho khách hàng cá nhân vay lãi suất chỉ còn 6% trong 6 tháng đầu tiên hay Vietinbank với các gói tín dụng ngắn hạn 80 ngàn tỷ đồng lãi suất cho vay thấp nhất chỉ 7%/năm.

Một số ngân hàng khác dù chưa giảm lãi suất huy động nhưng cũng có nhiều chương trình giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng TMCP An Bình có nhiều chương trình dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vay vốn bằng tiền đồng, đôla Mỹ và euro với lãi suất giảm nhiều so với trước. Trong đó có gói hỗ trợ 500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 9,9%/ năm dành cho khách hàng cá nhân mua, xây dựng, sửa chữa nhà đất; mua ô tô; tiêu dùng có thế chấp và cho vay sản xuất kinh doanh.

Số liệu của Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho thấy trong bốn tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống ngân hàng chỉ có 1,4% so với hồi cuối năm 2012. Trong khi đó huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp tăng 5,3%. Còn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, trong 4 tháng qua lượng tiền huy động đạt hơn 14.400 tỷ đồng, tăng trưởng 2,8% so với đầu năm còn dư nợ cho vay tuy có tăng 3,4% nhưng cũng chỉ đạt hơn 13.800 tỷ đồng. Huy động tiền nhiều trong khi cho vay ít nên xảy ra tình trạng thừa ứ vốn tại các ngân hàng, nhất là những ngân hàng có qui mô lớn.

Việc ngân hàng buộc phải giảm lãi suất huy động là nhằm tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay để đẩy mạnh nguồn vốn ra thị trường. Trong 4 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,4% so với hồi cuối năm 2012, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây là cơ sở để hạ nhiệt lãi suất. Trước đó, trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 4 vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố thì trong thời gian tới lãi suất ngân hàng có thể sẽ được giảm thêm khoảng 2 – 3%. Nguyên nhân là do lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và tín dụng tăng trưởng chưa tới 1,5%. Về nguyên tắc, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động sẽ giúp ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất được các chuyên gia kinh tế đánh giá chưa phải là các gốc của vấn đề để doanh nghiệp tiếp cận đồng vốn.

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước chi nhánh Vĩnh Long thì lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay từ 11-13% đối với các ngân hàng thương mại cồ phần nhà nước và từ 11-15% đối với ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Còn đối với vốn vay trung và dài hạn vẫn còn khá cao, ở mức 11-15%/ năm đối với các ngân hàng thương mại cồ phần nhà nước và 13-17%/ năm đối với ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Dù lãi suất giảm nhưng vẫn còn cao đối với các khoản vay trung và dài hạn nên nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn ngân hàng thấp hơn nhiều so với hạn mức mà ngân hàng cấp. Ở DNTN Hồng Hương, vốn ngân hàng chỉ được doanh nghiệp sử dụng làm vốn lưu động với thời gian vay 6 tháng. Các khoản đầu tư cho nhà xưởng đều sử dụng vốn tự có. Dù vậy, chi phí lãi vay vẫn chiếm khoảng 4% chi phí, chưa kể chi phí nguyên liệu.

Cho dù lãi suất cho vay đang giảm tương ứng với lãi suất huy động nhưng thực tế tỷ lệ nợ xấu tăng cao thời gian qua khiến cho các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cho vay. Đó là một trong những lý do khiến cho tín dụng tăng trưởng chậm chạm và khó đạt mục tiêu tăng trưởng 12% cho cả năm nay. Một số các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay. Như ở công ty cổ phần vật liệu xây dựng Vĩnh Long, tuy doanh thu từ đầu năm đến nay có sự tăng trưởng tốt nhưng vẫn không thể vay vốn ngân hàng được do thiếu tài sản thế chấp.

Trước đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được điều chỉnh giảm. cụ thể cho vay nông nghiệp từ 12%/năm xuống còn 11%/năm; cho vay xuất khẩu ở mức 9,5-10%/ năm. Lãi suất huy động giảm một nửa so với thời điểm một năm đây là điều kiện để tiếp tục hạ lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm.

 

Trong tháng 4 vừa qua, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến nghị từ nay đến cuối năm 2013 cần tiếp tục đẩy mạnh nhanh việc thực hiện các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 02 của Chính phủ. Đối với chính sách tiền tệ, tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống còn 9 – 10% nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư, đẩy mạnh sản xuất; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Ngoài giảm lãi suất để khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất, nhiều chính sách tài khóa hiện cũng được triển khai, trong đó có việc miễn giảm thuế. Phiên họp 17 của Uỷ ban thường vụ quốc hội tháng 4 vừa qua đã thống nhất từ ngày 01/ 7, áp dụng ngay thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% đối doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng. Từ năm 2014, thực hiện mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông 22%. 

 Với những cơ chế chính sách về tài khóa cũng với việc hạ lãi suất ngân hàng hiện nay sẽ là đòn bẩy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, ngay tự thân doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, thị trường, điều chỉnh lại sản xuất vẫn là quyết định để tồn tại trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như trong năm nay.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *